Game không phép, vi phạm bản quyền,... có thể bị chặn thanh toán

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, các đơn vị trung gian thanh toán tới đây sẽ cần thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho các game không phép qua hệ thống thanh toán của đơn vị, hoặc khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết sẽ định kỳ hàng tháng cập nhật, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trung gian thanh toán danh sách các game đã được cấp phép và không cấp phép (trước mắt chủ yếu là những game có nhiều người chơi) để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán, kết nối thanh toán tới các game không phép.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Bộ TT&TT).

Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thanh toán, khuyến mại cho game, hoặc các hành vi có dấu hiệu lợi dụng game để đổi thưởng, cờ bạc; chỉ đạo Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game trong nước bảo vệ bản quyền game, rà soát, loại bỏ các game mạo danh, game vi phạm bản quyền, game không phép…

Bộ TT&TT cũng đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các quy định về thanh toán và pháp luật chuyên ngành có liên quan khi kết nối và thanh toán cho dịch vụ game.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho các game không phép qua hệ thống thanh toán của đơn vị, hoặc khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp thanh toán qua IAP (Mua trong ứng dụng) phải yêu cầu Apple, Google cung cấp đầy đủ các thông tin về giao dịch để thực hiện các biện pháp ngắt kết nối hoặc chặn thanh toán cho game không phép.

Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu đơn vị trung gian thanh toán tiếp tục thanh toán cho game không phép.

Nhà nước thất thu thuế rất lớn do game không phép

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết trong quá trình thúc đẩy phát triển game đã xảy ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý bởi nhiều quy định của pháp luật, nhưng các nhà cung cấp xuyên biên giới thì "bất chấp" tất cả, phát hành không phép, thanh toán qua trung gian và không phải đóng thuế.

Ông Do thông tin cụ thể: Doanh thu ước tính trong lĩnh vực game tại nước ta trong năm 2022 là hơn 500 triệu USD, thì game không phép chiếm 30%. Game không phép chủ yếu cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua Google Play và Apple Store.

Từ năm 2019 đến nay, theo yêu cầu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Google đã gỡ bỏ 294 game cờ bạc, bạo lực, game không phép, trong khi Apple cũng đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép cũng như dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng,…

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do thừa nhận, nỗ lực này vẫn chưa đủ và vẫn còn hạn chế. Việc thanh toán cho game hiện nay quá dễ dàng bằng nhiều hình thức, các trung gian không chủ động kiểm tra, thậm chí không kiểm tra được vì một số lý do, nên dẫn tới việc nạp tiền cho game không phép, cờ bạc… vi phạm pháp luật. Ngoài ra, người dùng còn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình lựa chọn và sử dụng dịch vụ, ứng dụng game.

Thị trường game giàu tiềm năng

Theo dự báo của Newzoo, thị trường Game toàn cầu ước tính sẽ vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với thị trường game toàn cầu. Thị trường trò chơi điện tử đang ngày càng trở nên sôi động và bắt đầu có những đóng góp rõ rệt vào nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số, ngành công nghiệp game cũng đang phát triển với quy mô, tốc độ tăng trưởng cao, có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao, hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế.

Nhận định về sự phát triển của game Việt, ông Lê Quang Tự Do cho biết thời gian qua, thị trường game sôi động đã mở ra cơ hội cho các studio, nhà phát hành game có cơ hội thể hiện năng lực sản xuất vượt trội của đội ngũ nhân sự người Việt.

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm, mức lương hấp dẫn cho các vị trí sản xuất trò chơi tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí Game Developer (nhân viên lập trình game) khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist (nghệ sỹ game -người vẽ hình ảnh cho game dưới hình thức 2D và 3D) khoảng 389 triệu đồng/năm.

Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng, như marketing, quảng cáo, streamer (những người thực hiện việc phát sóng trực tiếp cho người xem thông qua một nền tảng online trực tuyến).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/game-khong-phep-vi-pham-ban-quyen-co-the-bi-chan-thanh-toan-20233241547025.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/