Founder Dat Bike: Ở thời điểm này, lợi nhuận với chúng tôi không quan trọng

Trong “mùa đông gọi vốn” của startup, Dat Bike vẫn thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Thoạt tiên, nhiều người sẽ nghĩ rằng Dat Bike – một startup xe máy điện đáng chú ý tại Việt Nam – được đặt tên theo tên người sáng lập bởi Đạt là một cái tên phổ biến ở Việt Nam.

Thế nhưng Nguyễn Bá Cảnh Sơn lại nghĩ khác. Anh muốn mọi người nói về “chiếc xe đó” (“dat bike”) thay vì nói về bản thân anh. Là một cách nói khác của từ “that” (cái đó), “dat” thường được dùng kèm theo sự ngạc nhiên.

 Nguyễn Bá Cảnh Sơn, CEO và người sáng lập Dat Bike. (Ảnh: Dat Bike).

“Ở thời điểm này, lợi nhuận với chúng tôi không quan trọng”, Sơn nói với Tech in Asia. “Chúng tôi muốn 200 triệu người Đông Nam Á chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện”.

Với môi trường kinh tế hiện tại, mục tiêu của Sơn có vẻ táo bạo nhưng anh đã thành công trong việc thuyết phục các nhà đầu tư trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” của các startup.

Thành lập vào năm 2019, Dat Bike đã kêu gọi thành công 16,5 triệu USD, trong đó bao gồm vòng gọi vốn 8 triệu USD do Jungle Ventures dẫn dắt hồi tháng trước. Sơn nói rằng định giá công ty của anh đã vượt qua mốc 32 triệu USD mà VentureCap Insights ước tính ở vòng đầu tư trước khá nhiều.

Đầu tháng này, Sơn ra mắt Dat Bike Weaver++ tại một sự kiện ở TP.HCM. Phiên bản thứ ba của Dat Bike với giá 65,9 triệu đồng này được quảng cáo có thể di chuyển được 200 km chỉ với ba giờ sạc pin.

Đi vào thị trường ngách

 Xe máy xăng vẫn là lựa chọn số 1 tại Việt Nam. (Ảnh: Shutterstock).

Với truyền thông, Nguyễn Bá Cảnh Sơn là một ví dụ hoàn hảo cho một nhà sáng lập công nghệ: Anh là cựu kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon và tự học phát triển xe điện bằng cách xem video trên YouTube.

Sơn muốn thiết kế và sản xuất thứ mà anh mô tả là “một chiếc xe máy điện sản xuất ở Việt Nam thực sự”. Chiếc xe này cần đủ hấp dẫn và giá cả phù hợp để cạnh tranh với xe xăng. Việt Nam hiện tại đang có khoảng 50 triệu xe máy mặc dù doanh số đi xuống trong đại dịch.

Năm 2019, người sáng lập Dat Bike mang ý tưởng mình đến với chương trình Shark Tank Việt Nam và nhận được 60.000 USD đầu tư. Một nhà đầu tư trong chương trình thậm chí nói rằng Dat Bike có sản phẩm không phù hợp với thị trường.

Dù vậy, kể từ thời điểm đó, startup này đã khẳng định các Shark không phải lúc nào cũng đúng. Mặc dù không chia sẻ chi tiết, Dat Bike nói rằng doanh số startup này đạt được tăng 10 lần trong năm ngoái và lượng đơn hàng cũng đang vượt quá năng lực sản xuất (khoảng 1.000 xe mỗi tháng) của nói.

Dat Bike mới đây cũng triển khai trạm sạc Dat Charge đầu tiên tại TP.HCM. Trạm sạc này có thể giảm thời gian sạc xuống chỉ còn 20 phút cho mỗi 100 km di chuyển. Trước đó, người dùng cần sạc xe máy điện tại nhà với khoảng thời gian 3 giờ cho mỗi 200 km.

“Chúng tôi tập trung vào tăng tỷ lệ vận hành của sản phẩm so với giá, điều này có nghĩa là với mỗi đồng khách hàng bỏ ra, họ nhận lại được giá trị tốt hơn về tốc độ, phạm vi di chuyển và tốc độ sạc ngắn hơn”, anh Sơn nói.

Khách hàng mục tiêu của startup này là nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 45 với thiết kế xe khá cứng cáp. Dat Bike hiện có 3 cửa hàng trực tiếp tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng nhưng người dùng phải đặt hàng trực tuyến. Xe được sản xuất theo đơn hàng nên người dùng thường phải đợi 10 ngày để nhận xe.

Tiến ra thị trường phổ thông?

 Bức tranh thị phần xe điện 2 bánh tại Việt Nam (thời điểm năm 2020). (Nguồn: ICCT, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Sơn đồng ý rằng Dat Bike rồi cũng sẽ phải tiến ra thị trường phổ thông, song điều này có nghĩa là gì?

Một trong những điều Dat Bike sẽ làm là thiết kế xe giống với những chiếc xe máy đại trà trên đường phố Việt Nam. “Thứ gì đó mà mẹ tôi có thể dùng đi chơi”, Sơn nói. Anh không tin rằng việc tiến ra thị trường đại trà có thể khiến Dat Bike mất đi sự hấp dẫn vì Dat Bike muốn cạnh tranh dựa trên khả năng vận hành kỹ thuật thay vì thiết kế.

Mặc dù các thương hiệu nước ngoài đang thống lĩnh thị trường xe hai bánh ở Việt Nam, các nhà sản xuất địa phương lại dành ưu thế ở phân khúc xe điện hai bánh, theo một phân tích của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT). Báo cáo này ước tính VinFast đang dẫn đầu thị trường xe điện hai bánh với 43,4% thị phần.

Trong số các đối thủ đáng chú ý của Dat Bike có Gogoro, một nhà sản xuất xe máy điện Đài Loan, với 3,1% thị phần tại Việt Nam. Dù vậy, công ty này hiện chưa có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ở Đài Loan, Gogoro là thương hiệu dẫn đầu. Các hãng xe truyền thống như Honda, SYM, Suzuki hay Piago chưa quá ưu tiên phân khúc xe máy điện song khách hàng cũng có thể lựa chọn những mẫu xe điện giá rẻ từ Trung Quốc.

Với Cảnh sơn, đối thủ lớn nhất đến từ thị trường xe xăng. “Tôi nghĩ thị trường Việt Nam vẫn chưa có một chiếc xe điện có thể cạnh tranh được với xe xăng ở khả năng vận hành, mức độ tin cậy và giá”, anh nói.

Bên cạnh việc cải thiện năng lực sản xuất, thách thức lớn khác của Dat Bike hiện tại là mở rộng mạng lưới trạm sạc, một nhiệm vụ mà ngay cả “ông lớn” VinFast cũng chưa hoàn thành việc giải quyết.

Để có thể tồn tại được trên hành trình còn rất dài của mình, Cảnh Sơn nói rằng Dat Bike sẽ tiếp tục gọi vốn. Dat Bike cũng muốn phát triển ra bên ngoài thị trường Việt Nam. Sơn tiết lộ Indonesia có thể là thị trường tiềm năng tiếp theo. Song đó là chuyện tương lai.

Lúc này, xe điện của Dat Bike cũng nhận được khá nhiều phàn nàn của người dùng, nhất là khi xe phải leo dốc hoặc pin sụt. Nhưng điều này không làm Sơn nản lòng. Anh nói rằng đó chính là thứ Dat Bike cần: những dòng phản hồi liên tục từ nhóm người dùng thực sự có thể giúp cải thiện các phiên bản xe trong tương lai.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/founder-dat-bike-o-thoi-diem-nay-loi-nhuan-voi-chung-toi-khong-quan-trong-2022122317299933.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/