FLC thay Tổng Giám đốc 7 lần trong 10 năm: Từ ông Doãn Văn Phương, bà Hương Trần Kiều Dung đến ông Lê Tiến Dũng

Các Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC trong 10 năm qua bao gồm: Ông Doãn Văn Phương, bà Hương Trần Kiều Dung, ông Lê Thành Vinh, ông Trần Quang Huy, bà Hương Trần Kiều Dung (lần 2), bà Bùi Hải Huyền, và gần đây nhất là ông Lê Tiến Dũng.

Các đời Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC từ trái qua phải hàng trên: ông Lê Tiến Dũng, ông Lê Thành Vinh, bà Bùi Hải Huyền; hàng dưới: ông Doãn Văn Phương, bà Hương Trần Kiều Dung, ông Trần Quang Huy. (Ảnh: FLC; Đồ họa: Song Ngọc).

Khi Tập đoàn FLC niêm yết hơn 77 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào tháng 7/2013, ông Doãn Văn Phương đang làm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc. Bà Hương Trần Kiều Dung lúc này vẫn chưa có tên trong HĐQT hay Ban Điều hành của FLC.

Đến ngày 12/12/2013, bà Dung được thăng chức từ Trưởng ban Pháp chế và Phát triển Dự án của FLC lên làm Phó Tổng Giám đốc, chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng Giám đốc Doãn Văn Phương.

Từ tháng 7/2/2014, bà Dung làm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên FLC Land – một công ty con của Tập đoàn FLC. Đến tháng 3/2014, bà Dung làm người công bố thông tin của Tập đoàn.

Ngày 9/5/2015, bà Hương Trần Kiều Dung lên làm Tổng Giám đốc, còn ông Doãn Văn Phương tập trung vào vai trò Phó Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên chỉ 4 tháng sau, vào tháng 9/2015, ông Phương cũng rời ghế Phó Chủ tịch.

Ông Doãn Văn Phương sinh năm 1977 tại tỉnh Thanh Hóa, có bằng Cử nhân Luật. Từ tháng 1/2010 đến tháng 8/2010, ông Phương là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC (tên cũ của Tập đoàn FLC). Sau đó, chức vụ này được trao lại cho Luật sư Trịnh Văn Quyết.

Từ tháng 8/2010 đến tháng 5/2011, ông Phương làm Phó Chủ tịch HĐQT của FLC. Từ tháng 5/2011 về sau, ông làm Thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc cho đến khi từ nhiệm vào năm 2015.

Bà Hương Trần Kiều Dung sinh năm 1978, là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Tại thời điểm nhậm chức Tổng Giám đốc FLC vào tháng 9/2015, bà đã có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập (M&A).

Trong thời gian gần hai năm mà bà Hương Trần Kiều Dung làm Tổng Giám đốc (5/2015 - 3/2017), Tập đoàn FLC liên tục góp vốn để mở nhiều công ty con ở các lĩnh vực khác nhau như Công ty TNHH BOT Khai thác quản lý bãi biển FLC Sầm Sơn (vốn điều lệ 200 tỷ đồng), Công ty TNHH Khu công nghiệp FLC Hoàng Long (450 tỷ đồng), Công ty TNHH Sản xuất đồ uống FLC (15 tỷ đồng), …

Cũng trong thời gian bà Dung tại vị, Tập đoàn FLC chào bán gần 180 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp – cao hơn khoảng 40% thị giá hồi giữa năm 2016. Các cổ đông hiện hữu chỉ đăng ký mua khoảng 13% số chào bán. Sau đó, FLC đã tìm được 8 nhà đầu tư cá nhân chi 846 tỷ đồng để mua thêm 47% số cổ phiếu chào bán.

Như vậy, tuy giá chào bán cao hơn đáng kể so với thị giá nhưng FLC dưới thời bà Dung vẫn bán được tới 60% số dự kiến, thu về hơn 1.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, FLC Star Tower, Khu công nghiệp Chấn Hưng.

Đến ngày 9/3/2017, bà Hương Trần Kiều Dung thôi giữ chức Tổng Giám đốc FLC để nhận vị trí công tác khác tại FLC, người thay thế là Thành viên HĐQT Lê Thành Vinh.

Ông Vinh quê Nghệ An, sinh năm 1979, tức nhỏ hơn bà Dung một tuổi. Giống bà Dung, ông Lê Thành Vinh cũng có bằng Tiến sỹ Luật. Ngoài ra, ông còn là Thạc sỹ Kinh doanh Quốc tế.

Sau 8 tháng ngồi ghế Tổng Giám đốc, ông Vinh thôi chức để nhận công tác khác tại FLC. Người thay thế ông Vinh là Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Huy, sinh năm 1972.

Tuy nhiên, ông Huy cũng chỉ làm Tổng Giám đốc FLC trong khoảng 8 tháng. Người thay thế vị trí của ông Huy là một gương mặt quen thuộc: Bà Hương Trần Kiều Dung.

Tháng 7/2018, bà Dung đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc lần thứ 2 trong bối cảnh Tập đoàn FLC đang dốc sức tăng vốn điều lệ cho hãng hàng không Bamboo Airways và hoàn tất thủ tục để công ty con này được cấp phép bay thương mại.

Khoảng nửa năm sau, vào ngày 16/1/2019, Bamboo Airways đã khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên và trở thành hãng hàng không thứ 5 của Việt Nam.

Đến tháng 3/2020, Tập đoàn FLC cho biết bà Dung sẽ tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT nhưng thôi kiêm nhiệm Tổng Giám đốc để "tập trung tham gia và chịu trách nhiệm cho công tác hoạch định và quản trị chung trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là bất động sản". 

Khi bà Hương Trần Kiều Dung làm Tổng Giám đốc, Tập đoàn FLC từng là công ty mẹ của Bamboo Airways. Đến năm 2022, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways chỉ còn 21,7%. (Ảnh tư liệu: Song Ngọc). 

Phó Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền – người từng phụ trách Ban Truyền thông của Tập đoàn FLC - được thăng chức làm Tổng Giám đốc kể từ ngày 19/3/2020.

Tháng 7 cùng năm, cựu Tổng Giám đốc Lê Thành Vinh từ chức Phó Chủ tịch và xin rút khỏi HĐQT Tập đoàn FLC. Đến tháng 8/2020, ông Vinh sáng lập và làm Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn T&P. Theo ông Vinh, cái tên T&P là viết tắt của hai từ tiếng Anh "Trusted & Professional", tạm dịch là "đáng tin cậy và chuyên nghiệp".  

Quãng thời gian bà Huyền làm Tổng Giám đốc cũng là giai đoạn đặc biệt khó khăn của FLC. COVID-19 hoành hành khiến cho nền kinh tế thiệt hại nặng nề, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không – du lịch như FLC.

Năm 2020, FLC lỗ gộp 3.172 tỷ đồng nhưng vẫn báo lãi ròng 308 tỷ nhờ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính khổng lồ 5.460 tỷ. Năm 2021, FLC cũng thoát lỗ ròng nhờ doanh thu tài chính gần 1.500 tỷ.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, FLC báo doanh thu thuần giảm 63% còn gần 2.100 tỷ, lỗ sau thuế gần 1.900 tỷ.

FLC hiện chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2021 cũng như báo cáo tài chính quý IV/2022. Do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, gần 710 triệu cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) từ ngày 20/2/2023. Thị trường UPCoM cũng đã ra quyết định đình chỉ giao dịch với cổ phiếu FLC.

Giữa bối cảnh Bamboo Airways thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vì đội tàu bay phải nằm đất vì dịch, FLC đã thoái bớt vốn khỏi hãng hàng không này, hạ tỷ lệ sở hữu còn 21,7% tại ngày cuối quý III/2022. FLC hiện không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways.

Ngày 29/3/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways khi đó là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Đến tháng 8/2022, ông Quyết bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cựu Tổng Giám đốc FLC Hương Trần Kiều Dung cũng bị khởi tố tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng với ông Quyết.

Sau khi ông Quyết và bà Dung vướng vòng lao lý, FLC đã chứng kiến hàng chục biến động trong đội ngũ nhân sự cấp cao khi nhiều người ra đi và nhiều người mới gia nhập.

Mới đây nhất vào ngày 28/2, Hội đồng quản trị FLC đã chấp thuận đề nghị thôi chức vụ Tổng Giám đốc của bà Bùi Hải Huyền. Hai cấp dưới của bà Huyền là các Phó Tổng Giám đốc Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Quỳnh cũng được miễn nhiệm cùng ngày.

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC thay cho bà Huyền.

Ngoài ra, bà Huyền cũng mong muốn được thôi chức Phó Chủ tịch HĐQT cũng như chấm dứt tư cách Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC.

Sau sự ra đi của bà Huyền, các thành viên còn lại trong HĐQT của FLC đều là những người được bầu bổ sung tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022, không còn thành viên nào từ thời cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. 

Ngày mai 4/3, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 để chính thức miễn nhiệm tư cách Thành viên HĐQT đối với bà Bùi Hải Huyền và ông Đặng Tất Thắng – người đã từ nhiệm từ tháng 7/2022. Đại hội cũng dự kiến bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT. Đại hội lần 1 tổ chức vào ngày 5/2 đã không thể diễn ra do thiếu cổ đông tham dự.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/flc-thay-tong-giam-doc-7-lan-trong-10-nam-tu-ong-doan-van-phuong-ba-huong-tran-kieu-dung-den-ong-le-tien-dung-202333173458294.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/