Fed loại bỏ ý định đưa lãi suất xuống mức âm

Theo các quan chức Fed, mức lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và có khả năng sẽ vẫn được duy trì.

cuc-du-tru-lien-bang-my-fed-vnf

Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)

Fed chưa tính tới việc đưa lãi suất chuẩn xuống mức âm

Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 10/2019 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy các quan chức của NHTW Mỹ đã thống nhất loại bỏ ý định sử dụng lãi suất âm như một công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ.

Hồi tháng 10/2019, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm%, đưa mức lãi suất này xuống khoảng 1,5-1,75% như một biện pháp "bảo hiểm" trước những nguy cơ tiềm ẩn. Đây là lần thứ ba Fed cắt giảm lãi suất cơ bản kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra trong giai đoạn 2007-2008. 

Trước đó, tại hai cuộc họp diễn ra vào ngày 31/7 và 18/9, Fed cũng đã cắt giảm lãi suất với cùng một mức 0,25%.

Biên bản cuộc họp cũng cho biết hầu hết thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cảm thấy động thái cắt giảm lãi suất vừa qua đủ để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động mạnh và lạm phát tiệm cận mức mục tiêu 2% của Fed. Bên cạnh đó, lãi suất hiện tại đã được điều chỉnh vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng và có khả năng sẽ vẫn được duy trì, miễn là triển vọng nền kinh tế vẫn được giữ nguyên.  

Các thành viên FOMC cũng lưu ý rằng các đợt điều chỉnh chính sách của Fed thường có một độ trễ nhất định, có thể mất một năm hoặc nhiều hơn để cảm nhận được. Chính vì vậy, họ có muốn có thời gian để đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang chính sách tiền tệ lỏng hơn đến các điều kiện tài chính.

Những đánh giá trên của FOMC đa phần phù hợp với các tuyên bố công khai gần đây của các quan chức Fed.

Chủ tịch Jerome Powell trong phiên điều trần trước quốc hội tuần trước cho biết ông cảm thấy an tâm với lập trường chính sách hiện tại của Fed. Đồng thời, ông Powell cũng nhắc lại thông điệp đã đưa ra sau khi Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay hồi cuối tháng 9 rằng nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa là không cần thiết, trừ phi có các diễn biến mới liên quan đến thương mại hay các vấn đề khác có thể làm thay đổi triển vọng kinh tế.

Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phát đi cảnh báo, việc kéo dài tình trạng lãi suất thấp kỉ lục ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) hay áp dụng lãi suất âm tại nhiều quốc gia đang khiến các nhà đầu tư có xu hướng chấp nhận rủi ro gia tăng khi rót tiền vào nhiều loại tài sản, từ đó có thể đe dọa sự ổn định tài chính.

Rủi ro đối với nền kinh tế đang giảm xuống

Biên bản cuộc họp tháng 10 cho thấy các quan chức Fed lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở vị thế khá mạnh với thị trường lao động lành mạnh và sự chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng, hoạt động đóng góp khoảng 70% GDP. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rủi ro từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đã bị mắc kẹt trong một cuộc giao tranh thương mại kéo dài gần hai năm với việc hai bên thực hiện áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của nhau. Những diễn biến gần đây cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực tuy nhiên vào đầu tuần này Bắc Kinh vẫn tỏ ra bi quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Fed dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay, cao hơn một chút so với mức tiềm năng 2% mà ngân hàng này từng đưa ra. Mặc dù vậy, các quan chức Fed vẫn cảm thấy giới doanh nghiệp vẫn rất cẩn trọng về hoạt động đầu tư, trong khi xuất khẩu sẽ vẫn yếu do bất ổn thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm chạp.

Fed sẽ có thêm một cuộc họp chính sách nữa trong năm nay vào ngày 10 - 11/12, nhưng giới đầu tư nhận định NHTW Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại cho đến ít nhất là giữa năm 2020.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/fed-loai-bo-y-dinh-dua-lai-suat-xuong-muc-am-20191121185239301.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/