'Vua tôm' Minh Phú: Nửa cuối năm 2022 sẽ rất khó khăn với thị trường tôm

Theo ông  Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nửa cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn khó khăn đối với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Điều này khiến Minh Phú đứng trước nguy cơ không thể về đích ở một số chỉ tiêu kinh doanh.

 

 

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc  CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận định nửa cuối năm 2022 là là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường tôm. 

“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang nói. 

 

Do đó, tổng giám đốc Minh Phú cho rằng năm nay lượng và giá trị xuất khẩu có thể thấp hơn so với kế hoạch nhưng lợi nhuận “chắc chắn năm nay sẽ đạt”. 

 

Trong năm 2022, Minh Phú đặt chỉ tiêu lượng xuất khẩu 64.600 tấn, giá trị xuất khẩu tương đương 796 triệu USD. 

Minh Phú nhắm tới doanh thu gần 19.000 tỷ đồng (tương đương 817 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.266 tỷ đồng (tương đương 54,6 triệu USD).

5 tháng đầu năm Minh Phú xuất khẩu được được 20.342 tấn tôm, tương đương 266,4 triệu USD tăng lần lượt 8,64% và  25,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sau gần nửa năm, công ty mới đi được khoảng 1/3 quãng đường đối với 2 chỉ tiêu này.

H.Mĩ tổng hợp

Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của Minh Phú thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra trước đó. 

Theo đó, tại các tỉnh thành phía Nam, giãn cách xã hội diễn ra trong suốt quý 3/2021, đã khiến các nhà máy của Minh Phú hoạt động giảm công suất.

Ngoài ra, các biện pháp phỏng tỏa tại các cảng và nhiều quốc gia cũng khiến sức tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu giảm. Không nằm ngoài tình hình chung của các doanh nghiệp, kết thúc năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Minh Phú ghi nhận giảm lần lượt giảm 5,2% và 2,55% so với năm 2020 và chưa đạt kế hoạch đã đề ra.

Ở chỉ tiêu lợi nhuận, Minh Phú đạt khoảng 60 - 65% còn ở chỉ tiêu doanh thu thuần ở mức 86%.

Tinh hình thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh của Minh Phú trong năm 2021 (H.Mĩ tổng hợp)

 

Đối với thị trường tiêu thụ lớn nhất của Minh Phú là Mỹ, ông Quang tỏ ra không mấy lạc quan: “Thị trường Mỹ năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên Minh Phú chỉ có thể đạt hoặc mấp mé đạt mục tiêu về sản lượng. Tuy nhiên, tôi tự tin năm 2022 sẽ đặt được mục tiêu về lợi nhuận”.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhập khẩu tôm nước này trong tháng 4 đạt 66.761 tấn, trị giá 651 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 11% về giá trị so với tháng 3. Tuy nhiên, con số này khá thuận lợi khi so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo Undercurrent News, giới chuyên giá cho rằng sự sụt giảm này là dấu hiệu cho thấy thị trường tôm đã bắt đầu chững lại sau khoảng thời gian bùng nổ những tháng đầu năm. 

Ông Kevin Tang, Giám đốc điều hành của Union City, công ty thuỷ sản có trụ sở tại California, coi việc nhập khẩu tôm giảm là dấu hiệu của tình trạng dư cung trên thị trường. 

“Lượng hàng lớn tiếp theo sẽ cập cảng khoảng tháng 6 và tháng 7. Phải chờ cho đến tháng 9 nhu cầu nhập hàng ở Mỹ mới tăng trở lại bởi đó là thời điểm các công ty chuẩn bị tích trữ hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm”, ông Tang cho biết.

Ông Travis Larkin, chủ sở hữu công ty nhập khẩu và chế biến Seafood Exchange có trụ sở tại Bắc Carolina cho biết thời gian qua rất nhiều lô hàng tôm được đưa vào Mỹ. Tôi cho rằng câu hỏi lớn nhất lúc này là làm sao hấp thụ được khối lượng hàng khổng lồ hiện nay. Nếu khối lượng tôm tiếp tục tăng lên thì lượng hàng đó sẽ được tiêu thụ thế nào? Và giá liệu còn duy trì được đà tăng hay không?”.

Trên thực tế, xu hướng này cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất tôm của Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chững lại với mức tăng trưởng chỉ 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm chứng kiến mức tăng trưởng dao động 25-61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2021, Mỹ chiếm tới 34% tỷ trọng các thị trường xuất khẩu của Minh Phú, tăng 8,6 điểm phần trăm so với năm 2020.

 

 Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thị trường tiêu thụ tôm của Minh Phú. (Vòng trong 2020, vòng ngoài 2021. H.Mĩ tổng hợp)  

Đây cũng là thị trường đầy sóng gió với Minh Phú khi họ liên tục phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá. Công sức và số tiền chi ra để theo đuổi cũng không hề nhỏ. 

Trong buổi họp ĐHĐCĐ 2022 diễn ra hồi giữa tháng 4, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta từng tiết lộ: “Tiến trình để đưa ra khỏi danh sách xem xét chống bán phá giá vào Mỹ mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp và đòi hỏi phải có tiềm lực kinh tế. Minh Phú xem Mỹ là thị trường trọng điểm nên chấp nhận theo đuổi tiến trình đạt kết quả”

Tuy nhiên, ông Quang cho biết định hướng thời gian tới sẽ giảm tỷ trọng ở thị trường Mỹ ngay cả khi thuế chống bán phá giá được giảm về 0%.

“Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng tới nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận; do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì  có nên bán hàng vào đó hay không? Tôi cứ hỏi hoài tại sao Ấn Độ và Ecuador bán tôm rất rẻ, bán lỗ thế mà vẫn đâm đầu vào Mỹ”, ông Quang nói. 

 

Một trong những chi phí tăng mạnh nhất là logistics. Giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ có thời điểm tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch lên 20.000 USD/TEU.

 So sánh giá cước của top 4 các nước cung cấp tôm cho Mỹ. (Nguồn: Undercurrent News)

Trong khi đó, Ecuador vừa có tôm giá rẻ cộng thêm thuận lợi về vị trí địa lý gần Mỹ nên cước vận tải rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam. 

 

Mặc dù có nhiều yếu tố bất lợi, nhưng Minh Phú đang kỳ vọng nhiều vào dự án đường nước biển tại Kiên Giang. Đây được xem là một trong những yếu tố quyết định Minh Phú có đạt kế hoạch lợi nhuận hay không. 

Hệ thống đường nước biển Kiên Giang được Minh Phú đầu tư 2 năm nay với số vốn hơn 2.800 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này là góp phần phát triển bền vững lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, nhất là nuôi tôm công nghệ cao vùng Tứ giác Long Xuyên.

Theo kế hoạch, dự án sẽ có 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6/2025.

Tuy nhiên, theo ông Quang hiện giai đoạn 1 đang bị chậm tiên độ do vấn đề thủ tục và người dân cản trở. 

“Thực ra tuyến đường nước biến này là nhà nước phải làm nhưng Minh Phú đầu tư. Chính quyền cũng đã hỗ trợ rất nhiều tuy nhiên mức độ hỗ trợ cũng không như mong muốn. Người dân cản trở làm cho tiến độ thêm chậm. Nếu đường nước biển hoàn thành trước tháng 6 thì kết quả kinh doanh của Minh Phú đã rất tốt”, ông Quang nói.

Vị này cho rằng tình hình lợi nhuận của Minh Phú sẽ phụ thuộc nhiều vào đường nước biển. Nếu thuận lợi thì trong tháng 9, lợi nhuận năm nay sẽ đạt kế hoạch đề ra. 

Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh trong năm nay nhìn chung cao hơn khoảng 7-40% so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, riêng chỉ tiêu về lợi nhuận sau thuế cao hơn tới 92% so với thực tế năm 2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/fa-2022626171325269.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/