Evergrande muốn bán công ty con nhưng bất thành, áp lực nợ nần càng chồng chất

Evergrande đã ngừng đàm phán việc bán công ty con, đồng thời cho biết biết doanh số bán bất động sản của tập đoàn đã lao dốc khoảng 97% trong mùa cao điểm. Hai diễn biến này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thanh khoản của "chúa nợ" Trung Quốc.

Evergrande không buông tay công ty con

"Bom nợ" Evergrande, do tỷ phú Hứa Gia Ấn kiểm soát, vừa thông báo rằng vào tuần trước, tập đoàn đã kết thúc đàm phán việc bán 50,1% cổ phần trong công ty con Evergrande Property Services Group (EPS) với giá khoảng 20 tỷ HKD (tương đương 2,6 tỷ USD).

Hopson Development Holdings, người mua tiềm năng trong thương vụ trên, cho biết công ty "rất tiếc khi tuyên bố rằng đối tác đã không thể hoàn tất việc bán" cổ phần của EPS.

EPS niêm yết tại Hong Kong vào năm ngoái và là một nguồn thu đáng kể cho công ty mẹ đang ngập trong nợ nần. Lợi nhuận ròng cả năm 2020 của EPS đạt 2,65 tỷ nhân dân tệ (tức 413 triệu USD), trong khi của cả tập đoàn Evergrande là 8,1 tỷ nhân dân tệ.

Hopson là một công ty bất động sản niêm yết tại Hong Kong, do gia đình tỷ phú Chu Mang Yee nắm quyền kiểm soát. Tương tự Evergrande, công ty này có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông. Được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong từ năm 1998, cổ phiếu của Hopson đã bật tăng 38% từ đầu năm cho đến khi tạm ngừng giao dịch.

Theo Bloomberg, cổ phiếu của Evergrande, Hopson và EPS đã phải tạm dừng giao dịch từ ngày 4/10 để các bên đàm phán thỏa thuận mua bán hơn 50% vốn tại EPS nói trên. Tính đến trước phiên 4/10, cổ phiếu của "chúa nợ" Trung Quốc đã cắm đầu giảm 80% so với đầu năm.

Evergrande từ chối buông tay một công ty con, áp lực nợ nần càng chồng chất - Ảnh 1.

Sau khi từ bỏ thỏa thuận bán bớt cổ phần trong công ty con, tỷ phú Hứa Gia Ấn sẽ phải tìm cách khác để xoay xở khối nợ. (Ảnh minh họa: Getty Images/MarketWatch).

Trong các thông báo gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong cuối ngày 20/10, Evergrande nói thêm rằng họ chưa thể xúc tiến việc bán bớt tài sản và có thể không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính.

Cả Evergrande và Hopson đều đề nghị sở giao dịch cho phép cổ phiếu của mình được giao dịch trở lại sau ba tuần gián đoạn. Sáng 21/10, cổ phiếu Evergrande và EPS đều sụt trên 9%, Hopson tăng 0,9%.

Trước đó, giới chức quản lý tại Bắc Kinh đã khuyến khích Evergrande tận dụng mọi biện pháp khả thi để tránh vỡ nợ ngắn hạn đối với trái phiếu đồng USD, đồng thời tập trung vào việc hoàn thiện các bất động sản dang dở và trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân.

Đến nay, Evergrande vẫn rất chật vật trong việc thanh toán cho ngân hàng, nhà cung ứng và chủ sở hữu các sản phẩm đầu tư trong nước. Bán bớt tài sản có giá trị được coi là trọng tâm trong chiến lược tìm kiếm nguồn tiền mặt cho Evergrande.

Nhà phân tích Lisa Zhou của Bloomberg Intelligence (BI) nhận định, việc bán đi EPS có thể là liều thuốc ngắn hạn cho cú sốc thanh khoản của Evergrande. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng có thể giúp "chúa nợ" tranh thủ thêm thời gian để khắc phụ các vấn đề tài chính ở nước ngoài, nhà phân tích tín dụng Daniel Fan của BI cho hay.

Áp lực nợ nần dâng cao

Evergrande còn cho biết, doanh số bán bất động sản theo hợp đồng từ tháng 9 đến ngày 20/10 vừa qua chỉ đạt tổng cộng 3,65 tỷ nhân dân tệ (khoảng 571 triệu USD). Con số này chỉ tương đương một phần nhỏ so với tổng doanh thu 142 tỷ nhân dân tệ mà Evergrande ghi nhận từ tháng 9 đến ngày 8/10 năm ngoái.

Doanh số bán hàng sụt giảm và động thái từ bỏ thỏa thuận bán bớt cổ phiếu của công ty con đang làm gia tăng áp lực cho Evergrande, buộc tỷ phú Hứa Gia Ấn phải tìm cách khác để huy động tiền mặt.

Các trái chủ, ngân hàng và chủ nợ khác ngày càng lo ngại về khả năng thanh toán của tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất thế giới. Hôm 23/9, Evergrande phải thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu và nếu không thể hoàn thành nghĩa vụ nợ trong 30 ngày thì họ phải tuyên bố vỡ nợ. "Chúa nợ" Trung Quốc chỉ còn hơn hai ngày trước hạn chót.

Cuộc khủng hoảng thanh khoản của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc đã trở thành một trong các rủi ro nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Theo một số ước tính, ngành địa ốc hiện chiếm gần 25% GDP của Trung Quốc.

Hơn nữa, cú sốc của Evergrande cũng khiến công chúng lo ngại về ảnh hưởng sâu rộng hơn đến hệ thống tài chính. Ít nhất hai công ty địa ốc khác đã tuyên bố vỡ nợ trái phiếu đồng USD trong tháng 10 và lợi suất trái phiếu rác của Trung Quốc đang dao động gần mức đỉnh một thập kỷ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/evergrande-muon-ban-cong-ty-con-nhung-bat-thanh-ap-luc-no-nan-cang-chong-chat-20211021081629453.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/