Đường đi nước bước của OPEC 'rối như tơ vò' khi phương Tây cấm vận dầu mỏ Nga

OPEC+ dự kiến sẽ giữ nguyên thỏa thuận sản lượng hiện tại trong cuộc họp tuần này, nhưng đằng sau hậu trường, các ông lớn dầu mỏ có thể đang lên kế hoạch để sẵn sàng ứng phó nếu một ngày sản lượng của Nga hao hụt nghiêm trọng.

Đòn đau giáng vào Nga

Đầu tuần này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm vận phần lớn dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga, chỉ miễn trừ tạm thời đối với dầu được vận chuyển bằng đường ống.

Động thái trên của các nước EU, cùng với lệnh trừng phạt mới liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, có thể cản trở Nga xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới, CNBC dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo.

Ông Daniel Yergin - Phó Chủ tịch S&P Global, cho hay: “Nếu phương Tây ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Nga, điều đó sẽ thực sự làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chắc chắn đây sẽ là một mùa hè đầy biến động”.

“Nếu không có bảo hiểm hàng hải, hầu hết các tàu chở dầu sẽ không chấp nhận ra khơi vì rủi ro là rất lớn”, Phó Chủ tịch S&P Global nhấn mạnh.

Hầu hết bảo hiểm cho tàu chở dầu được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm có trụ sở tại London. Ông Yergin nhấn mạnh: “Bảo hiểm không được chú ý như các lô dầu thô, nhưng chúng có ý nghĩa quan trọng”.

(Ảnh minh họa: Shutterstock).

Viễn cảnh mất hàng triệu thùng dầu của Nga cũng như khả năng giá cả biến động dữ dội hơn đang đeo bám các thành viên của liên minh dầu mỏ OPEC+. Gần đây, phương Tây đã liên tục ngỏ lời muốn OPEC+ bơm thêm dầu ra thị trường.

Trong tương lai, chắc chắn các nước OPEC+ sẽ phải tăng sản lượng, do nguồn cung của Nga sụt giảm. Song, điều đó nhiều khả năng chưa thể xảy ra tại cuộc họp của OPEC+ hôm nay (ngày 2/6).

Bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC, bình luận: “Tôi nghĩ ban lãnh đạo OPEC sẽ không muốn làm bẽ mặt Nga ngay lúc này. Họ sẽ tìm cách từ từ luồn kim qua sợi chỉ”.

Theo bà Croft, thỏa thuận sản lượng hiện tại của OPEC+ chỉ còn kéo dài thêm 4 tháng nữa và kết thúc cuộc họp hôm nay, liên minh dầu mỏ dự kiến sẽ bơm thêm khoảng 432.000 thùng dầu ra thị trường mỗi ngày.

Vị chuyên gia của RBC lưu ý, ngay cả khi OPEC+ điều chỉnh thỏa thuận sớm hơn, vẫn không rõ thị trường sẽ được xoa dịu tới mức nào, vì công suất dự phòng của các nước thành viên đang rất hạn chế và cuộc chiến tại Ukraine chưa tới hồi kết.

Tuy nhiên, bà Croft cho biết, có khả năng Arab Saudi sẽ “hủy bỏ” thỏa thuận trước thời hạn chính thức như một phần trong cuộc “thương lượng giá hời” với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Mối quan hệ giữa đại gia dầu mỏ Arab Saudi và Nhà Trắng đã trở nên xấu đi trong vài năm gần đây. Một số chuyên gia dự đoán có thể ông Biden sẽ đến thăm Riyadh và gặp Thái tử Mohammed bin Salman khi đến thăm Israel vào cuối tháng 6.

Châu Âu làm khó OPEC+

Theo một số ước tính, các lệnh trừng phạt trước đã ảnh hưởng đến khoảng 50% lượng dầu xuất khẩu của Nga và các cấm vận mới có thể gây thêm đau đớn cho xứ sở Bạch Dương, khiến nguồn cung dầu trên thế giới trở nên eo hẹp hơn. Giới phân tích tin rằng giá dầu WTI có thể kiểm tra lại mức đỉnh hồi tháng 3 là 130,5 USD/thùng.

Theo một số nhà quan sát khác, việc EU quyết định ngăn chặn các công ty bảo hiểm cung ứng dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga là một bước đi ít ai ngờ. Động thái này có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực của Nga nhằm bán dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc.

“Điều đó kết hợp với việc Trung Quốc mở cửa trở lại chỉ tạo thêm áp lực lên nguồn cung. Các lệnh trừng phạt, không có bảo hiểm hàng hải và sự phục hồi của Trung Quốc khiến thị trường bị siết chặt và các nước chật vật tranh giành dầu thô với nhau”, ông Yergin nhận định.

Ở cuộc phỏng vấn khác với CNBC, ông John Kilduff, đối tác cấp cao tại Again Capital, cho biết dầu thô của Nga có thể bị hạn chế tiếp cận thị trường nhưng không thể bị loại bỏ hoàn toàn.

“Chúng ta đang ở một tình thế rất khó khăn, nhưng thực tế không hẳn quá đáng ngại. Nga có thể lách trừng phạt, như cách Iran từng làm. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu. Các tàu chở hàng sẽ trung chuyển dầu giữa đêm ngoài biển…”, ông Kilduff giải thích.

Ông Kilduff cho rằng giá dầu WTI không thể quay lại mức đỉnh tháng 3, vì Trung Quốc là một nhân tố khó lường và nhu cầu của đất nước tỷ dân có thể không cao như kỳ vọng khi họ mở cửa lại nền kinh tế. Chưa kể, OPEC dự báo sẽ thặng dư nguồn cung 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

 

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng một số thành viên OPEC đang ngăn Nga tham gia thỏa thuận sản lượng, vì các lệnh trừng phạt đang làm ảnh hưởng đến năng lực khai thác dầu của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích không tin OPEC+ sẽ phát đi bất kỳ tín hiệu nào tại cuộc họp tuần này.

“Tôi nghĩ rằng OPEC+ cũng đang cố tách bạch chính trị với kinh tế. Và kinh tế học chỉ ra rằng, nếu giá dầu tiếp tục tăng, nhu cầu sẽ chịu thiệt hại nặng nề”, ông Franciso Blanch, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa và phái sinh tại Bank of America, bày tỏ.

“Chúng ta đã chứng kiến giá dầu diesel kỷ lục, giá xăng kỷ lục và bây giờ chờ đợi thêm giá dầu thô chạm đỉnh mới”, vị chuyên gia nói thêm.

Song, ông Blanch cho biết OPEC+ cuối cùng cũng sẽ phải vạch ra một kế hoạch sản xuất mới mà không phụ thuộc vào dầu thô của Nga. Arab Saudi là nước duy nhất có khả năng sản xuất và xuất khẩu thêm dầu ra thị trường.

“Điều mà OPEC+ đang trăn trở là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt dầu thô mà không gây phản tác dụng cho liên minh. Tôi nghĩ OPEC+ đang lo ngại rằng nếu họ không làm gì đó, rất có thể kẻ chịu thiệt chính là họ. Câu hỏi quan trọng là Nga sẽ phản ứng với kế hoạch của OPEC+ ra sao”, ông Blanch cho hay.

Mặt khác, một số chuyên gia e rằng Nga có thể đáp trả và cắt nguồn cung dầu thô của châu Âu sớm hơn dự kiến. Bà Helima Croft của RBC cho hay: “Điều chúng ta cần theo dõi là liệu Nga có vũ khí hóa năng lượng của họ hay không. Nếu có, giá dầu có thể tăng đột biến, thậm chí lên 185 USD/thùng”.

Là một trong ba nhà sản xuất hàng đầu thế giới, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô và 2,5 triệu thùng sản phẩm tinh chế khác mỗi ngày trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. OPEC+ không thể bù đắp tất cả những tổn thất đó.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/duong-di-nuoc-buoc-cua-opec-roi-nhu-to-vo-khi-phuong-tay-cam-van-dau-mo-nga-20226281748962.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/