Đường cao tốc đã mở nhưng phải dỡ bớt barie

“Chúng ta đã có ‘đường cao tốc’ sang EU, nhưng muốn chạy nhanh được thì đường gom, đường nội đô cũng phải có tốc độ cao”, Chủ tịch VCCI đúc rút.

Nâng cao vị thế Việt Nam

Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề: “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” ngày 14/2, ông Lương Hoàng Thái nhớ lại quãng thời gian cuối năm 2016, khi đó, trên thế giới xuất hiện xu hướng hướng nội, quay trở lại bảo hộ. 

Một số nước rút ra khỏi các hiệp định thương mại tự do. Bối cảnh đó, Trung ương đã ban hành nghị quyết 06 về tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Anh em làm hội nhập rất lo lắng trong bối cảnh toàn cầu không thuận lợi như vậy, làm thế nào thực hiện chủ trương được vạch ra đó”, ông Thái chia sẻ.

Đường cao tốc đã mở nhưng phải dỡ bớt barie - Ảnh 1.

EVFTA được thông qua: 10 năm chờ đợi, phần thưởng xứng đáng

Cuối cùng, mọi chuyện cũng “xuôi chèo mát mái” khi ngày 12/2, Hiệp định EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua.

“Năm nay kỉ  niệm 30 năm quan hệ Việt Nam – EU. Đây là niềm vui để ghi nhận hợp tác giữa hai bên. Quan hệ Việt Nam – EU chuyển từ giai đoạn EU dành cho Việt Nam ưu đãi đơn phương cho nước có trình độ phát triển kém, sang quan hệ song phương, bình đẳng, cùng có lợi thông qua hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Khi EU đã kí kết và phê chuẩn EVFTA và IPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư) ở những chuẩn mực cao nhất thì có nghĩa Liên minh châu Âu gián tiếp thừa nhận các nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hướng đến phát triển bền vững của Việt Nam. 

EU cũng tin vào các cam kết của Việt Nam, hướng tới các lợi ích chung của 2 khu vực. Điều này tiếp tục thể hiện vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nói về cơ hội của EVFTA với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá các hiệp định thế hệ mới với cấp độ hội nhập rất cao này mở ra cơ hội rộng lớn và toàn diện với ngành nông nghiệp. EU là thị trường lớn, GDP thứ 4 thế giới. 

Lượng nhập khẩu nông sản nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi cả ngành nông nghiệp Việt Nam mới xuất khẩu được 40 tỷ trên toàn cầu, còn xuất sang EU mới 5 tỷ USD. Cho nên còn nhiều dư địa đưa hàng của Việt Nam sang EU.

“Thu nhập người dân EU rất cao, cao nhất thế giới, gần 40 nghìn USD. Họ sẵn sàng trả giá cao cho hàng hóa có chất lượng cao hơn, tiêu chuẩn cao hơn. 

Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình cả về số lượng và chất lượng, đúng như định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến chất lượng cao hơn, giá trị cao hơn, bền vững hơn và vì con người nhiều hơn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Đường cao tốc đã mở nhưng phải dỡ bớt barie - Ảnh 2.

Đáp ứng quy tắc xuất xứ là barie đầu tiên DN phải vượt qua.

Cửa mở nhưng còn nhiều rào cản

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Với việc tham gia vào hiệp định thế hệ mới này, rõ ràng thách thức cũng rất lớn. 

Thách thức đầu tiên chính là năng lực cạnh tranh. Thông thương với một trong những thị trường lớn có năng lực cạnh tranh rất cao, một số ngành kinh tế của Việt Nam cũng phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng. 

Một điểm thuận lợi là cơ cấu sản phẩm của Việt Nam với EU mang tính bổ sung cao. Song e ngại nhất về cạnh tranh là nông sản, vì chuyển đổi cơ cấu trong nông sản khó hơn lĩnh vực khác. Đây là lĩnh vực đặc biệt được quan tâm và chỉ đạo sát sao trong quá trình đàm phán.

“EU cũng linh hoạt, tạo điều kiện để một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình mở cửa tương đối dài như thịt gà là 10 năm, thịt lợn 7 năm”, ông Lộc nói.

Thừa nhận tận dụng được cơ hội giảm thuế là “hành trình gian nan”, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng các sản phẩm sẽ phải đáp ứng tiêu chí quy định xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, doanh nghiệp lại chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và ASEAN. Cho nên đó là barie đầu tiên doanh nghiệp trong một số ngành như dệt may, giày dép… phải vượt qua.

Đó là chưa kể các hàng rào phòng vệ thương mại được các nước EU dựng lên để bảo vệ thị trường nội địa.

Nói cụ thể hơn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ: EU là trường hợp đầu tiên giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản. Điều này mang lại nhiều cái  lợi khi Việt Nam có cơ hội mang hàng sang EU. 

Một số nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, hiệp định này giúp tăng trưởng xuất khẩu khoảng trên 1 tỷ USD vào EU, giúp tăng trưởng GDP trong nông nghiệp tăng khoảng 0,4-0,5%.

“Điểm quan trọng nữa là với một loạt tiêu chuẩn khắt khe của EU, nếu vượt qua được có nghĩa Việt Nam có thể đưa hàng sang các thị trường khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thách thức lớn với ngành nghiệp là sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó quản lí từ đầu đến cuối chuỗi sản xuất. 

Do đó, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng phải tổ chức lại sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất ngành nông nghiệp, hướng tới đạt mục tiêu 15 nghìn hợp tác xã đến năm 2020. 

Trong 3-4 năm vừa qua, doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp tăng thêm 3.000 DN, đưa tổng số DN lên hơn 12 nghìn. Nhiều DN cũng đầu tư vào chế biến, 2 năm vừa qua có 30 dự án đầu tư vào chế biến tổng số vốn 1,5 tỷ USD.

Một thách thức nữa được nhiều người nhắc tới là hàng hóa EU cũng xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều đó khiến một số ngành, cụ thể là chăn nuôi khó lòng cạnh tranh được, nhất là khi châu Âu rất mạnh về thịt bò, thịt lợn.

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng lại phải chú ý đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, bắt đầu từ cải cách thể chế.

“Mở đường cao tốc với EU thì cũng phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp, mở cao tốc để thực hiện thủ tục hành chính ở Việt Nam. 

Việc này Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt. Sắp tới rà soát các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh…”, ông Lộc nói và cũng đề nghị chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đón dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, không để dòng vốn chảy sang Thái Lan, Malaysia.

“Thủ tướng đã nói ‘thể chế, thể chế và thế chế’. Khi gỡ được thể chế doanh nghiệp sẽ hăng hái sản xuất kinh doanh, sẽ huy động được nguồn vốn toàn dân đầu tư vào cơ sở hậ tầng. 

Khi ký FTA với EU, có nghĩa thể chế trong nước phải tương thích. Chúng ta đã có ‘đường cao tốc’ sang EU, nhưng muốn chạy nhanh được thì đường gom, đường nội đô cũng phải có tốc độ cao”, ông Vũ Tiến Lộc đúc rút.

Nói đơn giản là phải tự tháo dỡ các rào cản, dỡ bớt barie... có lên được cao tốc thì mới nói chuyện chạy tốc độ cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/duong-cao-toc-da-mo-nhung-phai-do-bot-barie-20200215160306699.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/