Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn quá chung chung

Hiện tại, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã hoàn thiện, tuy nhiên, nội dung của dự thảo vẫn còn quá chung chung.

Ai cũng biết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một loại hoạt động kinh doanh phức tạp, có sự tham gia của nhiều chủ thể (cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp…) với nhiều loại quan hệ xã hội khác nhau về tính chất (quan hệ hành chính, quan hệ hàng hoá tiền tệ, quan hệ sở hữu…).

Nói cách khác, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP) có đối tượng và phạm vi điều chỉnh vô cùng rộng lớn và phức tạp.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn quá chung chung - Ảnh 1.

TS Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp).

Bởi vậy, Luật PPP đương nhiên phải có nhiều chương, nhiều điều thì mới đủ để giải quyết được tất cả các vấn đề phát sinh. 

Cũng chính vì vậy mà các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đang rất quan tâm đến một vấn đề là làm sao để Luật PPP bao quát được tất cả các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hoạt động này mà không được bỏ sót bất cứ vấn đề nào.

Những vấn đề có tính chất vụn vặt, chi tiết hoặc có tính chất kỹ thuật thì mới được quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi cho rằng, với 102 điều thì chắc chắn rằng, nếu được ban hành thì luật này sẽ không thể thoả mãn được một yêu cầu rất chính đáng như vừa nêu trên của nhà đầu tư BOT là luật phải cụ thể, rõ ràng mà không thể chỉ quy định một cách chung chung.

Một trong những vấn đề rất lớn và rất quan trọng mà Luật PPP phải giải quyết là vấn đề về hợp đồng trong lĩnh vực PPP. Theo quy định tại Điều 39 dự thảo luật thì có sáu loại hợp đồng được ký kết trong lĩnh vực này. 

Xuất phát từ tầm quan trọng của các hợp đồng trong lĩnh vực PPP cũng như tính đa dạng của chúng, nên lẽ ra dự thảo luật phải giành một sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này, tức là phải xây dựng một chương riêng để ghi nhận những đặc thù trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng PPP.

Trong khi đó: Dự thảo Luật gộp vấn đề hợp đồng này vào một chương chung có tên là: “Thành lập doanh nghiệp dự án và ký kết hợp đồng PPP”. Trong dự thảo luật chỉ mới có các quy định chung về hợp đồng PPP mà không có quy định cụ thể về các hợp đồng riêng biệt (thiếu quy định riêng về hợp đồng mà chỉ có các quy định chung).

Với các quy định của dự thảo Luật (10 điều) thì rõ ràng là chưa đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.

Để khắc phục những hạn chế này, tôi đề nghị phải thiết kế một chương riêng về hợp đồng PPP, trong đó có hai phần là: Quy định chung, và quy định cụ thể đối với các loại hợp đồng PPP. 

Nội dung của chương này không nên nhắc lại các quy định về hợp đồng đã có trong pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại… mà nên quy định các điểm đặc thù trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng PPP mà thôi. Quy định như trong dự thảo là vừa thừa lại vừa thiếu.

avatar_1573429967351

Dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp lần này (tháng 11/2019) được bố cục thành 11 chương với 102 điều

Một vấn đề nữa rất cần thiết nhưng lại được quy định rất qua loa, sơ sài, không đủ để giải quyết một cách đầy đủ, trọn vẹn tất cả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đó là vấn đề về giám sát của cộng đồng. 

Do đây là vấn đề đang rất thời sự, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nên lẽ ra dự thảo Luật phải dành một sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, tức là phải quy định rõ ràng, cụ thể về tất cả các vấn đề có liên quan như:

Thứ nhất, đó là những quy định về tổ chức, cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền thực hiện việc giám sát của cộng đồng. Quy định này là cần thiết để khắc phục tình trạng ai cũng có thể tự xưng mình là đại diện của nhân dân, của cộng đồng để thực hiện việc giám sát, mà thực chất là quấy rối nhà đầu tư.

Thứ hai, đó là những quy định về thẩm quyền (quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm) của các chủ thể thực hiện việc giám sát của cộng đồng.

Thứ ba, đó là nội dung của việc giám sát của cộng đồng (được giám sát cái gì).

Thứ tư, đó là trình tự thực hiện việc giám sát của cộng đồng.

Thứ năm, đó là quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị giám sát cộng đồng.

Thứ sáu, đó là giá trị pháp lý của văn bản về kết quả giám sát cộng đồng…

Tuy nhiên, mục 3 của Chương VIII chỉ dành vỏn vẹn hai điều để quy định về vấn đề quan trọng này, nên rõ ràng là chưa đầy đủ, bỏ sót nhiều vấn đề quan trọng mà lẽ ra trong mục này cần giải quyết.

Với nội dung chung chung như vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành khác có liên quan sẽ phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành và đây là cơ hội để các chủ thể này áp đặt ý chí chủ quan, cục bộ của mình vào việc giải quyết những vấn đề mà luật chưa có điều kiện để quy định chi tiết, cụ thể và hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư BOT sẽ không được bảo đảm.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-thao-luat-dau-tu-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-con-qua-chung-chung-2019111106591968.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/