Dù OPEC+ tan băng, giá dầu thô vẫn sẽ lên cao hơn

Thị trường dầu mỏ đang bị siết chặt và lượng tồn kho sẽ tiếp tục giảm trong phần còn lại của năm 2021. Do đó, một số nhà phân tích cho rằng dù OPEC+ có "tan băng" thì giá dầu vẫn có thể tăng lên.

Theo oilprice.com, thị trường dầu mỏ đang bị thắt chặt và tồn kho dầu thô sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do OPEC+ bơm quá ít dầu thô hơn so với nhu cầu của các tháng tới, giới phân tích và thương nhân nhận định.

Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ bổ sung 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12 năm nay. Kịch bản này chỉ xảy ra khi cuộc xung đột giữa UAE và các thành viên còn lại được giải quyết và OPEC+ đi đến thỏa thuận chung.

Hiện tại, liên minh dầu mỏ chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào sau khi Arab Saudi và UAE gạt phăng cuộc họp hồi đầu tuần này và đến nay chưa ấn định ngày họp mới.

Dù OPEC+ tan băng, giá dầu thô vẫn sẽ lên cao hơn - Ảnh 1.

Cuộc họp của các bộ trưởng OPEC+ vào tháng 5/2019. (Ảnh: Reuters).

Cung - cầu mất cân bằng

Theo nhiều nhà phân tích, nếu OPEC+ bổ sung 2 triệu thùng dầu/ngày, tức sản lượng hàng tháng tăng khoảng 400.000 thùng/ngày, con số này vẫn ít hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường. Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu thô đang tăng trở lại.

Vitol Group, tập đoàn thương mại dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới, cũng tin rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục bị thắt chặt bất kể nguồn cung có khả năng tăng trong nửa cuối năm 2021.

Tại hội thảo do hãng tư vấn Gulf Intelligence tổ chức hồi cuối tuần trước, ông Mike Muller, người đứng đầu Vitol khu vực châu Á, cho hay: "Thị trường sẽ không bất ngờ nhiều nếu lượng dầu mà OPEC+ dự kiến bơm thêm chỉ là một phần nhỏ trong nhu cầu thực tế của nửa cuối năm nay".

Do đó, ông Muller cho rằng tồn kho dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục giảm vì thị trường sẽ cần nhiều mặt hàng này hơn so với mức tăng sản lượng của OPEC+.

Hai nhà phân tích Warren Patterson và Wenyu Yao của công ty tư vấn năng lượng ING dự đoán, kế hoạch tăng nguồn cung của OPEC+ trong các tháng cuối năm sẽ giúp hỗ trợ giá dầu tăng cao hơn.

Trong vài tuần qua, một loạt tín hiệu và bình luận từ các quan chức hàng đầu tại OPEC+ cho thấy, liên minh dầu mỏ sẽ không tăng sản lượng "quá nhanh quá mạnh", vì họ có thể muốn thấy thị trường bị siết chặt hơn một chút thay vì đưa cung - cầu về trạng thái cân bằng.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã báo hiệu lập trường thận trọng của OPEC+. Tại một diễn đàn ở Nga hồi đầu tháng 6, vị hoàng tử cho biết: "Chúng tôi luôn có đủ cung để đáp ứng nhu cầu của các nước, nhưng OPEC+ cần phải đánh giá chính xác nhu cầu trước khi tăng sản lượng".

Giá dầu thô còn tăng

Nhu cầu rõ ràng đang phục hồi, rõ ràng nhất là tại Mỹ. Theo dữ liệu của GasBuddy, nhu cầu xăng dầu vào ngày 2/7 (trước kì nghỉ Quốc khánh của người dân Mỹ) đã chạm mức đỉnh mới. Cụ thể, nhu cầu xăng dầu tăng 9,3% so với một tuần trước và là mức cao nhất trong một ngày kể từ năm 2019.

Khả năng nhu cầu dầu thô bật tăng trở lại khiến nhiều nhà phân tích lạc quan về giá dầu mỏ, mặc dù đa phần cảnh báo rằng OPEC+ sẽ không thể giá dầu vượt mức 80 USD/thùng.

Khi giá dầu tăng vọt lên trên mốc 80 USD/thùng, nhu cầu sẽ chững lại, thổi phồng rủi ro lạm phát và gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới, oilprice.com nhấn mạnh.

Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, đã một lần nữa kêu gọi OPEC+ nới lỏng mức giảm sản lượng và ngăn chặn đà tăng giá của dầu thô.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ấn Độ Dharmendra Pradhan cảnh báo rằng giá dầu duy trì quanh ngưỡng 75 USD/thùng như hiện nay là "một thách thức" cho những nước vốn nhạy cảm với giá dầu như Ấn Độ.

Ông Amir Khan, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi, cho biết: "Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà nhu cầu dầu thô tăng mạnh. Sự bất ổn xoay quanh triển vọng nguồn cung sẽ đẩy giá lên cao hơn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-opec-tan-bang-gia-dau-tho-van-se-len-cao-hon-20210709000643068.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/