Dự kiến thu hồi hơn 170 ha đất làm sân bay Điện Biên

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, diện tích dự kiến phải thu hồi để thực hiện dự án Cảng hàng không Điện Biên là 169,12 ha thuộc phạm vi qui hoạch và 2,12 ha diện tích liền kề khu qui hoạch. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 1.215 hộ.

UBND và các sở, ngành liên quan tỉnh Điện Biên vừa có buổi làm việc với các bộ, ngành Trung ương về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Điện Biên.

Dự kiến thu hồi hơn 170 ha đất làm sân bay Điện Biên - Ảnh 1.

Tổng mức đầu tư dự kiến của cảng hàng không Điện Biên là 4.210 tỉ đồng. (Ảnh: Pháp luật TP HCM)

Theo đó, tại buổi làm việc, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định tầm quan trọng của dự án và cho biết, hệ thống hạ tầng hiện nay có nhiều hạn chế, không đáp ứng được các yêu cầu, vì vậy việc đầu tư xây dựng theo qui hoạch, đáp ứng khai thác máy bay tầm trung A320, A321 là hết sức cần thiết.

Qui mô dự án đầu tư được chia thành các phần: Khu bay; khu hàng không dân dụng; hệ thống hạ tầng cấp điện, nước, thoát nước; công trình quản lí, điều hành bay. Nhu cầu sử dụng đất của dự án là 201,39 ha; tổng mức đầu tư dự kiến 4.210 tỉ đồng. 

Về phương án đầu tư và phân chia dự án thành phần được dự kiến chia như sau: ACV đầu tư toàn bộ khu bay, khu hàng không dân dụng Cảng hàng không bằng nguồn vốn doanh nghiệp. 

UBND tỉnh Điện Biên thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; tiến độ dự án đưa vào khai thác, sử dụng là 36 tháng. 

Tổng công ty đầu tư, quản lí khai thác, bảo trì đối với các hạng mục công trình quản lí, điều hành bay; đối với các hạng mục còn lại huy động nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đối tác công tư (PPP) để đầu tư.

Báo cáo về công tác GPMB, lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay tỉnh đang tiến hành xây dựng các phương án đền bù, bố trí tái định cư; cân đối thu xếp nguồn vốn để tập trung thực hiện. 

Dự kiến diện tích phải thu hồi thực hiện dự án 169,12 ha thuộc phạm vi qui hoạch và 2,12 ha diện tích liền kề khu qui hoạch. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 1.215 hộ, trong đó bố trí tái định cư 969 hộ; số tổ chức bị ảnh hưởng phải di dời là 22 đơn vị, tổ chức; tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến hơn 1.532 tỉ đồng. 

Ngoài ra, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt đầu tư xây dựng 3 điểm tái định cư, với khả năng dung nạp 1.057 hộ. Nguồn vốn kinh phí thực hiện đền bù, GPMB, tái định cư dự kiến hơn 1.061 tỉ đồng, sử dụng nguồn cân đối ngân sách địa phương. Tỉnh Điện Biên cũng cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho ACV trong năm 2020 để thực hiện dự án.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn kiến nghị Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm có ý kiến đầu tư dự án (phương án đầu tư, thủ tục đầu tư, nội dung, quy mô…) do ACV đề xuất. ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng đề nghị ACV nghiên cứu xem xét quyết định về việc tăng chiều rộng đường lăn từ 15m lên 18m, đảm bảo yêu cầu phát triển trong tương lai; sớm hoàn thiện các nội dung liên quan đến dự án, chuyển UBND tỉnh Điện Biên theo qui định và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

ACV đề xuất 2 phương án đầu tư sân bay Điện Biên:

Phương án 1: ACV sẽ dùng vốn tự có để đầu tư các công trình khu bay cũng như công trình thiết yếu của khu khu hàng không dân dụng.

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) sẽ bỏ tiền đầu tư các công trình đảm bảo điều hành bay. Phần giải phóng mặt bằng, như đã thống nhất từ trước sẽ do UBND tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Nếu triển khai theo phương án này sẽ mất 36 tháng để xây dựng sân bay. Phương án này có nhiều thuận lợi; không tạo áp lực vào nguồn vốn ngân sách trong điều kiện hạn hẹp, vốn ngân sách cần ưu tiên cho các mục tiêu có tính chất cấp bách hơn.

Phương án 2: ACV đề xuất đầu tư các công trình khu bay bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương hoặc địa phương và giao cho ACV khai thác. Các công trình khu hàng không dân dụng sẽ do ACV đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

VATM vẫn sẽ đầu tư các công trình đảm bảo điều hành bay. UBND tỉnh Điện Biên thực hiện giải phóng mặt bằng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự kiến cần 40 tháng để hoàn thành dự án nếu triển khai theo phương án này. Phương án này đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý, khai thác cũng như không vướng mắc trong xử lý tài sản khu bay hiện hữu. Tuy nhiên, áp lực với nguồn vốn ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương là rất lớn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-kien-thu-hoi-hon-170-ha-dat-lam-san-bay-dien-bien-20200212113059898.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/