Dow Jones rớt gần 400 điểm, cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo trở lại

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Sáu (17/3) giảm trên diện rộng khi nhà đầu tư rút khỏi First Republic Bank và nhiều cổ phiếu ngân hàng khác giữa những lo ngại về khủng hoảng tài chính.

Dow Jones giảm gần 48 điểm trong tuần vừa qua, tương đương 0,15%.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 385 điểm, tương đương 1,19%, và kết phiên ở 31.862 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,1% và dừng ở gần 3.916 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm ít nhất khi chỉ mất 0,74% và đóng cửa gần 11.631 điểm.

Dow Jones tụt sâu xuống dưới ngưỡng đầu năm 2023, các chỉ số còn lại vẫn cao hơn mức đầu năm.

Cổ phiếu First Republic Bank rớt gần 33% trong phiên 17/3, đưa mức giảm cả tuần qua lên tới 72%. Diễn biến phiên cuối tuần hoàn toàn trái ngược với phiên thứ Năm (16/3) khi cổ phiếu First Republic đi từ chỗ đỏ 35% lên xanh 10% sau thông tin 11 ngân hàng lớn của Phố Wall sẽ góp 30 tỷ USD để gửi ở First Republic trong vòng ít nhất 120 ngày.

Theo thông cáo chung của 11 ngân hàng trên, động thái góp chung số tiền gửi này thể hiện lòng tin vào First Republic nói riêng và hệ thống ngân hàng Mỹ nói chung. Tuy nhiên, có vẻ sự hợp lực của Phố Wall vẫn chưa đủ để trấn an nhà đầu tư.

Chứng chỉ quỹ ETF của các ngân hàng khu vực SPDR Regional Banking ETF (KRE) rớt 6% trong phiên 17/3 và giảm tổng cộng 14% trong tuần vừa qua.

Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của cổ phiếu Credit Suisse giảm gần 7% khi nhà đầu tư đánh giá thông tin nhà băng Thụy Sỹ này sẽ vay tối đa 50 tỷ CHF (tương đương 54 tỷ USD) từ ngân hàng trung ương. Tính chung cả tuần qua, Credit Suisse lao dốc 24%.

Về phía các chỉ số, S&P 500 vẫn tăng 1,43% trong tuần 13 – 17/3, Nasdaq cũng đi lên 4,41% khi nhà đầu tư kỳ vọng cổ phiếu công nghệ sẽ hưởng lợi nếu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 21 – 22/3 sắp tới. Đây là tuần tích cực nhất của Nasdaq kể từ ngày 13/1 năm nay.

Trái lại, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,15% trong tuần qua và mất 3,9% so với đầu năm.

Nasdaq vừa ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1/2023.

Nhà đầu tư theo dõi sát diễn biến cổ phiếu ngân hàng sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank cùng bị đóng cửa trong một tuần. Thông cáo chung ngày 13/3 của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ cho biết tất cả tiền gửi trong hai ngân hàng này đều được bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 16/3 cho biết hai ngân hàng này là ngoại lệ và người gửi tiền tại các ngân hàng khác không nên kỳ vọng toàn bộ số tiền gửi trên 250.000 USD/người/loại tài khoản/ngân hàng sẽ được bảo vệ.

Nhà đầu tư đang phán đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) hay giữ nguyên lãi suất trong phiên họp ngày 21 – 22/3 sắp tới.

CNBC dẫn lời ông Aoifinn Devitt, Giám đốc đầu tư tại Moneta, nhận định: “Fed có vẻ chỉ tuyên bố trấn an và cho thấy mình biết việc gì vừa xảy ra trong hệ thống ngân hàng. Kịch bản cơ sở vẫn chưa thay đổi gì, chỉ là vừa có một chuỗi sự kiện trong ngành ngân hàng gây sự lây lan trong tâm lý nhà đầu tư nhưng chưa thực sự lây lan giữa các ngân hàng với nhau”.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi xuống trong phiên 17/3.

Ông Doug Roberts, Nhà sáng lập và Giám đốc chiến lược đầu tư tại Channel Capital Research, nhận định: “Fed sẽ phải làm điều gì đó, nếu không thì sẽ mất uy tín. Họ muốn nâng 25 bps, và 25 bps là đủ để gửi đi thông điệp rồi. Nhưng điều quan trọng nhất là bình luận sau cuộc họp, Chủ tịch Powell nói gì trước công chúng. Tôi không nghĩ ông Powell sẽ thay đổi 180 độ như nhiều người đang bàn tán”.

Fed đã nâng lãi suất trong 8 cuộc họp liên tiếp, trong đó có 4 lần liền nhau thêm 75 bps, hai lần thêm 50 bps, và hai lần thêm 25 bps. Lãi suất quỹ liên bang đi từ 0 - 0,25% lên 4,5 - 4,75%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dow-jones-rot-gan-400-diem-co-phieu-ngan-hang-bi-ban-thao-tro-lai-20233187276767.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/