Đồng yen Nhật và franc Thụy Sỹ 'tỏa sáng' khi căng thẳng thương mại thúc ép nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn

Đồng yen Nhật đã vượt qua mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng USD vào hôm 3/6 và đồng franc cũng tăng sau khi lập trường cứng rắn về thương mại của Tổng thống Trump vượt biên giới Trung Quốc sang các nước khác, khiến nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn vào các tài sản có độ an toàn cao.

Đồng yen Nhật và franc Thụy Sỹ tỏa sáng khi căng thẳng thương mại thúc ép nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Khao khát rủi ro của giới đầu tư giảm bớt do vấn đề thương mại còn tồn đọng

Theo Reuters, khi các vấn đề thương mại vẫn còn tồn tại, khao khát rủi ro của nhà đầu tư đã giảm bớt do lo ngại về sự chững lại của tăng trưởng toàn cầu, từ đó khơi dậy nhu cầu mua trái phiếu chính phủ cũng như gây ra tình trạng bán tháo.

Giới đầu tư tiếp tục thu mua các tài sản có độ an toàn cao, bất chấp kết quả khiêm tốn của cuộc khảo sát riêng trên lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. Khảo sát cho thấy số đơn đặt hàng xuất khẩu chỉ mới phục hồi sau khi thu hẹp trong khoảng thời gian trước.

Trong điều kiện đó, đồng franc Thuỵ Sỹ và đồng yen Nhật đã trở thành những ngôi sao sáng trên thị trường ngoại hối.

Đồng franc của Thụy Sĩ đã tăng 0,3% so với đồng USD, ghi nhận ở mức 0,9975 và đồng yen cũng tăng 0,15% lên mức 108,1 yen, cao nhất kể từ giữa tháng 1/2019.

Đồng yen được xem là một tài sản có độ an toàn cao trong thời kì bất ổn địa chính trị và tài chính bởi Nhật Bản là quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới.

Quan chức Mỹ và Mexico chuẩn bị đàm phán để né tránh kịch bản tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong một diễn biến gần đây, quan chức Mỹ và Mexico đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt lên toàn bộ hàng hóa Mexico do tranh chấp gia tăng về vấn nạn nhập cư. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ áp thuế 5% lên hàng hóa nước này vào ngày 10/6 nếu dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Mỹ - Mexico không chấm dứt.

"Tin tức về việc áp thuế Mexico khá áp lực. Không ai thực sự kì vọng [cuộc chiến thương mại] giữa Mỹ và Mexico sẽ trở nên tồi tệ như giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Chris Weston, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới ngoại hối Pepperstone (có trụ sở tại Melbourne), nói.

"Mexico là đối tác thương mại lớn đối với Mỹ", ông nhận định.

Vào ngày 30/1, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopex Obrador đã gợi ý rằng đất nước của ông có thể thắt chặt hoạt động kiểm soát dòng người di cư để xoa dịu căng thẳng với ông Trump. Đồng thời, ông cũng kì vọng về kết quả tốt đẹp trong các cuộc đàm phán với Washington.

Đồng peso Mexico sau khi giảm 2,5% vì bị Tổng thống Mỹ đe dọa áp thuế bất ngờ vào hôm 31/5, đã dần lấy lại sự ổn định và hiện giao dịch ở mức 19,6165 so với đồng USD.

Mặc dù vậy, các thành phần tham gia thị trường vẫn dành sự chú ý đến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một quan chức cấp cao kiêm nhà đàm phán thương mại của Chính phủ Trung Quốc cho biết vào hôm 2/6 rằng Washington không thể sử dụng áp lực để buộc Trung Quốc kí thỏa thuận thương mại.

Ngoài ra, vị quan chức này cũng từ chối kết luận liệu nhà lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này để thảo luận về một thỏa thuận.

"Thị trường đang cố gắng bắt kịp những tin tức tiêu cực liên quan đến quan hệ thương mại trong thời điểm hiện tại", bà Kumiko Ishikawa, nhà phân tích cấp cao tại Sony Financial Holdings, cho hay.

"Họ đã bắt đầu nghiêm túc phản ứng với căng thẳng thương mại kéo dài theo hướng giảm thiểu rủi ro", bà nói.

Đồng USD đã giảm nhẹ sau khi trái phiếu Kho bạc Mỹ (kì hạn 10 năm) đạt mức thấp nhất là 2,121% vào ngày 3/6. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-yen-nhat-va-franc-thuy-sy-toa-sang-khi-cang-thang-thuong-mai-thuc-ep-nha-dau-tu-tim-noi-tru-an-20190603160300798.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/