Động lực nào đưa cổ phiếu thép HSG, HPG, NKG, VGS, ... đồng loạt phá đỉnh?

Từ các tên tuổi đầu ngành như HPG, HSG đến những cổ phiếu nhỏ hơn như VGS, TVN đều đi lên trong phiên 15/10 khi nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng cao còn nguồn cung từ Trung Quốc suy giảm trong những tháng cuối năm.

Động lực nào đưa cổ phiếu thép HSG, HPG, NKG, VGS, ... đồng loạt phá đỉnh? - Ảnh 1.

Một cửa hàng vật liệu xây dựng của Hoa Sen. (Ảnh: HSG).

Phiên cuối tuần 15/10, VN-Index đóng cửa sát tham chiếu và vẫn chưa thể lấy lại mốc 1.400, HNX-Index và UPCoM-Index cũng không thay đổi đáng kể. 

Nhóm cổ phiếu thép tỏ ra vượt trội khi hàng loạt mã cùng tăng mạnh. Trong đó, VGS của Ống thép Việt Đức dư mua giá trần từ buổi sáng rồi đóng cửa ở sắc tím 40.100 đồng/cp. Đây là mức giá kỷ lục trong lịch sử của VGS và cao hơn 167% so với ba tháng trước.

Cổ phiếu TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam cũng tăng 8% lên đỉnh mới 19.000 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu thép khác cũng đóng cửa ở mức giá cao chưa từng thấy như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Nam Kim, 

Động lực nào đưa cổ phiếu thép HSG, HPG, NKG, VGS, ... đồng loạt phá đỉnh? - Ảnh 2.

Tiềm năng xuất khẩu khi Trung Quốc giảm sản lượng

Cổ phiếu thép diễn biến tích cực trong bối cảnh nước ta thay đổi chiến lược chống dịch từ "zero COVID" thành "thích ứng an toàn với dịch bệnh", hoạt động kinh tế dần được mở cửa trở lại. Các dự án bất động sản bị trì hoãn trong những tháng trước sẽ được đưa vào triển khai trong quý IV - vốn dĩ đã là giai đoạn cao điểm xây dựng hàng năm.

Ở thị trường quốc tế, Trung Quốc chủ trương giảm mạnh sản lượng những tháng cuối năm 2021 vì những lo ngại về môi trường. Bên cạnh đó, đất nước tỷ dân còn đang lâm vào tình trạng thiếu điện trầm trọng, dẫn tới sản xuất công nghiệp bị đình trệ.

Nguồn cung thép trên thế giới suy giảm rõ rệt vì Trung Quốc là nước sản xuất cũng như xuất khẩu thép lớn nhất.

Trong khi đó, nhu cầu thép tiếp tục gia tăng nhờ các gói đầu tư công liên tục được các nước giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau COVID-19. Do vậy, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán giá thép sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay cho đến năm 2022.

Trong báo cáo phân tích hồi giữa tuần này, Chứng khoán VNDirect đánh giá Tập đoàn Hòa Phát đang được hưởng lợi lớn từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung thép tạm thời tại Trung Quốc. 

Riêng trong tháng 9, Hòa Phát bán ra 140.000 tấn phôi thép, tăng mạnh so với mức tổng 164.000 tấn của 4 tháng trước đó. Xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn.

Với Hoa Sen và Nam Kim, VNDirect cho rằng sản lượng thép tại Trung Quốc đi xuống có thể gián tiếp làm giảm áp lực cạnh tranh đối với sản phẩm xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim. Do đó, hai doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhẹ. 

Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hoa Sen và Nam Kim trong 9 tháng đầu năm 2021.

Động lực nào đưa cổ phiếu thép HSG, HPG, NKG, VGS, ... đồng loạt phá đỉnh? - Ảnh 4.

VCBS dự báo Hòa Phát có thể ghi nhận lợi nhuận sau thuế 33.642 tỷ đồng trong năm 2021, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020; doanh thu khoảng 158.400 tỷ đồng, tăng trưởng 76%. 

Chứng khoán HSC và VNDirect dự kiến lợi nhuận thuần của Hòa Phát lần lượt là 33.900 tỷ và 30.500 tỷ đồng.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa của Nam Kim đã phục hồi từ khoảng 10.000 tấn trong tháng 8 lên 20.000 tấn trong tháng 9. Đồng thời sản lượng xuất khẩu ổn định ở mức khoảng 82.000 tấn trong tháng 9, trong đó thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm 85 - 90%.

Công ty đã bán được khoảng 275.000 tấn sản phẩm trong quý III, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đạt 224.000 tấn, chiếm 81,5% tổng tiêu thụ, tăng 39% so với quý trước và tăng 128% so với cùng kỳ 2020.

Theo VDSC, Nam Kim sẽ di dời nhà kho và dây chuyền sản xuất ống thép sang nhà máy mới, xây dựng trên khu đất 5 ha mua từ công ty Dea Myung Paper. Năng lực sản xuất ống thép dự kiến được mở rộng từ 180.000 tấn lên 300.000 tấn/năm.

Sau khi sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, Nam Kim kỳ vọng công suất tôn mạ có thể tăng 30% lên 1,3 triệu tấn trong quý II/2022. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 150 tỷ đồng. VDSC đánh giá việc mở rộng công suất để nắm bắt cơ hội từ thị trường nước ngoài là hợp lý vì khoản đầu tư tương đối nhỏ so với mức lợi nhuận tiềm năng. 

Các nhà xuất khẩu thép của Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong những năm tới tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ nhờ các chính sách môi trường ít nghiêm ngặt hơn, cùng với giá nhân công và giá điện thấp hơn.

Động lực nào đưa cổ phiếu thép HSG, HPG, NKG, VGS, ... đồng loạt phá đỉnh? - Ảnh 5.

Giá thép cuộn cán nóng (HRC) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu, tăng sức cạnh tranh của tôn mạ và ống thép Việt Nam xuất khẩu.

VDSC ước tính Nam Kim có thể ghi nhận lãi sau thuế kỷ lục 2.900 tỷ đồng trong năm 2021, cao gấp gần 10 lần năm ngoái. Lý do chính là khả năng sinh lời ở thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ có thể cải thiện trong quý IV nhờ diễn biến giá thép và năng lượng thuận lợi.

Động lực nào đưa cổ phiếu thép HSG, HPG, NKG, VGS, ... đồng loạt phá đỉnh? - Ảnh 6.

Chứng khoán VCBS thì ước tính Nam Kim có thể lãi sau thuế 3.092 tỷ đồng trong năm 2021. Sang năm 2022, lợi nhuận có khả năng điều chỉnh giảm còn 2.524 tỷ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-luc-nao-dua-co-phieu-thep-hsg-hpg-nkg-vgs-dong-loat-pha-dinh-20211015183730659.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/