Đối thủ kín tiếng của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn: Người mang Starbucks về Việt Nam, góp phần xây dựng văn hóa du thuyền

Ông Đoàn Viết Đại Từ, lãnh đạo Openasia Group được biết tới là một đối thủ kín tiếng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn trên thị trường phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group), một đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực như thời trang, phân phối & bán lẻ, ẩm thực, bán lẻ du lịch, trung tâm thương mại và nhà ga sân bay.

Thời gian gần đây, tập đoàn còn góp vốn thành lập một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa cùng một đơn vị logistics.

IPP Group chính là đối tác phân phối độc quyền chính thức của các thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới như Bally, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo,… Chính vì vậy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn thường được biết đến với biệt danh “ông vua hàng hiệu” tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thị trường phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam, có một cái tên kín tiếng hơn, nhưng luôn được coi là một trong những đối thủ nặng ký của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và IPP Group, đó là ông Đoàn Viết Đại Từ cùng tập đoàn Opesasia Group.

Ông Đoàn Viết Đại Từ (phải) được coi là đối thủ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn trên thị trường phân phố đồ xa xỉ tại Việt Nam. (Ảnh: Zing News).

Đối thủ kín tiếng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông Đoàn Viết Đại Từ sinh năm 1963, là người Pháp gốc Việt. Ông sinh ra và lớn lên ở Pháp, có bố là người Hà Nội còn mẹ là người Pháp.

Trước khi bước chân vào con đường kinh doanh, ông Đoàn Viết Đại Từ đã được đào tạo chuyên ngành quản trị kinh doanh, tiếp thị và tài chính tại Đại học Paris IX – Dauphine.

Ông Đoàn Viết Đại Từ đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư tài chính ở Úc, Pháp và Việt Nam. Ông cũng là người đồng sáng lập công ty IPA Network chuyên trợ giúp các Công ty Châu Âu tại Sydney, Úc từ năm 1986.

Ông Đại Từ sau đó đã thành lập công ty đầu tiên của mình tại Sydney năm 1986. Sau đó, năm 1994, ông quay trở lại Việt Nam lập nghiệp, tham gia sáng lập công ty Openasia.

Tới năm 1999, Openasia được mua lại bởi ba thành viên: ông Đoàn Viết Đại Từ, ông Christian de Ruty và bà Nguyễn Thị Nhung. Cùng năm, tập đoàn Openasia được thành lập với trụ sở đặt tại Hong Kong và đưa ra kim chỉ nam hành động “điều quan trọng nhất trong kinh doanh chính là con người”

Ban đầu, tập đoàn gia nhập thị trường thiết bị công nghiệp nặng cho việc khai khoáng và xây dựng với công ty Openasia Heavy Equipment. Lĩnh vực hoạt động ban đầu của Openasia Group là dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính. Tập đoàn này đã tư vấn cho hơn 600 khách hàng là các công ty trong nước và quốc tế như Vinamilk, Metro Cash&Carry, Satra trong gần ba thập niên qua.

Về sau, Openasia Group đã mở rộng chiến lược đầu tư, đẩy mạnh vào nhiều lĩnh vực khác nhau gồm phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh và tư vấn đầu tư.

Với công ty con là Tam Sơn Fashion, ông Đoàn Viết Đại Từ và Openasia Group đã trở thành một trong những đơn vị phân phối sản phẩm thời trang xa xỉ lớn nhất tại Việt Nam, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn và IPP Group.

Những thương hiệu sản phẩm xa xỉ được Openasia Group phân phối có thể kể đến như Hermès, Kenzo, Hugo Boss, Chopard, Audi. Ngoài ra, tập đoàn còn phân phối các loại xe tải, thiết bị ngành mỏ (Volvo, Sandvik, Iveco, Nissan) và máy bay  trực thăng (Eurocopter). Đặc biệt, ông còn được biết tới là người mang Starbucks về Việt Nam.

Các cửa hàng của Tam Sơn tại Việt Nam cũng được đặt ở những địa điểm sầm uất và xa xỉ bậc nhất, chẳng hạn như Sofitel Metropole, Melia Hà Nội, Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) hay Sheraton Sài Gòn Hotel, Union Square (TP HCM).

Theo thông tin từ tập đoàn, mô hình kinh doanh của Openasia Group là nhập khẩu và phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng từ chính hãng qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ cao cấp do chính họ đầu tư.

Thông tin từ nhà phân phối này cách đây vài năm cho hay, chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng bán lẻ hàng hiệu cao cấp thường dao động từ 2-4 triệu USD, cá biệt có thể lên tới 6 triệu gồm phí thuê mặt bằng trong 1-2 năm đầu, thiết kế nội ngoại thất, thuê nhân sự, quảng bá tiếp thị… Với hệ thống 20 cửa hàng hiện tại, riêng tiền mặt bằng có thể ngốn của Openasia Group vài chục triệu USD mỗi tháng.

Ngoài kinh doanh hàng xa xỉ, Openasia Group còn lấn sân sang lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng khi sở hữu nhà hàng Press Club với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm, thương hiệu khách sạn – nước khoáng Alba và du thuyền Emeraude Hạ Long.

Bên cạnh những lĩnh vực nêu trên, Openasia Group còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác như khai khoáng, xi măng, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ,…

Bên cạnh Openasia Group, ông Đoàn Viết Đại Từ còn là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã: PDR). Theo báo cáo thường niên năm 2021 của công ty, ông Đoàn Viết Đại Từ đã tham gia vào PDR từ năm 2008. Tính đến ngày 31/12/2021, ông Đại Từ sở hữu 871.690 cổ phiếu PDR, tương đương 0,18%.

Ông Đoàn Viết Đại Từ còn là Chủ tịch của CTCP Liên Á Quốc tế, doanh nghiệp phân phối thương hiệu xe Audi tại Việt Nam. Ông Từ là cổ đông sáng lập nắm 80% của Liên Á nhưng cuối năm 2016 đã chuyển nhượng số cổ phần của mình sang cho Openasia Equipment và Pacific Wheel – hai công ty có trụ sở tại Hong Kong.

Ngoài ra, ông còn nắm giữ chức vụ tại một số doanh nghiệp khác như Openasia Consulting Việt Nam, Du thuyền Tam Sơn, Gras Savoye Willis Việt Nam.

Người góp công đem văn hóa du thuyền về Việt Nam

Có lẽ điều khiến nhiều người biết đến ông Đoàn Viết Đại Từ nhất chính là du thuyền. Năm 2017, Tamson Yatching chính thức được ra đời, ấp ủ khát vọng của ông Đoàn Viết Đại Từ dành cho du lịch và du thuyền Việt Nam.

 Ông Đại Từ cũng được biết tới là người góp phần xây dựng văn hóa du thuyền tại nước ta. (Ảnh: Openasia Group).

Ông cho rằng chìa khóa để phát triển du thuyền là dịch vụ bởi du thuyền là thứ rất phức tạp để bảo trì, vận hành, và ở Việt Nam, văn hóa du thuyền chưa thật sự rõ ràng.

“Bạn bán thuyền, bạn phải đảm bảo về mặt dịch vụ. Nếu không, bạn đừng nên nghĩ đến nó, vì như vậy là không tôn trọng chính khách hàng của mình”, ông Đoàn Viết Đại Từ nhấn mạnh.

Để vận hành, ông đã bắt đầu từ những thứ cốt lõi là kỹ thuật. Ban đầu, ông thuê tới 15 kỹ sư và thuyền trưởng, sau đó mới bắt đầu đến công đoạn bán hàng.

“Điều khó khăn ở đây là việc tìm được một thuyền trưởng có thể vận hành một khách sạn 5 sao. Đúng vậy. Du thuyền chính là một khách sạn 5 sao. Còn thuyền trưởng là ai? Thuyền trưởng chính là một hướng dẫn viên chuyên nghiệp: họ cần có đủ kiến thức để đáp ứng các nhu cầu của người đi du thuyền, về sông, về biển, về những nơi cần đi. Cùng với đó, họ cũng là người bạn thân thiết nhất của bạn: người đảm bảo sự an toàn cho bạn, mang đến bạn mọi trải nghiệm đẹp đẽ, tiếp đãi và lắng nghe bạn khi cần”, ông Đại Từ kể về những khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Đại Từ cho biết, một chiếc du thuyền có giá từ 15.000 đến 15 triệu USD (bao gồm thuế), và hầu hết du thuyền có tầm giá khoảng 1 triệu USD. Vì vậy, việc vận hành cả con tàu là điều rất quan trọng. Khó khăn đầu tiên mà ông gặp phải là không có bến du thuyền nào ở Việt Nam. Đó là lý do ở TP HCM, ông có hai bến du thuyền, một ở Vinhomes Central Park và một ở Swan Bay.

 

Ông chủ Openasia cũng cho biết sẽ phát triển dịch vụ du thuyền cho thuê. “Sẽ có một vài thuyền thuộc sở hữu của chúng tôi, một vài thuyền thuộc các chủ khác là khách hàng của chúng tôi, và chúng tôi quản lý việc cho thuê giúp họ. Chúng tôi có hai chuyên gia nước ngoài trong đội ngũ của mình, và họ đã huấn luyện đội ngũ thuyền trưởng, kỹ sư của chúng tôi được vài năm rồi”, ông Đại Từ chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doi-thu-kin-tieng-cua-vua-hang-hieu-johnathan-hanh-nguyen-nguoi-mang-starbucks-ve-viet-nam-gop-phan-xay-dung-van-hoa-du-thuyen-2022415114033922.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/