Đổi tên sau hơn 60 năm, 'gã khổng lồ' Sony khát khao đổi vận

Tổng giám đốc Sony khẳng định tên mới sẽ giúp tập đoàn tận dụng lợi thế về sự đa dạng trong danh mục hoạt động và thúc đẩy sự phát triển của các mảng kinh doanh.

Sony là tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở ở Sony City, ‎Minato, thành phố Tokyo (Nhật Bản). Bộ phận kinh doanh chủ chốt của họ là thiết bị điện tử. Jing Shenda và Shoda Morita thành lập tập đoàn vào năm 1946.

Phần lớn nhà phân tích đồng ý rằng quyết định đổi tên công ty Tokyo Telecommunications Industry Co., Ltd. vào năm 1958 là động thái hợp lí. Tên mới của công ty, Sony Corporation, là danh từ dễ đọc, dễ nhớ và mang tính toàn cầu. Nó cũng phù hợp với tinh thần tự do và cởi mở của tập đoàn, theo nội dung của các văn bản nội bộ.

Vậy nhưng trong đại hội cổ đông thường niên hôm 26/6, các cổ đông đã phê chuẩn đề xuất đổi tên tập đoàn lần đầu tiên trong 62 năm, từ Sony Corporation thành Sony Group, theo Financial Times.

Đổi tên sau hơn 60 năm, 'gã khổng lồ' Sony khát khao đổi vận - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà máy của Sony ở Malaysia. Ảnh: dpmag.com

Dù sự thay đổi lần này không "triệt để" như lần đổi tên năm 1958, nó vẫn là một thời khắc quan trọng và ý nghĩa. Ông Kenichiro Yoshida, tổng giám đốc Sony, thổ lộ rằng tập đoàn muốn tận dụng lợi thế về sự đa dạng trong danh mục hoạt động và thúc đẩy sự phát triển của các mảng kinh doanh.

Nhiều người theo dõi Sony trong thời gian dài nhanh chóng chỉ ra rằng chữ "group" (tập đoàn) hàm ý rằng Sony đã đặt mảng điện tử vào vị trí ngang hàng với các mảng game, điện ảnh và âm nhạc. Từ trước tới nay, điện tử là mảng có vị trí cao nhất, thiêng liêng nhất của Sony.

Vài năm qua, các nhà đầu tư gây áp lực để Sony bỏ bớt mảng kinh doanh. Các nhà đầu tư có xu hướng tránh mua cổ phiếu từ những doanh nghiệp có quá nhiều mảng kinh doanh. Vài tập doàn điện tử ở Nhật Bản như Hitachi đã loại bỏ một số mảng kinh doanh không cốt lõi.

Mặc dù vậy, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, sự đa dạng trong mảng kinh doanh của Sony đã cho thấy lợi ích lớn khi các mảng âm nhạc, chơi game có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dùng để bù đắp thua lỗ từ mảng điện tử tiêu dùng, đặc biệt là điện thoại thông minh.

Rủi ro khi đầu tư vào Sony là thứ mà giới quan sát đã biết từ lâu: Bản năng "bám" những mảng kinh doanh đã thua lỗ trong nhiều thập kỉ, sự hỗn độn giữa các công ty mà Sony mới mua và, điều quan trọng nhất, những mầm mống nội bộ có thể ngăn cản sự nhất quán trong đa dạng. Về mặt thực tế, thách thức của tổng giám đốc Yoshida là tăng tính doanh nghiệp trong tập đoàn gạo cội của Nhật Bản.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doi-ten-sau-hon-60-nam-ga-khong-lo-sony-khat-khao-doi-van-20200704064242892.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/