Doanh nghiệp xi măng 'bơi' giữa bể áp lực: Tiêu thụ suy yếu, giá than và giá điện leo thang

Quý đầu năm, phần lớn doanh nghiệp trong ngành xi măng đều rơi vào cảnh thua lỗ khi phải đối mặt tình trạng dư cung, lượng tiêu thụ suy yếu cùng với áp lực từ giá than và giá điện leo thang đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Quý ảm đạm của ngành xi măng

Theo SSI Research, ba tháng đầu năm, mức tiêu thụ xi măng ở Việt Nam suy yếu ở cả kênh nội địa và xuất khẩu. Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ xi măng giảm 15% so với cùng kỳ do nhu cầu giảm, nhất là trong bối cảnh ngành bất động sản suy yếu kể từ quý II/2022. Trong khi đó, kênh xuất khẩu  giảm 26%, đặc biệt, lượng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc (chiếm 51% giá trị xuất khẩu xi măng trong quý I/2022) giảm 95%.

Có thể thấy, sự khó khăn của ngành xi măng đã được phản ánh trong kết quả kinh quý I. Theo thống kê, 6/7 đơn vị trên sàn chứng khoán ghi nhận doanh thu suy giảm so với cùng kỳ. Chỉ có 1 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, 2 công ty có lợi nhuận đi lùi và 4 doanh nghiệp báo lỗ.

Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã công bố kết quả kinh doanh quý I với tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng, clinker toàn xã hội (bao gồm xuất khẩu) đạt 20,76 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 7.616 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 409 tỷ đồng.

Hiện tại, Vicem có 10 nhà máy sản xuất xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công xuất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng/năm.

Các thương hiệu xi măng của tổng công ty bao gồm: Vicem Hải Phòng, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hà Tiên, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai...

Ban lãnh đạo Vicem cho biết, ba tháng đầu năm, thị trường xi măng trong nước vẫn gặp khó khăn do nhu cầu xi măng thấp, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục. Thêm vào đó là các công trình, dự án cũng chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Trong khi đó, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu. Năm nay, nguồn cung xi măng dự báo khoảng 117,8 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ từ 68 - 68,5 triệu tấn dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu xi măng, clinker cũng gặp nhiều khó khăn do: Philippines điều chỉnh tăng mức thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam và dự kiến chính thức áp thuế vào đầu quý II; nhu cầu nhập khẩu xi măng, clinker của Trung Quốc chưa tăng trở lại; giá xuất khẩu xi măng, clinker ở mức thấp do các nhà xuất khẩu cạnh tranh quyết liệt; cước tàu biển đang tăng cao (từ 4 - 5 USD/tấn) kể từ tháng 3/2023.

Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Ba tháng đầu năm, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) báo lỗ 86 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ yếu và giá than cao. Đây là mức lỗ kỷ lục theo quý của công ty.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc Vicem Hà Tiên cũng thừa nhận, thị trường xi măng đang hết sức khó khăn, riêng quý I tình hình tiêu thụ cả miền Nam giảm 25%. Song, công ty cũng kỳ vọng, nhu cầu xi măng trong nước sẽ phục hồi từ nửa cuối năm nay. Được biết, Vicem Hà Tiên đang là nhà cung cấp xi măng cho các dự án Sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, các dự án đường cao tốc miền Trung và miền Nam.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác gần 8.987 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 276 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và tăng 7% so với kết quả kiểm toán năm 2022.

Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Trong báo cáo phân tích ngày 4/5, SSI Reseach dự báo, từ quý II, giá than đầu vào của Vicem Hà Tiên có thể giảm. Song, sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý II vẫn thấp, theo đó lợi nhuận sẽ tiếp tục kém khả quan. 

Theo đơn vị phân tích, giá than sẽ giảm trong thời gian tới là do: thời tiết ở châu Âu ấm hơn, kéo theo sự sụt giảm của giá khí đốt và giảm sự phụ thuộc vào than; sản lượng than của Trung Quốc và Ấn Độ dự báo tăng.

Do đó, SSI Resarch ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 của Vicem Hà Tiên lần lượt đạt 8.000 nghìn tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ) và 297 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ). Còn sản lượng tiêu thụ xi măng và giá bán trung bình sẽ giảm lần lượt 10% và 1% do ngành xây dựng yếu hơn.

Khó khăn chồng chất 

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Trong báo cáo phân tích về tác động giá điện tăng, CTCP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng xi măng  là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá điện tăng. Trong đó, chi phí điện chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.

Mirae Asset giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng thì khi chi phí điện tăng 3% sẽ làm cho giá vốn bán hàng tăng thêmTrong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành xi măng dự báo giảm 13%.

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.

Giá điện tăng gây áp lực lớn lên ngành xi măng. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vicem Hà Tiên, ông Lưu Đình Cường - Tổng giám đốc công ty cho biết sẽ nâng giá bán sản phẩm nếu giá điện tăng.

Theo ông Cường, trước thời điểm tăng giá than vào tháng 2, tháng 3/2022, tỷ trọng than chiếm từ 40 - 45% giá thành sản xuất clinker (tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau) còn giá điện chiếm 10%. Tuy nhiên, trong năm 2022 và hiện nay, giá than đã chiếm tới 56% giá thành sản xuất, còn tỷ trọng của giá điện chiếm tới 35%.

Tiêu thụ xi măng năm 2023 dự kiến đi ngang

Trong báo cáo cập nhật ngành xi măng hồi tháng 1, SSI Reseach dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022 do thị trường bất động sản suy yếu nhưng có điểm sáng tích cực từ đầu tư công. Theo đơn vị phân tích, trong năm 2012, một năm mà cả thị trường bất động sản và đầu tư công đều suy giảm, tiêu thụ xi măng trong nước cũng chỉ giảm 8% so với cùng kỳ.

Một yếu tố khác mà SSI Rearearch cho rằng sẽ hỗ trợ ngành xi măng là thị trường xuất khẩu có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam.

Tuy nhiên, áp lực trong nước cũng tăng lên khi công suất toàn ngành tăng từ 3%-10% trong giai đoạn 2022-2023 và dẫn đến việc cạnh tranh giá bán xi măng.

Về giá than, đơn vị phân tích cho rằng, giá mặt hàng này sẽ có sự điều chỉnh hợp lý trong năm nay do: tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine lắng xuống; giá năng lượng khác (như dầu mỏ, LNG) ổn định hơn; Trung Quốc tăng kế hoạch sản xuất than.

Đồng thời, SSI Research cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xi măng cải thiện khoảng 2% - 3% so với cùng kỳ do giá than điều chỉnh giảm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-xi-mang-boi-giua-be-ap-luc-tieu-thu-suy-yeu-gia-than-va-gia-dien-leo-thang-2023523124317414.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/