Doanh nghiệp phân phối xe sang lãi lớn bất chấp kinh tế khó khăn

Chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên các doanh nghiệp phân phối xe ô tô tại Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau 3 quí đầu năm.

Gặp khó vì COVID-19

Đầu năm nay, các đại gia phân phối xe tại Việt Nam như Haxaco hay Savico đều có một khởi đầu không mấy suôn sẻ khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, buộc các showroom phải tạm thời đóng cửa trong một thời gian.

Điều này đã khiến doanh số bán hàng giảm mạnh so với cùng kì năm ngoái.

Thời điểm khó khăn nhất đối với thị trường ô tô là kết thúc hai quí đầu năm, khi doanh số bán hàng giảm tới 31% so với cùng kì, theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Trong đó, tổng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 43% và xe nhập khẩu giảm 21%.

Vì đâu các doanh nghiệp phân phối xe vẫn báo lãi trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

Trong nửa đầu năm 2020, với tổng doanh thu đạt 2.009 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 11 tỉ đồng, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - Mã: HAX) - đơn vị chuyên phân phối các dòng xe Mercedes-Benz tại Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 13% về doanh thu và giảm tới 63% lợi nhuận so với cùng kì.

Tương tự, một ông lớn khác là CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico - Mã: SVC) - doanh nghiệp sở hữu 53 đại lí, chiếm đến 12,6% thị phần ô tô cả nước năm 2019 cũng chứng kiến doanh thu giảm gần 30%, lợi nhuận sau thuế giảm gần 70% chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu được các doanh nghiệp giải thích là đến từ cú sốc đại dịch COVID-19, bất chấp những nỗ lực chủ động tìm tới khách hàng, thử nghiệm phương thức bán hàng mới hay cắt giảm chi phí.

Dấu hiệu phục hồi sau đại dịch

Tuy nhiên, bước sang quí III, tình hình kinh doanh nhìn chung đã được cải thiện, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ hai tại Việt Nam được kiểm soát tốt, các biện pháp chống dịch không quá tiêu cực như đợt đầu tiên và tháng Ngâu đi qua khiến doanh số bán hàng toàn thị trường tốt lên trông thấy.

Theo thống kê từ VAMA, dù vẫn giảm 2% so với cùng kì nhưng tháng 9 vừa qua là tháng có doanh số tốt nhất từ đầu năm đến nay đối với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam, tổng xe bán ra đạt 27.252 xe.

Trong đó, Thaco dẫn đầu với doanh số đạt 9.769 xe, tiếp theo là Toyota với 6.366 xe và Ford với 2.611 xe được bán ra trong tháng.

Nhờ đó, 9 tháng đầu năm tổng doanh số của các thành viên VAMA chỉ giảm 22% so với cùng kì năm trước, cải thiện hơn rất nhiều so với mức giảm 31% trong 6 tháng đầu năm.

Vì đâu các doanh nghiệp phân phối xe vẫn báo lãi trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Ngoài nguyên nhân từ việc đại dịch được kiểm soát tốt, theo giải trình từ phía Haxaco, ngay từ đầu ban lãnh đạo công ty đã nhanh chóng vạch ra chiến lược tận dụng thị phần, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và cắt giảm chi phí.

Cộng hưởng việc tranh thủ Nghị định 70 về việc hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước có hiệu lực từ cuối tháng 6 đến hết năm nay và các chính sách giảm giá kích cầu liên tục  từ các đại lí, showroom đã khiến người tiêu dùng mạnh dạn xuống tiền chi tiêu cho việc mua xe mới hơn so với thời điểm hồi đầu năm.

Vì đâu các doanh nghiệp phân phối xe vẫn báo lãi trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 3.

Sau 9 tháng, Haxaco vượt 21% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm. (Ảnh: Huy Nguyễn).

Do đó, trong quí III, Haxaco đã có đà hồi phục mạnh mẽ khi doanh thu đạt 1.741 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 51,2 tỉ đồng, lần lượt tăng 31% và 274% so với cùng kì năm trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu 3.751 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 62 tỉ đồng, lần lượt tăng 3% và 43% so với cùng kì năm ngoái.

Với kết quả này, Haxaco thậm chí đã vượt 21% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm.

Ở phía bên kia, dù doanh thu quí III giảm 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế cuối kì của Savico cũng đạt 67 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kì.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Savico thu về 10.154 tỉ đồng doanh thu và 91 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt hoàn thành 69% mục tiêu doanh thu và 16,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Kịch bản thị trường ô tô quí cuối năm

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ nay đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô nội địa sẽ tiếp tục hưởng lợi từ 3 chính sách, gồm Nghị định 70 giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nghị định 57 cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như: Toyota, Thaco, TC Motor, Hyundai,... sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được.

Cuối cùng là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết 31/12/2020.

các chính sách trên sẽ giúp chi phí sản xuất và chi phí dịch vụ giảm, từ đó làm giảm tổng chi phí mua xe, kích thích nhu cầu mua xe của người dân.

Cùng với đó, GDP quí III đã phục hồi với mức tăng trưởng 2,62% sau khi chỉ tăng trưởng 0,39% trong II đã cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế cũng như thu nhập của người dân.

Do đó, VDSC ước tính tổng cung trong quí IV đối với thị trường ô tô sẽ đạt 127.000 chiếc, trong khi tổng cầu vào khoảng 122.000 chiếc.

Như vậy, dư lượng ô tô tồn kho năm nay của các doanh nghiệp phân phối sẽ không nhiều, chỉ tầm 4.000 chiếc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-phan-phoi-xe-sang-lai-lon-bat-chap-kinh-te-kho-khan-20201028114757265.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/