Doanh nghiệp lo tiền gói hỗ trợ chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán khiến lạm phát tăng cao

Trước lo ngại về lạm phát, ông Hồng Anh kiến nghị với Quốc hội cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách, kích cầu kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm.

Phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Phục hồi và phát triển bền vững” sáng 5/12, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng cần lưu ý về bài học từ gói kích cầu đầu tư năm 2008-2009.

Với mục tiêu khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sự hồi phục của doanh nghiệp, sinh kế của người dân, Chính phủ đang soạn thảo gói phục hồi nền kinh tế để trình Quốc hội phê duyệt theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt, phù hợp để phục hồi, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Hồng Anh, cần nhớ lại gói kích cầu kinh tế năm 2008 và 2009. Quy mô gói kích cầu kinh tế khi đó đã giúp cho đất nước vượt qua khủng hoảng và Việt Nam là một trong số rất ít nước có tăng trưởng dương. 

Mặc dù gói kích cầu đầu tư đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tại thời điểm đó nhưng cũng tạo ra những hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách tuy đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí là tác dụng ngược và không đến đúng đối tượng. 

Nguyên nhân chính được đúc kết là do thiếu cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp, trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp, các cơ quan, chủ thể trong thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện quy mô lớn nhưng dòng tiền ít dành cho sản xuất mà lại vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự hồi phục kinh tế.

Lo ngại lạm phát tăng cao như năm 2008-2009, Hội Doanh nhân trẻ đề xuất giám sát thực thi 'từ xa từ sớm' - Ảnh 1.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. (Ảnh: Quochoi).

Trước những bất cập trên, ông Hồng Anh kiến nghị với Quốc hội cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách, kích cầu kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm. 

Đây là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt bắt đầu từ khi xây dựng chính sách. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách. 

Cách làm này đặc biệt phù hợp với chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh sự bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân liên tục bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách. 

Ngoài ra, phương pháp tiếp cận từ xa, từ sớm cũng giúp nâng cao tính thực tiễn, tính đại diện của chính sách thông qua cơ chế tham vấn công tư và sự vào cuộc, giám sát, phối hợp thực hiện của chính các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, đảm bảo hiệu quả cao nhất việc đưa chính sách vào đời sống của người dân.

Theo ông Hồng Anh, trên thực tế, mô hình giám sát chính sách từ xa, từ sớm đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia và hiệu quả của nó đã được chứng minh. 

Vì thế, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất sớm triển khai một chương trình giám sát chính sách từ xa, từ sớm, với nguồn tài trợ từ ngân hàng WB và các chuyên gia nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất khi thực hiện hiệu quả gói kích cầu kinh tế để Việt Nam vượt quá khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-lo-tien-goi-ho-tro-chay-vao-dau-co-bat-dong-san-chung-khoan-khien-lam-phat-tang-cao-20211205143319994.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/