Dính líu đến đại án hối lộ tỉ đô của Airbus, Chủ tịch và CEO AirAsia từ chức

Cuộc điều tra tham nhũng của Airbus giờ đã lan đến cả AirAsia, đối tác lâu năm của hãng chế tạo máy bay này. CEO và Chủ tịch của AirAsia phải rời khỏi vị trí của mình trong khi chính phủ tiến hành các cuộc thẩm vấn.

Dính líu vụ tham nhũng tỉ đô của Airbus, chủ tịch và CEO AirAsia phải từ chức - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

AirAsia, hãng hàng không giá rẻ Malaysia do CEO Tony Fernandes thành lập và hãng chế tạo máy bay Airbus SE từ lâu đã có quan hệ gắn bó thân thiết với nhau. Và trong nhiều năm, vị CEO tham vọng Tony Fernandes đã mạnh tay đặt rất nhiều đơn đặt hàng để trở thành khách hàng lớn nhất của Airbus đối với dòng tàu bay thân hẹp.

Mối liên kết tốt đẹp đó đã kết thúc trong cay đắng vào tuần trước sau khi Airbus thừa nhận đã cố gắng bất hợp pháp để gây ảnh hưởng đến những người ra quyết định trong các thương vụ mua bán máy bay. Airbus đã chấp nhận thanh toán khoản tiền phạt lên đến 4 tỉ USD trong vụ điều tra hối lộ này.

Đến thứ Hai 3/2, ông Fernandes phải rời khỏi AirAsia, hãng hàng không mà ông đã mua vào năm 2001 và giúp nó thành công.

Cổ phiếu của AirAsia đã giảm 5% khi thị trường chứng khoán mở cửa tại Kuala Lumpur vào thứ ba 4/2. Giá cổ phiếu hãng hàng không đường dài AirAsia X Bhd (công ty con của AirAsia) mất 8%.

Dính líu vụ tham nhũng tỉ đô của Airbus, chủ tịch và CEO AirAsia phải từ chức - Ảnh 2.

Ông Tony Fernandes sẽ phải từ bỏ vị trí CEO của AirAsia trong khi chính phủ tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng.

Ông Fernandes là một trong những khách hàng trung thành nhất của Airbus. Tại các triển lãm hàng không, ông luôn thu hút sự chú ý với các đơn đặt hàng lớn.

Cuộc điều tra tham nhũng đối với Airbus đã kéo dài gần 4 năm và khiến nhiều nhân viên cấp cao của công ty phải chịu trừng phạt. Giờ đây, nó đã mở rộng đến các hãng hàng không đối tác của Airbus.

Bloomberg đưa tin theo một tuyên bố hôm thứ Hai ngày 3/2, ông Fernandes sẽ rời khỏi vị trí CEO của AirAsia trong hai tháng trong khi chính phủ tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng.

Chủ tịch Kamarudin Meranun cũng từ chức sau khi ngày càng có thêm nhiều dấu hiệu về những hậu quả nặng nề từ vụ hối lộ lâu dài này.

Sash Tusa, một nhà phân tích quốc phòng và hàng không tại Agency Partners ở London cho biết: "AirAsia rõ ràng là khách hàng rất lớn của Airbus. Bất kì hành vi không chính đáng nào đều đã mang lại cho ban điều hành AirAsia nhiều quyền lực để xem xét lại hoặc thay đổi các đơn đặt hàng".

Dính líu vụ tham nhũng tỉ đô của Airbus, chủ tịch và CEO AirAsia phải từ chức - Ảnh 3.

Chủ tịch của AirAsia - Kamarudin Meranun (trái) và ông Tony Fernandes tại buổi lễ kí kết cho những chiếc Airbus A330-200 mới tại Kuala Lumpur vào ngày 28 tháng 2 năm 2011. Ảnh : Reuters

Các công tố viên tại Văn phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng của Anh (SFO) cho biết Airbus đã tài trợ 50 triệu USD cho một đội thể thao do hai giám đốc điều hành của AirAsia đồng sở hữu. Khoản tiền này là để "báo đáp" đơn đặt hàng 180 máy bay của AirAsia (sau đó được sửa đổi thành 135 chiếc).

Theo các công tố viên, thỏa thuận mua 50 máy bay A330 của Airbus tại triển lãm Farnborough vào tháng 7/2014 do ông Fernandes thực hiện lẽ ra đã dẫn đến thêm một khoản thanh toán 55 triệu USD; tuy nhiên số tiền này chưa bao giờ được nhận. 

Ông Fernandes - người đã phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng ở Ấn Độ, và ông Meranun hôm thứ Hai 3/2 đã bác bỏ cáo buộc về hành vi sai trái. Hai ông vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất của AirAsia thông qua Tune Group.

Theo Bloomberg, cơ quan chống tham nhũng Malaysia hôm thứ Bảy (1/2) cho biết họ đang xem xét tình trạng tham nhũng tại AirAsia. Airbus đã thừa nhận các cáo buộc của SFO nhưng từ chối bình luận về sự việc này.

Các giám đốc điều hành và đội thể thao nhận được khoản tiền nói trên không bị nhắc đến trong vụ kiện. Nhưng cuối tuần trước, AirAsia đã gọi khoản tài trợ đó là "Một sự kiện nổi tiếng và được công bố rộng rãi, giúp xây dựng thương hiệu và mang lại những lợi ích khác cho Airbus".

Hai ông Fernandes và Meranun, cùng với ông Nasarudin Nasimuddin, chủ tịch của công ty lắp ráp xe hơi Naza Group, đã thành lập Đội đua Công thức Một Caterham năm 2009. Airbus được tính là một trong số những nhà tài trợ của đội này. Năm 2015, Caterham bán đấu giá tài sản của mình sau khi không tìm được người mua.

Các khoản thanh toán tài trợ thứ hai bắt đầu được trả ngay sau khi được công bố vào tháng 7/2014. Theo các công tố viên, 4 ngày sau đó một nhà điều hành của AirAsia đã gửi email cho một nhân viên cấp cao của Airbus nói rằng: "thay vì tài trợ, chúng tôi muốn coi nó là một khoản trợ cấp".

Các công tố viên cho biết đơn hàng máy bay A330 đã được hoàn tất vào tháng 12 năm đó, nhưng sau này, bộ phận chiến lược và tiếp thị của Airbus, tâm điểm của vụ tham nhũng, đã không còn khả năng thực hiện các cam kết của mình.  

Trước tình hình này, ban điều hành AirAsia đã gửi email: "Chúng tôi đã thực hiện thỏa thuận của mình. Xin đừng để chúng tôi thất vọng".

Trong các tài liệu tòa án, các công tố viên cho biết, tham nhũng đã giúp cho lợi nhuận của Airbus tăng 1 tỉ USD.

Những hậu quả từ vụ bê bối đã lan ra toàn cầu. Hôm 2/2, công ty hàng không Avianca Holdings SA của Colombia cho biết họ đã thuê một công ty luật tiến hành một cuộc điều tra nội bộ độc lập về mối quan hệ của hãng này với Airbus, và liệu họ có phải là nạn nhân của sai phạm hay không.

Dính líu vụ tham nhũng tỉ đô của Airbus, chủ tịch và CEO AirAsia phải từ chức - Ảnh 4.

Một chiếc máy bay chở khách Airbus SE A330, do AirAsia Group vận hành được trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris lần thứ 53 vào ngày 17 tháng 6 năm 2019. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg đưa tin tại Sri Lanka, các công tố viên đang tìm cách bắt giữ cựu CEO Kapila Chandrasena của hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước Sri Lankan Airlines và vợ của ông. Văn phòng tổng chưởng lí cho biết hai người là nghi phạm trong vụ rửa tiền có liên quan đến Airbus.

Theo một tuyên bố ngày 2/2, cảnh sát Sri Lanka được yêu cầu phải có lệnh bắt giữ. Ông Chandrasena chưa đưa ra bình luận gì.

Mặc dù trong các tài liệu công bố không nêu rõ tên của bất kì ai, SFO cáo buộc rằng vợ của một quan chức hãng hàng không Sri Lankan Airlines đã nhận hối lộ 2 triệu USD thông qua một công ty vỏ bọc tại Brunei cho một đơn đặt hàng máy bay.

SFO cũng cáo buộc rằng Airbus đã đánh lừa Phòng Tài chính Xuất khẩu Vương quốc Anh (UKEF), chỉ ra rằng các email được trao đổi cho thấy UKEF nhận ra người trung gian mà Airbus thuê có cùng tên với vợ của giám đốc điều hành hãng hàng không. Airbus phủ nhận điều này, cho đó là điều trùng hợp, và nói rằng người trung gian đó là nam giới.

UKEF không hài lòng với lời giải thích này, khiến một nhân viên của Airbus gửi email cho một người khác nói rằng "sự thật là điều tệ nhất". Airbus đã rút đơn đăng kí với UKEF vào tháng 3/2015. Vào ngày đầu tiên của tháng 4, UKEF đã đã báo cáo công ty này với SFO.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dinh-liu-den-dai-an-hoi-lo-ti-do-cua-airbus-chu-tich-va-ceo-airasia-tu-chuc-2020020418004268.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/