Định giá tắc nghẽn (Congestion Pricing) là gì? Các kiểu định giá tắc nghẽn

Định giá tắc nghẽn (tiếng Anh: Congestion Pricing) là một chiến lược định giá nhằm điều chỉnh cầu bằng cách tăng giá mà không tăng cung. Chiến lược này được sử dụng phổ biến trong các ngành như giao thông vận tải, du lịch hay khách sạn.

gettyimages-83843490

Hình minh họa. Nguồn: citymetric.com

Định giá tắc nghẽn

Khái niệm

Định giá tắc nghẽn trong tiếng Anh là Congestion Pricing.

Định giá tắc nghẽn là một chiến lược định giá được thiết kế để điều chỉnh cầu bằng cách tăng giá mà không tăng cung. Từ "tắc nghẽn" xuất phát từ việc sử dụng chiến lược này như một cách để điều tiết giao thông đường bộ.

Định giá tắc nghẽn là một hình thức phổ biến trong ngành vận tải, nhằm mục đích giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí bằng cách tính thêm tiền các phương tiện giao thông được phép đi vào các khu vực đặc biệt tắc nghẽn của một thành phố.

Chiến lược này cũng được sử dụng trong khách sạn và các lĩnh vực tiện ích (điện) mà có nhu cầu thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày hoặc mùa trong năm. Giá điện có thể cao hơn vào mùa hè, vì lượng tiêu thụ điện tăng do sử dụng điều hòa; phòng khách sạn có thể đắt hơn trong những ngày lễ lớn.

Định giá tắc nghẽn được cho là để khuyến khích người dùng có thể linh hoạt với việc sử dụng của họ, để chuyển việc sử dụng sản phẩm hay dịch vụ trong lúc cao điểm sang thời điểm dịch vụ hoặc nguồn lực rẻ hơn.

Các kiểu định giá tắc nghẽn

Định giá động

Định giá động là một chiến lược định giá tắc nghẽn, trong đó giá không được đặt cố định mà dao động dựa trên sự thay đổi hoàn cảnh, chẳng hạn như gia tăng nhu cầu tại một số thời điểm nhất định, loại khách hàng được nhắm đến hoặc phát triển các điều kiện thị trường.

Chiến lược định giá động đặc biệt phổ biến trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chẳng hạn như ngành khách sạn, vận tải và du lịch.

Định giá theo phân khúc

Trong định giá theo phân khúc, một số khách hàng bị tính phí nhiều hơn dựa trên sự sẵn lòng trả thêm cho dịch vụ của họ. Một số người có thể sẵn sàng trả phí bảo đảm cho dịch vụ nhanh hơn, chất lượng cao hơn hoặc các tính năng bổ sung, như tiện nghi. 

Ví dụ, một nhà cung cấp có thể bán một sản phẩm không có bảo hành ở mức giá thấp, nhưng nếu muốn cùng một sản phẩm đi kèm với bảo hành, thì khách hàng sẽ phải trả giá cao hơn. 

Định giá người dùng lúc cao điểm

Định giá người dùng lúc cao điểm dựa trên thời gian du lịch cao điểm và phổ biến trong giao thông vận tải. Ví dụ, các công ty hàng không và tàu xe thường tính giá cao hơn với hành khách có nhu cầu đi lại trong giờ cao điểm từ thứ Hai đến thứ Sáu so với các thời điểm khác.

Ví dụ về định giá tắc nghẽn

New York là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ phê duyệt kế hoạch định giá tắc nghẽn. Kế hoạch được dự kiến triển khai vào năm 2021, dựa trên "định giá cordon", trong đó người lái xe phải trả tiền để đi vào một khu vực, trong trường hợp này là mọi nơi phía nam Đường 60 ở cuối Central Park. Thành phố New York vẫn đang soạn thảo chi tiết về kế hoạch, bao gồm cả cấu trúc phí. 

Thành phố London tại Anh đã đưa ra một kế hoạch định giá tắc nghẽn vào năm 2003, đã đạt được thành công ban đầu trong việc giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí, và trên hầu hết các phương diện, thì vẫn còn một thành công tính đến thời điểm này. Hiện tại, London đang rút ra bài học kinh nghiệm từ chiến lược định giá này.

(Theo investopedia)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dinh-gia-tac-nghen-congestion-pricing-la-gi-cac-kieu-dinh-gia-tac-nghen-20191021100057424.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/