Điều hành xăng dầu trong nước thế nào khi giá dầu thế giới giảm chưa từng có?

Bộ Công Thương đang rà soát tổng thể kế hoạch khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích nhà đầu tư.

Giá dầu thế giới giảm sâu tác động đến ngành xăng dầu trong nước

Hôm 21/4, giá dầu WTI lần đầu tiên trong lịch sử đã xuống mức giá dưới 0 đồng. Vụ dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho rằng việc giá dầu thế giới giảm sâu như vậy đã tác động đến ngành xăng dầu trong nước.

Cùng lúc đó, giá dầu Brent trên sàn giao dịch ICE (London) cũng giảm chỉ ở mức 21-25 USD/thùng.

Giá dầu thô khai thác trong nước của Việt Nam thường được tham chiếu đến giá dầu thô Brent. Do đó, việc giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu trọng yếu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). 

Theo tính toán của PVN nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 19% so với kế hoạch năm, đạt 520 nghìn tỉ đồng (so với kế hoạch là 640,9 nghìn tỉ đồng).

Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn có thể giảm 38,4% so kế hoạch năm đạt 50,6 nghìn tỉ đồng (so với kế hoạch là 82,1 nghìn tỉ đồng).

Trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 4,6 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1 nghìn tỉ đồng so với kế hoạch.

PVN cho rằng trong ngắn hạn, nhu cầu dầu thô thế giới có thể giảm mạnh gần 30 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái. 

Trong khi đó thỏa thuận OPEC+ chỉ cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 và có hiệu lực từ đầu tháng 5 nên dự báo trong tháng 4 giá dầu có thể giảm chút ít, tháng 5 sẽ dừng giảm với dao động biên độ nhỏ.

Về trung hạn, cầu tăng dần từ sau tháng 5 khi các nước trên thế giới gỡ dần phong tỏa, đặc biệt các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu kết hợp với cung giảm dần theo thỏa thuận OPEC+.

Bên cạnh đó, một số công ty khai thác Mỹ phá sản hoặc buộc phải giảm sản xuất vì giá bán thấp hơn chi phí khai thác sẽ làm cân bằng cung - cầu cải thiện và giá dầu sẽ tăng dần, dự kiến cuối năm 2020 khoảng 40 USD/thùng, cuối 2021 có thể đạt lại mức khoảng 60 USD/thùng.

Trong dài hạn, do giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài, các công ty dầu khí đều cắt giảm đầu tư thăm dò và phát triển mỏ, dẫn đến nguồn cung giảm.

Tuy nhiên, cả về trung và dài hạn, việc hồi phục thị trường phụ thuộc nhiều vào kết quả khống chế dịch COVID-19 như tìm ra vaccine hoặc thuốc chữa, giá dầu thô sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt các nước G20 phục hồi, PVN nhận định.

Trước thực tế khó khăn hiện nay của ngành xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí và PVN triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu.

Cụ thể rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.

Cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng.

Đồng thời rà soát lại các nhiệm vụ thuộc công tác thăm dò - thẩm lượng, công tác phát triển mỏ mới, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng để chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác trong năm 2020 (đón đầu khi giá dầu tăng).

Bên cạnh đó các đơn vị cung cấp dịch vụ chuẩn bị ngay các giải pháp ứng phó với nhu cầu dịch vụ cũng như giá dịch vụ sẽ giảm để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu lại các loại sản phẩm của PVN nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác....

Đồng thời, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo và kiến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh,… nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.

Điều hành xăng dầu trong nước thế nào khi giá dầu thế giới giảm chưa từng có? - Ảnh 1.

Giá dầu tại Mỹ xuống thấp đến mức âm ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam) sẽ tác động đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước?. Ảnh: VnEconomy.

Giải pháp tổng thể cho tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước

Để vượt qua khó khăn về giá dầu và tác động của dịch COVID-19 như hiện nay, PVN cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngày tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên của PVN. Giãn khoản nợ vay tại các dự án, doanh nghiệp khó khăn của ngành. 

Bên cạnh đó, điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, xem xét cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lí.

Việc làm này nhằm duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để cứu nền kinh tế chung của đất nước, duy trì công ăn việc làm của người lao động.

Đồng thời, áp dụng một số giải pháp thuế trong giai đoạn hiện nay như đưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT. 

PVN cũng đề xuất xem xét bỏ qui định về thuế suất thuế xuất khẩu đối với sản phẩm phân bón.

Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với qui định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết

Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu là nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (đều có vốn góp của PVN), đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, các nhà máy lọc dầu trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường như giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu; xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết,...

Về phía các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.

Đối với các cơ quan quản lí nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu như ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ...

Đồng thời khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh như thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu; thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành....


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dieu-hanh-xang-dau-trong-nuoc-the-nao-khi-gia-dau-the-gioi-giam-chua-tung-co-20200422150405868.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/