Điều gì khiến một cổ phiếu tăng trần 11 phiên liên tiếp?

Trong bối cảnh giá cổ phiếu THS của Thanh Hoa - Sông Đà tăng phi mã sau thời gian dài đi ngang không có thanh khoản, nhiều nhà đầu tư cá nhân liên tục chi tiền để gia tăng sở hữu và trở thành cổ đông lớn của công ty.

Cổ phiếu tăng trần 11 phiên liên tiếp

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu THS của Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà vừa trải qua chuỗi tăng trần 11 phiên liên tiếp và chưa có dấu hiệu suy giảm. Nếu tính từ giữa tháng 4 tới nay, mã này đã tăng hết biên độ 14/16 phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 7/5, thị giá cổ phiếu dừng tại 22.100 đồng/cp, tức tăng 256% sau 3 tuần.

Theo ghi nhận của người viết, trong nhiều phiên tăng trần, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt mức tối thiểu là 100 cổ phiếu, thanh khoản trung bình cũng chỉ đạt hơn 10.700 đơn vị. Một điểm đáng chú ý khác là nhiều phiên giao dịch xuất hiện giao dịch thỏa thuận với giá bình quân thấp hơn nhiều so với giá khớp lệnh.

Việc cổ phiếu THS bất ngờ nổi sóng sau giai đoạn đi ngang không có thanh khoản khiến nhà đầu tư đặt lên dấu hỏi yếu tố nào đã thúc đẩy giá cổ phiếu tăng phi mã sau thời gian dài ngủ yên.

Điều gì khiến giá cổ phiếu của 1 DN tăng trần 11 liên tiếp? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu THS từ khi lên sàn đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Cổ đông lớn liên tục gom thêm cp trên vùng đỉnh

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà tiền thân là Công ty công nghệ phẩm Thanh Hóa, sau đó chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, lấy tên là Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Thanh Hoa.

Do nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, tháng 5/2004, Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Thanh Hoa mời Tổng Công ty Sông Đà góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà với vốn điều lệ là 10,1 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Sông Đà nắm giữ 51% vốn.

Đến năm 2014, với sự kiến thoái hết vốn của Tổng Công ty Sông Đà, Công ty Cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà chuyển sang cơ chế quản lý mới với 100% vốn góp của các thể nhân. Vốn điều lệ tính tới thời điểm hiện tại là 30 tỷ đồng.

Điều gì khiến giá cổ phiếu của 1 DN tăng trần 11 liên tiếp? - Ảnh 2.

Tính đến thời điểm hiện tại, cổ đông nội bộ và những người có liên quan sở hữu gần 48% vốn tại Thanh Hoa Sông Đà. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Về cơ cấu cổ đông, ông Trương Vạn Thành, Chủ tịch HĐQT Thanh Hoa- Sông Đà là cổ đông lớn nhất, sở hữu 286.300 cp THS, tương đương 10,6% vốn của công ty. Cộng thêm lượng cp của những người có liên quan, gia đình ông Thành đang sở hữu khoảng 16,7% vốn tại Thanh Hoa - Sông Đà.

Ông Thành nguyên là giảng viên Đại học Thương nghiệp Hà Nội, hiệu trưởng Trường dạy nghề Thương mại – du lịch Thanh Hóa. Ngoài đam mê kinh doanh và đào tạo, ông Thành còn được biết đến là Hội viên Hội Nhà văn Việt nam, nhà thơ của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Mùa đông lại về (2016), Hoa cỏ lau (2018)...

Ngoài ra, các lãnh đạo cấp cao của công ty gồm ông Nguyễn Thanh Hải (Tổng Giám đốc), ông Lê Văn Tường (Tổng Giám đốc) và bà Chu Thị Hòa (Phó Tổng Giám đốc) cũng là cổ đông lớn của Thanh Hoa - Sông Đà với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 8,33%, 7,78% và 7,41%.

Liên quan đến giao dịch của cổ đông ngoài, hai cổ đông cá nhân là ông Lê Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã liên tục mua vào cổ phiếu THS trong thời gian gần đây để gia tăng sở hữu tại công ty trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng nóng. Ngày trở thành cổ đông lớn của ông Tuấn và bà Thủy lần lượt là 13/4 và 22/4.

Mới đây, con gái ông Thành là bà Trương Thị Thanh Huyền cũng vừa đăng ký mua 500.000 cp THS nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 4,81% lên 8,01%. Nếu giao dịch thành ông, bà Huyền sẽ trở thành cổ đông lớn của Thanh Hoa - Sông Đà. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 26/4 đến ngày 21/5 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Kết quả kinh doanh không phải yếu tố hỗ trợ giá cp

Về lĩnh vực kinh doanh, hoạt động chính của Thanh Hoa - Sông Đà là kinh doanh thương mại các mặt hàng tiêu dùng và cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Với hoạt động kinh doanh thương mại, công ty có 4 xí nghiệp bán buôn và cung ứng các mặt hàng như sứ Hải Dương, nhôm Hải Phòng, nhựa Đại Đồng Tiến, nội thất Hòa Phát, Xuân Hòa, chăn ga gối đệm Sông Hồng, bóng đèn phích nước Rạng Đông, điện tử, điện lạnh... Đối với hoạt động cho thuê, Thanh Hoa - Sông Đà có hai địa điểm cho thuê là siêu thị Trần Phú và Trung tâm thương mại 25 Lê Lợi.

aaa - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Thanh Hoa - Sông Đà trong khoảng 10 năm trở lại đây. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của doanh nghiệp).

Trong khoảng một thập kỷ qua, hoạt động kinh doanh của công ty không ổn định với các khoản doanh thu và lợi nhuận biến động trồi sụt qua các năm. Doanh thu ở mức 160 – 280 tỷ đồng/năm, lãi sau thuế vỏn vẹn vài chục tỷ đồng. Năm 2018 đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất của Thanh Hoa - Sông Đà kể từ khi thành lập, với hơn 7 tỷ đồng.

Năm 2020, Thanh Hoa - Sông Đà ghi nhận 263 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với thực hiện năm 2019. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa là 254 tỷ đồng, còn lại là doanh thu cho thuê mặt bằng. Lãi sau thuế tăng nhẹ 2% lên gần 3,2 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của THS trong 3 tháng đầu năm nay cũng không có gì đột biến để hỗ trợ giá cổ phiếu. Trong quý đầu năm, công ty đạt gần 69,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Các chi phí trong kỳ ghi nhận tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 45% còn gần 389 triệu đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 16,7 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ chỉ âm gần 7,4 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh không mấy nổi trội, song Thanh Hoa - Sông Đà lại có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn. Tỷ lệ cổ tức trong 3 năm gần đây duy trì ở mức 10% - 20%/mệnh giá. Năm 2021, doanh nghiệp lên kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 8%.

aaa - Ảnh 2.

Lịch sử trả cổ tức. (Nguồn: Vietstock).

Tại thời điểm 31/1/2021, công ty có 114 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 48,5% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do hàng tồn kho tăng từ 34 tỷ đồng lên 61 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn tăng 90% lên 20,6 tỷ đồng.

Cơ cấu huy động vốn nghiêng về nợ phải trả với gần 80 tỷ đồng tính đến cuối quý I, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn. Riêng nợ vay ngắn hạn là 26 tỷ đồng. Công ty có hơn 8 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển, gần 389 triệu đồng lợi nhuận chưa phân phối, giảm mạnh so với con số 3,2 tỷ đồng đầu kỳ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dieu-gi-khien-mot-co-phieu-tang-tran-11-phien-lien-tiep-20210508151930344.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/