'Dịch vụ không tốt, sao đòi ép đối tác sử dụng'

Dịch vụ mặt đất là bộ mặt, trách nhiệm và uy tín của hãng, vì thế, theo nhiều độc giả, không có lý gì các công ty cung cấp dịch vụ này lại ép đối tác dùng sản phẩm chất lượng kém.

Mới đây Vietjet Air đã có văn bản gửi Cục Hàng không đề nghị được tự lo khâu phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh (Nha Trang) từ năm 2020.

Đề nghị này đã vấp phải sự phản đối của Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) và Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), hai đối tác dịch vụ mặt đất của Vietjet Air tại sân bay Nội Bài và sân bay Cam Ranh. Tuy nhiên, hãng bay lại nhận được sự ủng hộ từ hành khách.

Phù hợp kinh tế thị trường

Chia sẻ trên Zing.vn về việc Vietjet Air muốn tự lo dịch vụ mặt đất tại hai sân bay, một độc giả cho rằng việc hãng bay muốn ngừng hợp tác với HGS và SAGS là do "bộ phận mặt đất nói chung cũng như khâu kiểm soát bảo quản chất lượng hàng ký gửi quá kém làm ảnh hưởng đến danh tiếng hãng bay. Việc hãng tự phục vụ cũng vì muốn cải thiện dịch vụ thôi, quá rõ ràng".

'Dịch vụ không tốt, sao đòi ép đối tác sử dụng' - Ảnh 1.

Nhiều hành khách bày tỏ đồng tình với việc để các hãng bay được tự lo dịch vụ mặt đất bởi đây là bộ mặt, trách nhiệm của các hãng, hành khách sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn. Ảnh: HGS.

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Nguyễn Nam Anh cho rằng việc để các hãng bay tự lo khâu dịch vụ mặt đất là hợp lý, "tránh việc phải chịu trách nhiệm cho dịch vụ tệ hại của bên thứ ba".

Nhiều hành khách kỳ vọng việc hãng bay đứng ra tự làm dịch vụ mặt đất sẽ mang đến cho hành khách một trải nghiệm dịch vụ tích cực hơn so với những gì HGS và SAGS cung cấp hiện tại.

"Thay vì là nhân viên của 2 công ty kia thì trở thành nhân viên của hãng bay với thái độ phục vụ khách hàng hoàn toàn mới", độc giả Anh Ca Sau bình luận.

"Quá hay! Nằm trong sự ràng buộc quản lý chung của một doanh nghiệp thì lúc nào cũng tốt lên mọi vấn đề được giải quyết nhanh chóng. Chất lượng phục vụ sẽ được cải thiện", độc giả Tran viết.

Về ý kiến của HGS và SAGS nhận định việc Vietjet Air ngừng hợp tác sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu, lợi nhuận và buộc hai doanh nghiệp phải sa thải bớt nhân viên, nhiều hành khách cho rằng đây là ý kiến không thỏa đáng và không phù hợp với kinh tế thị trường.

Độc giả Minh Lê cho rằng "trong kinh doanh, khi anh làm không được, không đáp ứng được nhu cầu đối tác thì họ có quyền kiếm người khác để hợp tác, đó là cạnh tranh công bằng".

"Dịch vụ mặt đất làm không tốt thì nên để hãng tự làm, như vậy là công bằng hơn cho hãng hàng không", Độc giả N Diep không đồng tình với ý kiến của HGS và SAGS.

Cùng với các bình luận trên là hàng loạt ý kiến ủng hộ việc các hãng bay được phép tự chủ dịch vụ mặt đất, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp dịch vụ tại sân bay cũng như tự đảm bảo và chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ uy tín thương hiệu, hình ảnh.

Công ty dịch vụ mặt đất lo hụt nguồn thu

Trước đề xuất của Vietjet Air, HGS và SAGS đã có ý kiến gửi tới Cục Hàng không với nội dung có nhiều điểm tương đồng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các chuyến bay của Vietjet Air chiếm 62,3% tổng sản lượng phục vụ và 28% tổng doanh thu của HGS.

'Dịch vụ không tốt, sao đòi ép đối tác sử dụng' - Ảnh 2.

Cả HGS và SAGS đều khẳng định sẽ hụt đáng kể doanh thu và phải sa thải lượng lớn lao động nếu Vietjet Air được tự chủ dịch vụ mặt đất. Ảnh: HGS.

Theo HGS, nhiều năm qua doanh nghiệp đã chủ động tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân sự để "đón" xu hướng tăng trưởng thị phần của Vietjet Air. Công ty này đang phân công 400-450 nhân viên (chiến 48% nhân lực) và 72 thiết bị (chiếm 77% tổng số thiết bị) để chuyên phục vụ cho các chuyến bay của Vietjet Air.

Doanh nghiệp cho rằng nếu Vietjet Air dừng hợp tác, doanh nghiệp sẽ bị giảm đáng kể doanh thu và buộc phải sa thải lượng lớn lao động cũng như rơi vào cảnh dư thừa thiết bị.

Tương tự, SAGS chia sẻ trong 6 tháng đầu năm, 6.050 chuyến bay của Vietjet Air chiếm 70% tổng sản lượng phục vụ và 37% doanh thu của doanh nghiệp tại Cam Ranh.

SAGS cho hay hiện doanh nghiệp có 240 nhân viên trong tổng số hơn 400 nhân sự phục vụ cho Vietjet Air tại Cam Ranh, chiếm khoảng 60% nguồn nhân lực của SAGS tại đây.

Cả hai doanh nghiệp đều đề nghị Cục Hàng không cân nhắc các yếu tố trên và có ý kiến chỉ đạo hãng bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mong muốn được tự lo dịch vụ mặt đất đã được Vietjet Air đề đạt từ nhiều năm, nhưng cơ quan này còn phải cân nhắc rất nhiều yếu tố.

Cục cho rằng việc phê duyệt yêu cầu của Vietjet Air sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất đang hoạt động. Bên cạnh đó, các hãng bay mới đang nở rộ, đáp ứng cho Vietjet Air thì cũng phải đáp ứng cho nhiều hãng khác.

Hiện ở Việt Nam chỉ duy nhất Vietnam Airlines là hãng bay được chủ động dịch vụ mặt đất do có công ty thành viên là Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS). Ngoài cung ứng dịch vụ cho Vietnam Airlines, VIAGS còn là đối tác dịch vụ mặt đất của nhiều hãng bay lớn trong khu vực.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-vu-khong-tot-sao-doi-ep-doi-tac-su-dung-20190908103148706.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/