Dịch vụ chia sẻ buồng trang điểm: Ý tưởng kinh doanh mới và những nỗi lo

Sau dịch vụ chia sẻ xe đạp, sạc điện thoại và phòng karaoke, Trung Quốc tiếp tục đưa khái niệm "kinh tế chia sẻ" tới phạm vi mới với dịch vụ chia sẻ buồng trang điểm.

Người dân có thể thấy những buồng trang điểm chung ở các trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Vũ Hán. Chúng có tên trung là "17 Beauty Box", South China Morning Post mô tả.

Khi một khách hàng bước vào buồng màu hồng và quét mã QR trên bức vách, cánh cửa kính trong suốt phía sau họ trở nên mờ và ô kính phía trước gương mở ra, để lộ bộ sản phẩm trang điểm. Chúng bao gồm sản phẩm của hàng loạt thương hiệu - từ Nars tới Dior - với tổng giá trị khoảng 4.000 tệ (600 USD). Người trang điểm trả 28 tệ cho 15 phút trong buồng, hay 58 tệ cho 45 phút nếu họ muốn trang điểm lâu hơn.

Đương nhiên, khách hàng có thể lấy những sản phẩm vệ sinh dùng một lần nếu họ muốn bảo đảm rằng mọi thứ sạch sẽ trước khi họ trang điểm.

Dịch vụ chia sẻ buồng trang điểm: Ý tưởng kinh doanh mới và những nỗi lo - Ảnh 1.

Một buồng trang điểm trong siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Tranh cãi về dịch vụ chia sẻ buồng trang điểm

Mặc dù kinh tế chia sẻ đã bùng nổ ở Trung Quốc trong vài năm gần đây, nó đang đối mặt với hàng loạt thách thức - chủ yếu do hành vi sử dụng sản phẩm không văn minh và những vấn đề tiêu cực trong quản lý tài sản.

Sự phát triển của dịch vụ chia sẻ buồng trang điểm khơi mào cho những cuộc tranh luận trên mạng về việc chia sẻ mỹ phẩm với người lạ có thể tạo ra mối họa về vệ sinh hay không.

"Đây là chia sẻ mỹ phẩm hay chia sẻ vi khuẩn", một người có nick là SamChak viết trên mạng xã hội Weibo kèm theo ảnh của một buồng trang điểm không còn dung dịch làm sạch cũng như mỹ phẩm.

A You, một người khác, nhận định rằng một số sản phẩm như phấn bắt sáng, phấn má hồng khó mà tránh tình trạng dùng từ hai lần trở lên. 

"Những bộ cọ dùng một lần có thể giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, song bạn không thể bảo đảm mọi người đều dùng chúng một cách văn minh", A You nhận xét.

Bác sĩ Steven Loo King-fan, một chuyên gia thuộc khoa Da liễu của Bệnh viện Gleneagles Hong Kong, khẳng định buồng trang điểm chung là ý tưởng sáng tạo. Theo ông, chúng sạch sẽ hơn nhiều so với nhà vệ sinh công cộng - nơi nhiều phụ nữ vào đó để trang điểm. Tuy  nhiên, ông cũng cảnh báo những nguy cơ về sức khỏe của hành vi dùng chung mỹ phẩm với người khác.

"Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là dạng viêm da phổ biến nhất. Khi một người mang vi khuẩn Staphylococcus aureus dùng cọ trang điểm, vi khuẩn sẽ truyền sang cọ và tiếp tục sinh sôi. Giải pháp an toàn nhất là mang theo những sản phẩm của bạn để dùng trong buồng trang điểm ở nơi công cộng", Steven nói.

Dịch vụ chia sẻ buồng trang điểm: Ý tưởng kinh doanh mới và những nỗi lo - Ảnh 2.

Ở Trung Quốc và Hong Kong, người tiêu dùng thường tự thử sản phẩm, một thói quen hoàn toàn trái ngược với người dân ở các nước phương Tây như Pháp, Anh. Ảnh: SCMP

Để giải tỏa mối lo ngại của công chúng về an toàn vệ sinh, bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty 17 Beauty nói rằng họ gắn mỹ phẩm vào mặt bàn để ngăn chặn hành vi cầm son và bôi trực tiếp vào môi. Công ty cũng hiển thị hướng dẫn trên màn hình để nhắc nhở khách hàng lấy cọ mới mỗi khi sử dụng một sản phẩm.

"Cần có chuyên gia trang điểm để chăm sóc khách hàng"

Nhưng Cecilia Kuk Ling-chun, giám đốc Hiệp hội Các chủ dịch vụ làm đẹp và tóc Hong Kong, nhận định rằng hiển thị hướng dẫn trên màn hình hay tường không phải là cách hiệu quả.

"Sự hiện diện của một chuyên gia trang điểm là yếu tố cần thiết. Nếu một công ty muốn phục vụ khách hàng tốt nhất, họ không nên nghĩ thuê chuyên gia trang điểm có thể gây lãng phí ngân sách", Cecillia bình luận.

Bà cho rằng, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh, các chuyên gia trang điểm nên dùng cọ mới cho mỗi khách hàng và trang điểm minh họa trên bảng màu trước khi tiến hành trên mặt khách hàng. Họ cần khử trùng cọ trang điểm theo một quy trình chuẩn - bao gồm nhúng vào dung dịch làm sạch, rửa, giũ, sấy khô và bảo quản dưới tia cực tím.

Ở những nước phương Tây như Anh và Pháp, nhân viên bán hàng ở các quầy bán mỹ phẩm trong siêu thị luôn thử sản phẩm cho khách hàng, chứ không để khách tự thử. Nhưng hành vi ấy không phổ biến ở Hong Kong hay Trung Quốc - nơi khách hàng có thể cãi cọ với nhân viên bán hàng nếu không được tự thử mỹ phẩm.

"Quá trình giáo dục ý thức phải diễn ra theo hai chiều. Người bán hàng nên biết họ phải làm gì, còn khách hàng nên hiểu rằng họ cần chờ đợi và để người bán hàng phục vụ họ", bà nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-vu-chia-se-buong-trang-diem-y-tuong-kinh-doanh-sang-tao-va-nhung-noi-lo-20190516075048476.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/