Dịch bệnh ở nhiều nước đã giảm sâu, số ca nhiễm mới của Mỹ vẫn cao liên tục mấy tháng qua

Dịch bệnh xuất hiện gần như cùng lúc, tuy nhiên nhiều nước chứng kiến số ca nhiễm mới đã đạt đỉnh và thoái trào còn ở Mỹ số ca bệnh phát hiện hàng ngày vẫn luôn duy trì ở mức cao. Do vậy đợt bùng phát mới đây tại Mỹ có lẽ không phải là làn sóng thứ hai mà là làn sóng đầu tiên kéo dài.

Đại dịch COVID-19 có thể chưa đạt đỉnh tại Mỹ - Ảnh 1.

Số ca xác nhận nhiễm mới cũng như tử vong tại Mỹ đều tiếp tục tăng vọt, phá kỉ lục cách đây hai tháng, cho thấy đỉnh dịch COVID-19 chưa đến. (Ảnh minh họa: AP)

Ngày 24/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 tại châu Mỹ, đơn cử là ở Mỹ, chưa đạt đỉnh dù số ca xác nhận nhiễm trên toàn cầu sắp chạm ngưỡng 10 triệu.

CNBC dẫn lời ông Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây lan trong cộng đồng tại nhiều quốc gia ở châu Mỹ (bao gồm Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Trung Mỹ).

"Thật đáng buồn là đại dịch ở nhiều nước châu Mỹ chưa đạt đỉnh", ông Ryan nhấn mạnh.

Theo cập nhật mới nhất từ Worldometers tính đến khuya ngày 26/6, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 9,7 triệu ca nhiễm và hơn 490.000 ca tử vong do COVID-19.

Trước đó, chỉ riêng ngày 25/6 thì tổng trường hợp xác nhận nhiễm mới trên toàn cầu là 180.573 ca. Hơn một nửa số trường hợp nhiễm mới này thuộc về các nước Mỹ, Mexico, Brazil, Chile và Peru, tổng cộng đạt 94.855 trường hợp xác nhận dương tính mới trong ngày 25/6.

Mỹ có thể chưa qua đỉnh dịch

Tính đến tối ngày 26/6, Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới với hơn 2,5 triệu ca nhiễm và ít nhất 126.000 ca tử vong khi nhiều bang dần nới lỏng phong tỏa và mở cửa kinh tế trở lại.

Đại dịch COVID-19 có thể chưa đạt đỉnh tại Mỹ - Ảnh 2.

Qua quan sát biểu đồ, có thể thấy các điểm nóng xuất hiện gần như cùng thời điểm với ổ dịch tại Mỹ (chênh lệch chỉ một vài tuần) như Italy, Đức và Tây Ban Nha đều báo cáo số ca nhiễm mới lao dốc kể từ đỉnh dịch hồi tháng 4

Trong khi đó, Mỹ từng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục vào tháng 4, sau đó chỉ giảm nhẹ rồi đến tháng 6 lại tăng vọt trở lại. Điều này cho thấy đại dịch COVID-19 tại Mỹ vẫn chưa đạt đỉnh. 

Theo tin từ CNBC, một số bang tại Mỹ tiếp tục báo cáo số ca nhiễm COVID-19 và tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cao kỉ lục trong ngày 26/6. Dưới tình hình này, hai bang Texas và Florida đã hành động mạnh mẽ để giảm tốc độ lây lan của đại dịch.

Theo đó, chính quyền bang Texas đã hoãn kế hoạch mở cửa kinh tế, đóng cửa toàn bộ quán bar và giới hạn công suất hoạt động của các nhà hàng ở mức 50%.

Còn chính quyền bang Florida cấm người dân đến uống rượu tại các quán bar sau khi số ca xác nhận nhiễm mới theo ngày lại lập kỉ lục mới. Los Angeles Times đưa tin, bang Florida đã báo cáo 111.724 ca dương tính với COVID-19 kể từ tháng 3, đáng chú ý là 1/5 số ca nhiễm chỉ vừa công bố trong tuần này.

Ở diễn biến khác, Thống đốc Gavin Newsom của bang California hôm 26/6 đã công bố một trang web mới có tên safemakingca.org giúp kết nối các nhà sản xuất với doanh nghiệp cần thiết bị bảo hộ như khẩu trang cho nhân viên.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh bang này ghi nhận tỉ lệ nhập viện do COVID-19 tăng 3,3% so với một ngày trước. Ông Newsom cho biết tỉ lệ tử vong tại bang California sẽ tăng trong hai tuần tới và người trẻ cũng sẽ đổ bệnh.

CNBC dẫn lời Thị trưởng London Breed của thành phố San Francisco hôm 26/6 cho hay thành phố sẽ tạm thời trì hoãn việc mở cửa lại theo kế hoạch vào ngày 29/6 do số ca nhiễm mới tại California tiếp tục tăng.

Dựa theo biến động về số ca nhiễm mới trung bình so với tuần trước, thì tính đến ngày 25/6, California là một trong 35 tiểu bang có lượng bệnh nhân mới tăng từ 5% trở lên.

Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) thông tin: "Trong số các phương pháp để ngăn chặn tốc độ lây lan của COVID-19, kiểm tra lịch sử dịch tễ của bệnh nhân đang không mang lại hiệu quả".

Ông Fauci khuyến nghị các bang không nên mở cửa trở lại nếu không có khả năng xét nghiệm sâu rộng và tra dấu dịch tễ của bệnh nhân. Vị chuyên gia cấp cao này cảnh báo số ca nhiễm mới sẽ tăng vọt ở các khu vực như Nam và Tây Mỹ, và cuối cùng nước Mỹ sẽ "chứng kiến nhiều người tử vong hơn". 

Trước đó, hôm 23/6, Tiến sĩ Anthony Fauci đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều khu vực trên khắp cả nước đang ghi nhận số ca nhiễm COVID mới "cao khủng khiếp".

Điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, ông Fauci nói: "Trong khi số ca nhiễm mới tại New York - một trong các tiểu bang từng bị thiệt hại nghiêm trọng khi đại dịch mới đổ bộ đến Mỹ, đang giảm xuống thì các bang khác lại đang chứng kiến nhiều trường hợp dương tính mới, cho thấy đại dịch lây lan mạnh trong cộng đồng".

"Đây là một vấn đề mà tôi rất quan ngại", ông Fauci nói trước các nhà lập pháp Hạ viện.

Khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh ở Mỹ vào tháng 4, Tiến sĩ Fauci cho biết trung bình mỗi ngày Mỹ xác nhận thêm 30.000 ca nhiễm mới trước khi giảm xuống khoảng 20.000 ca mỗi ngày.

"Hiện tại, số ca bệnh mới đang tăng trở lại. Chỉ vài ngày trước, có đến 30.000 ca mới mỗi ngày. Tôi đang rất đau đầu trước tình hình này", ông Fauci cho hay.

Các chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại rằng đại dịch COVID-19 suy yếu trong suốt mùa hè có thể bùng phát mạnh mẽ trở lại vào mùa thu khi kết hợp cùng dịch cúm mùa.

Theo dữ liệu từ mô hình mô phỏng đại dịch của Đại học Washington (Seattle), Mỹ có thể ghi nhận tổng cộng khoảng 180.000 ca tử vong vào đầu tháng 10 năm nay.

Trong tuần này, ông Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đã kêu gọi người dân nên tiêm phòng cúm mùa vì virus cúm mùa và virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đều sẽ tạo ra "gánh nặng lớn" cho hệ thống y tế Mỹ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-benh-o-nhieu-nuoc-da-giam-sau-so-ca-nhiem-moi-cua-my-van-cao-lien-tuc-may-thang-qua-20200626234945662.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/