Để Việt Nam thành nước thu nhập cao, tăng trưởng GDP và năng suất lao động phải tăng bao nhiêu?

Việt Nam muốn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng GDP theo giá so sánh phải đạt gần 7% mỗi năm. Ngoài ra, theo WB, chuyển sang mức thu nhập cao đòi hỏi phải có năng suất lao động cao hơn.

Theo báo cáo Đánh giá Thực trạng Nghèo và Bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – từ Chặng đường cuối đến Chặng đường Kế tiếp của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), Việt Nam muốn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng GDP theo giá so sánh phải đạt gần 7% mỗi năm. Ngoài ra, chuyển sang mức thu nhập cao đòi hỏi phải có năng suất lao động cao hơn.

Báo cáo cho biết Ttrong điều kiện tỷ lệ tham gia lao động và tỷ lệ có việc làm không thể tăng nhiều so với giai đoạn 2012-2018 và trong điều kiện dân số tiếp tục già hóa theo dự báo, số lượng lao động sẽ giảm và năng suất của những người đang làm việc sẽ cần được tăng lên mới có thể duy trì tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế từ năm 1991 đến năm 2018 của Việt Nam là 5,6%/năm. WB nhận định tốc độ đó cần được nâng lên mức 6,7% từ nay đến năm 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao.

Để đạt được mức đó, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần tăng từ 5,3% mỗi năm trong giai đoạn 2012–2018 - mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua - lên 6,6% mỗi năm, nghĩa là có mức gia tăng khoảng 20% mỗi năm.

Với tốc độ tăng được duy trì như từ năm 2012 đến năm 2018, Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, nhưng sẽ vẫn còn thiếu khoảng 4.000 USD so với mức thu nhập cao.

 

Lưu ý: Cả hai giai đoạn dự kiến đều sử dụng tổng dân số và dân số trong độ tuổi lao động dự kiến của Liên hợp quốc, đồng thời giữ nguyên tỷ lệ việc làm và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Đường cơ sở sử dụng tăng trưởng năng suất lao động bình quân 2012–2018; HIC sử dụng mức tăng trưởng cần thiết để đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045. Mức thu nhập được chuyển đổi từ GNI bình quân đầu người sang GDP bình quân đầu người dựa trên tỷ lệ năm 2018 của cả hai chỉ số ở Việt Nam. (Nguồn: Tính toán của WDI và Ngân hàng Thế giới).

Cũng theo báo cáo, trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc và sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới bên ngoài.

GDP bình quân đầu người (tính theo giá cố định bằng USD năm 2015) tăng từ 481 USD năm 1986 lên 2.655 USD vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,2 USD/ngày tính theo Ngang giá Sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho năm 2019, 5,7% người Việt Nam được phân loại là nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/de-viet-nam-thanh-nuoc-thu-nhap-cao-tang-truong-gdp-va-nang-suat-lao-dong-phai-tang-bao-nhieu--202242812264196.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/