Đầu tư công vẫn như ngựa bất kham

Lý do cơ bản để sửa Luật Đầu tư công là do “khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”. Thực tế có như vậy?

dau tu cong van nhu ngua bat kham Chính phủ sửa Luật đầu tư công, trình Quốc hội vào cuối năm

Sức ép từ nhiều phía dường như đang đặt lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý vốn đầu tư công. Chỉ vỏn vẹn chưa đến 3 năm sau khi Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực, cơ quan này đã phải làm hồ sơ để xin Quốc hội sửa luật với lý do cơ bản nhất là “khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”.

Không ít lần, người ta chê luật này đã hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, làm khó cho các cơ quan trung ương và địa phương, làm tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn luôn thấp so với kế hoạch, gây ảnh hưởng không tốt cho phát triển kinh tế.

Những nhận xét trên đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như của các cơ quan bên ngoài nghe có vẻ thuyết phục nhưng thực ra lại là cảm tính. Giải ngân đầu tư công của Việt Nam, kể cả trước và sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực đầu năm 2015, chưa bao giờ thấp so với kế hoạch.

Có thể trong quý này hay quý khác, tỷ lệ giải ngân đạt thấp nhưng tổng kết cả năm, tỷ lệ giải ngân luôn luôn vượt cao so với con số được Quốc hội phê duyệt.

Ví dụ, năm 2015, năm đầu tiên Luật Đầu tư công có hiệu lực, chi đầu tư phát triển được quyết toán lên tới 308.853 tỷ đồng, tăng 83.853 tỷ đồng (tăng 37,3%) so với dự toán là 225.000 tỷ đồng, theo Báo cáo Quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015.

Trong khi đó, năm 2016, chi đầu tư phát triển được quyết toán là 296.451 tỷ đồng, tăng 41.501 tỷ đồng (tăng 16,3%) so với dự toán toán là 254.950 tỷ đồng, theo Báo cáo Quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2016.

Như vậy có thể thấy, trong 2 năm liên tục sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, chi đầu tư vẫn như “ngựa bất kham” chứ hoàn toàn không có tình trạng “khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện”, như Bộ báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp trên: “Lần họp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi sẽ cung cấp số liệu cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do Luật”.

dau tu cong van nhu ngua bat kham
Dự án Bến Thành - Suối Tiên có quy mô vốn lên đến hơn 47.000 tỷ đồng, thuộc dự án trọng điểm quốc gia nhưng chưa được Quốc hội phê duyệt.

Nhận xét của bà Ngân rõ ràng có đầy đủ cơ sở dựa trên các số liệu ngân sách đã quyết toán. Nếu luật khó triển khai thì các bộ, ngành và địa phương không thể giải ngân vượt quá lớn so với các chỉ tiêu chi đầu tư phát triển của Quốc hội.

Vì thế nhận định, Luật Đầu tư công gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện và vì thế phải sửa đổi là không sát với tình hình giải ngân thực tế trong hai năm ngân sách đã được quyết toán.

Chủ tịch Kim Ngân nói thêm: “Không phủ nhận việc Luật Đầu tư công còn một số vấn đề bất cập cần sửa nhưng nếu đổ thừa hết do Luật thì không đúng. Tôi bảo vệ quan điểm này”.

Một trong những ví dụ cơ bản là dự án metro Bến Thành - Suối Tiên. Tổng mức đầu ban đầu của dự án hơn 17,3 nghìn tỷ đồng năm 2007 đã tăng thành 47,3 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng) đến năm 2011.

Theo quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở, thì dự án này lẽ ra phải được thông qua ở Quốc hội để còn cân đối nguồn vốn của ngân sách nhà nước.

Vậy mà dự án khổng lồ này đã được khởi công xây dựng, bỏ qua thủ tục cần thiết đó, để đến nay nó gặp bế tắc về rất nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là nguồn vốn.

Lẽ ra Luật Đầu tư công cần phải khắc phục tình trạng vô kỷ luật mang tầm cỡ quốc gia như trên bằng những quy định, thủ tục chặt chẽ hơn. Đáng tiếc là dự thảo sửa đổi lại nâng trần các dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ mức 10.000 tỷ đồng hiện tại lên mức 35.000 tỷ đồng.

Tất nhiên là những tiếng nói ở Quốc hội đã không đồng tình với đề nghị này. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi này là “chưa đủ căn cứ” và đề nghị “giữ nguyên tiêu chí” về tổng mức đầu tư như Luật hiện hành.

Một ví dụ khác, phạm vi khung thời gian để xác định nợ xây dựng cơ bản được nới rộng hơn, từ hằng năm thành trung hạn 3 năm cuốn chiếu và 5 năm. Nợ đọng xây dựng cơ bản từng là vấn đề đại sự nhiều năm trước đây, dần được giải quyết sau khi có Luật, mà nay lại được “nới” thì tình trạng nợ đọng tràn lan sẽ có nguy cơ lặp lại trong thời gian tới.

Đầu tư công là một trong các trụ cột kinh tế phải được cơ cấu lại để nâng cao chất lượng tăng trưởng và tránh được sự manh mún, lãng phí, thậm chí là chia chác, bòn rút. Người ta từng hi vọng, Luật Đầu tư công sẽ giúp đặt ra hành lang pháp lý cho lộ trình đó.

Thật đáng tiếc, các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố những năm gần đây cho thấy tình trạng vẫn không được cải thiện.

Ví dụ như chuyện phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chưa căn cứ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác , phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn, có trường hợp phê duyệt vượt định mức;…

Bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận: tình trạng lãng phí, thất thoát, chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSNN trong một số trường hợp chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Những bất cập này rõ ràng cần phải được xử lý kịp thời, và Luật Đầu tư công hiện hành đã đủ chế tài để khắc phục. Vấn đề là những người thực thi công vụ có làm hay không.

Chỉ có điều, phía sau những bất cập trên là hàng trăm dự án đầu tư công trị giá hàng ngàn hay hàng chục ngàn tỷ đồng, mà tất cả đều là tiền thuế của dân hay tiền bán tài nguyên quốc gia.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dau-tu-cong-van-nhu-ngua-bat-kham-90832.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/