Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế lấy gì để tăng tốc?

Hàng nghìn tỷ USD đang bị giam hãm trong các bất động sản vô dụng, khiến cho nguồn lực để Trung Quốc phát triển thêm eo hẹp. Ngay cả khi thị trường nhà đất không suy thoái, nền kinh tế tỷ dân vẫn phải phải chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo mà giá nhà quá cao gây ra.

Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 1.

Một trong những video hài hước được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội những năm gần đây là clip quảng cáo của hãng gọi xe Didi. Video lấy bối cảnh một chàng trai với ngoại hình khiêm tốn ra mắt nhà bạn gái.

Để lấy lòng nhạc phụ và nhạc mẫu tương lai, chàng trai đã phải phô ra nhiều món đồ xa xỉ, nào là giấy chứng nhận từ một trường đại học danh giá, ảnh chụp cảnh bắt tay cùng tỷ phú Jack Ma (thời mà Jack Ma chưa dính vạ miệng), chìa khóa xe hơi đắt tiền, thẻ tín dụng cao cấp và đặc biệt là 4 tấm sổ đỏ được chàng trai phát ra cho nhà gái chẳng khác gì thực đơn của nhà hàng.

Nam thanh niên Trung Quốc mang theo 4 sổ đỏ đi ra mắt cha mẹ bạn gái. (Video: LookHear Chanel).

Nội dung của video này không nói quá, hoặc nếu quá thì cũng không nhiều.

Chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng từ năm 1980 cùng với tâm lý trọng nam khinh nữ đã dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng. Số lượng nam giới lớn kéo theo nhu cầu lấy vợ lớn, trong khi nguồn cung phụ nữ lại khan hiếm.

Năm 2020, chênh lệch giữa số nam giới và nữ giới tại Trung Quốc là hơn 30 triệu người, chỉ riêng khoảng chênh lệch này đã lớn hơn toàn bộ dân số của Australia. Tình trạng mất cân đối đặc biệt nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây.

Năm 2019, nhóm tuổi từ 10 đến 14 có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất, trung bình số trẻ em nam trên trẻ em nữ là 119,1/100. Ở nhóm tuổi từ 15-19, tỷ lệ là 118,4/100.

Sự bất cân đối cung – cầu này làm cho "giá" của phụ nữ vọt lên rất cao. Nam thanh niên muốn cưới vợ phải chuẩn bị rất nhiều lễ vật. Một căn nhà không phải là điểm cộng mà là điều kiện tiên quyết chỉ để lọt qua vòng gửi xe.

Thứ tự "Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà" rõ ràng không thể áp dụng được tại Trung Quốc ngày nay.

Để tăng xác suất thành công trên con đường tình duyên của bản thân hoặc cho con trai của mình, nhiều người mua hai hoặc ba căn hộ, đẩy giá bất động sản lên cao.

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 2.

Một nghiên cứu của Đại học Birmingham kết luận rằng ở các khu vực thiếu phụ nữ trầm trọng, những gia đình Trung Quốc với ít nhất một con trai tuổi đời từ 25 trở lên sẽ có xác suất mua thêm nhà cao hơn 5 điểm %.

Ở các khu vực mà tình trạng mất cân bằng giới tính không nghiêm trọng, việc có con trai ở độ tuổi 13-24 hoặc từ 25 trở lên lại dẫn tới xác suất mua ngôi nhà thứ 2 hoặc thứ 3 giảm đi.

Các tác giả cho rằng nếu mức độ cạnh tranh khi chọn bạn đời thấp, các bậc cha mẹ sẽ ưu tiên dùng tiền để đầu tư cho giáo dục thay vì mua nhà. Quả thực, chi tiêu cho giáo dục ở các khu vực ít chênh lệch nam/nữ thấp hơn 5,3% so với trung bình cả nước.

Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 4.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu một câu nổi tiếng: Nhà là nơi để sống, không phải công cụ để đầu cơ. Trong thực tế, người dân tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại không coi nhà chỉ là nơi để ở.

Theo một số ước tính, tỷ lệ sở hữu nhà của Trung Quốc lên tới trên dưới 90%, khoảng 20% số gia đình của nước này sở hữu nhiều hơn một căn nhà.

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 3.

Giá nhà ở Trung Quốc không hề rẻ khi xét theo thu nhập của người dân. Một người sống tại các thành phố sầm uất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến có thể phải tích cóp 40 năm mới đủ tiền mua một căn hộ.

Nhiều người từ bỏ mọi khoản chi tiêu không thiết yếu để tiết kiệm tiền, vay mượn thêm gia đình, bạn bè, ngân hàng, ... để mua nhà.

Ham muốn lập gia đình và duy trì nòi giống là động lực rất lớn nhưng không phải lý do duy nhất mà người Trung Quốc mua nhà.

Các học giả ước tính căn nhà chiếm khoảng 70% tài sản ròng của một hộ gia đình Trung Quốc. Nhà cửa không chỉ là nơi để ở và là một phương tiện để đi đến hôn nhân mà còn là một công cụ để đầu tư.

Trung Quốc thực thi các chính sách kiểm soát dòng vốn nghiêm ngặt, tiền rất khó đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư cổ phiếu trong nước bị cho là quá rủi ro, trái phiếu đem về lợi suất quá thấp, bất động sản vì vậy trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.

Thực tế trong hai thập kỷ vừa qua, giá nhà của Trung Quốc đi lên khá vững chắc, thể hiện vai trò công cụ đầu tư và phòng ngừa lạm phát hiệu quả.

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 4.

Những dự án có hàng nghìn căn hộ được đặt mua hết chỉ sau vài giờ mở bán. Nhiều người còn mua nhà từ trước khi dự án khởi công, hay còn gọi là mua nhà hình thành trong tương lai. Kiểu giao dịch này tất nhiên rất rủi ro cho bên mua. Lỡ như công ty bất động sản có mệnh hệ gì, người mua sẽ có nguy cơ mất tiền mà không nhận được nhà.

Trong cuộc khủng hoảng Evergrande mới đây, các chuyên gia ước tính tập đoàn bất động sản khổng lồ này đã nhận tiền của 1,6 triệu người mua nhưng chưa hoàn thiện nhà nên chưa thể bàn giao.

Vì nhu cầu lớn hơn cung, người mua vẫn sẵn sàng chồng tiền, bất chấp rủi ro tiềm ẩn. Việc thuế suất bất động sản bằng 0 của Trung Quốc càng khiến cho động lực mua nhà thêm mạnh mẽ.

Từ năm 2011, hai thành phố Thượng Hải và Trùng Khánh đã thí điểm thuế suất 0,4% - 1,2% mỗi năm đối với các bất động sản cao cấp hoặc ngôi nhà thứ 2.

Năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn áp thuế với bất động sản trên toàn quốc để tăng nguồn thu cho nhà nước cũng như ghìm cương giá nhà. Tuy nhiên tháng 10 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc chỉ quyết định tiếp tục thí điểm ở 5 thành phố lớn, trong đó nhiều khả năng có Thâm Quyến, Hàng Châu và Hải Nam.

Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 7.

Năm 1969, Trung Quốc và Liên Xô (cũ) xung đột quân sự gay gắt ở khu vực biên giới, hàng trăm binh sĩ hai bên thiệt mạng. Chủ tịch Mao Trạch Đông lo sợ giữa hai cường quốc có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân nên đã chỉ đạo xây dựng một hệ thống hầm trú ẩn đồ sộ dưới lòng đất Bắc Kinh.

Sau 10 năm lao động cực nhọc, Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống hầm tránh bom này. Tuy nhiên quan hệ Trung – Xô vào năm 1979 đã cải thiện rõ rệt, nỗi lo tấn công hạt nhân đã rời xa.

Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đã qua đời, người lãnh đạo Trung Quốc mới là Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã chỉ đạo thương mại hóa hệ thống hạ tầng trong lòng đất. Các khu chợ, văn phòng và nhà nghỉ được tổ chức trong các hầm trú ẩn bên dưới đường phố Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, các hầm tránh bom hạt nhân cũ này được dùng làm nhà ở cho các lao động nghèo từ những địa phương khác tới.

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 5.

Cô gái 21 tuổi Liu Jing ngồi trong căn phòng dưới lòng đất Bắc Kinh, quần áo treo ngay trên đầu vì không còn chỗ nào khác để cất. (Ảnh: Sim Chi Yin/VII)

Theo ước tính, có khoảng 1 triệu người thường trú trong các căn phòng tí hon dưới lòng đất thủ đô. 

Luật pháp Trung Quốc không cho phép ở lâu dài dưới đất nhưng các quan chức địa phương vẫn thường nhắm mắt làm ngơ.

Trong khi đó ở trên mặt đất, khoảng 20% số căn hộ ở Bắc Kinh không có người ở. Theo một nghiên cứu của các tác giả tại Đại học Liêu Ninh năm 2020, tỷ lệ nhà bỏ không ở Thượng Hải và Quảng Châu lần lượt là 16% và 16,8%, Thâm Quyến là 15%.

Trên toàn Trung Quốc, tỷ lệ nhà bỏ không rơi vào khoảng 20%, tương đương trên 65 triệu căn.

Trong khi đó, hàng triệu người đang hoàn toàn vô gia cư, hàng triệu người khác phải sống trong "những chiếc hộp không cửa sổ" ngột ngạt dưới lòng đất. Đây chính là một trong những thất bại của cơ chế thị trường nhà ở.

(Một số ước tính cho rằng tỷ lệ nhà trống rỗng lên tới 40-50%, tương đương 130 triệu căn. Tuy nhiên chỉ cần mức 20% mà truyền thông nhà nước Trung Quốc thường trích dẫn cũng đã đủ để cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề).

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 6.

Trung Quốc có hàng triệu người không có nhà ở, đồng thời có hàng chục triệu căn nhà không có người ở. (Ảnh minh họa: AFP/Getty Images)

Những con số bất cập nói trên không hoàn toàn gây bất ngờ. Người dân Trung Quốc hiện đại không biết thuật phân thân như nhân vật Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết của La Quán Trung. Mỗi người tại mỗi thời điểm chỉ có thể ở một nơi. Nếu mỗi người mua ba căn nhà thì hiển nhiên sẽ có hai căn bỏ trống.

Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 10.

Theo lý thuyết kinh tế vĩ mô căn bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi quốc gia bao gồm 4 thành tố: GDP = C + I + G + NX.

Trong đó C là Consumption tức là tiêu dùng của hộ gia đình; I là Investment, tức là đầu tư của doanh nghiệp; G là Government Spending, tức chi tiêu của chính phủ; và NX là Net export, tức xuất khẩu ròng, hay xuất khẩu trừ đi nhập khẩu.

Trong khoảng 30 năm từ 1980 đến 2010, Trung Quốc đạt những bước tiến kinh tế thần tốc dựa vào đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng mô hình tăng trưởng nhờ hàng xuất khẩu này không thể được duy trì mãi.

Khi nền kinh tế mạnh lên, thu nhập của người dân cao hơn, chi phí đầu vào của quá trình sản xuất tăng, hàng hóa Trung Quốc không còn sức cạnh tranh với các nước đi sau như Việt Nam, Bangladesh, Philippines, …

Thúc đẩy đầu tư là lựa chọn tiếp theo. Vào năm 2010 và 2011, đầu tư đóng góp 47% GDP của Trung Quốc, mức cao nhất trong lịch sử.

Tương tự như với xuất khẩu, đầu tư cũng không thể làm động lực tăng trưởng mãi. Ban đầu, việc rót tiền vào các công trình cầu cống, đường xá, bệnh viện, nhà máy, … mang lại lợi ích rất lớn. Dần dần, các dự án có hiệu quả cao không còn nữa, tác động của đầu tư trở nên bão hòa.

Nếu cứ tiếp tục rót tiền sẽ dẫn tới sự lãng phí như xây đường đến vùng đất hoang, xây cầu mà không có ai đi, …

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 7.

Chi tiêu của chính phủ cũng không phải giải pháp bền vững do vướng các hạn mức về thuế khóa và trần nợ.

Tiêu dùng hộ gia đình (C) là nguồn lực lớn nhất trong các nền kinh tế phát triển và là cỗ máy tăng trưởng mà Trung Quốc đang cố điều khiển.

Thay vì làm công xưởng sản xuất cho thế giới tiêu dùng như trước đây, Trung Quốc đang tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu khổng lồ của 1,4 tỷ dân trong nước.

Năm 2019 và 2020, tiêu dùng hộ gia đình đóng góp 68% GDP của Mỹ, tỷ lệ này ở Trung Quốc là chưa đầy 40%.

Vấn đề là dân Trung Quốc không chịu chi tiêu, ít nhất là không chi tiêu nhiều như chính phủ mong muốn. Tỷ lệ tiết kiệm của đất nước tỷ dân thuộc nhóm cao nhất thế giới, vượt xa các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức, Pháp cũng như các nước hàng xóm như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, …

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 8.

Đến khi dân Trung Quốc quyết định rút hầu bao, tiền lại chủ yếu chảy vào nhà ở, mua căn nhà đầu tiên, rồi đến căn thứ 2, thứ 3, …

Theo ước tính của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, hàng triệu ngôi nhà bỏ không đang giam hãm 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.500 tỷ USD) nguồn vốn tín dụng, tương đương 10% GDP hàng năm của đất nước tỷ dân.

Tiền mắc kẹt ở các công trình bất động sản hoang vắng chính là tiền không thể đi vào các lĩnh vực khác, có ích hơn cho xã hội.

Thử tưởng tượng Trung Quốc có thể đạt được những thành tựu to lớn gì nếu 1.500 tỷ USD kia được dùng để phát triển nông nghiệp, công nghệ thông tin, nghiên cứu chip bán dẫn, mạng 6G, AI, …

Việc giá nhà cao chót vót và người thành thị tích cực đầu cơ còn cản trở dòng chảy nhân lực của Trung Quốc.

Nước Mỹ trở nên lớn mạnh như ngày nay một phần nhờ người tài từ nhiều quốc gia vượt đại dương di cư tới. Còn Trung Quốc đạt được vị trí siêu cường là nhờ hàng trăm triệu lao động di cư từ nông thôn ra thành thị với giấc mơ đổi đời.

Khi giá nhà thành phố cao tới mức không tưởng, nhiều người sẽ thà bám trụ ở quê nhà còn hơn ra nơi đô thành để sống chui rúc trong các khu ổ chuột hay dưới hầm tránh bom xây từ thế kỷ trước.

Dân Trung Quốc ném tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế biết lấy gì để tăng tốc? - Ảnh 9.

Giá nhà ở TP HCM và Hà Nội cũng thuộc vào nhóm rất cao so với thu nhập.

Ngoài ra, tấm hộ khẩu tỉnh lẻ đồng nghĩa với việc lao động nông thôn rất khó tiếp cận bảo hiểm y tế ở các thành phố lớn, con cái cũng khó đi học vì trái tuyến. Đây cũng là những nguyên nhân khiến quá trình đô thị hóa của Trung Quốc chậm lại trong những năm gần đây.

Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện tình trạng nông thôn hóa, tức là người dân bỏ phố về quê, một phần do ảnh hưởng của đại dịch.

Thống kê chính thức cho thấy trong năm 2020, số người quay về các vùng quê để lập nghiệp tăng 1,6 triệu so với năm 2019. Một nửa số dự án khởi nghiệp tập trung vào việc livestream và các phương thức bán hàng online khác.

Trong khi đó, ở các ngành giá trị cao như bán dẫn, giới lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo tình trạng thiếu nhân lực. Tháng 4 năm nay, Đại học Thanh Hoa danh giá (nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng theo học) đã lập ra một trường chuyên đào đạo về chip.

Tình trạng thiếu nhân tài dẫn đến tình trạng một bộ phận lao động tay nghề cao liên tục nhảy việc giữa các công ty, tùy thuộc vào nơi nào đưa ra đãi ngộ hấp dẫn hơn. Có thể nói đô thị hóa chậm lại đã làm cho đoàn tàu kinh tế Trung Quốc mất đi một động cơ quan trọng. 

Và đó chỉ là những hệ lụy khi giá nhà duy trì ở mức cao hoặc tiếp tục tăng. Nếu thị trường bất động sản sụp đổ vì Evergrande, vì một sắc thuế mới hay bất kỳ lý do nào khác, tổn thương với nền kinh tế sẽ còn đau đớn hơn nhiều.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dan-trung-quoc-giam-tien-vao-65-trieu-can-nha-hoang-nen-kinh-te-lay-gi-de-tang-toc-20211112171008519.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/