Đã có quốc gia đầu tiên đóng cửa tất cả thị trường chứng khoán, tài chính vì đại dịch COVID-19

Quyết định cho ngừng mọi giao dịch chứng khoán và tài chính của Philippines có hiệu lực từ ngày 17/3. Một số nhà phân tích ủng hộ động thái trên của Philippines, kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự.

Philippines trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường chứng khoán vì COVID-19 - Ảnh 1.

Cảnh sát Philippines chặn xe cộ tại một trạm kiểm soát trên cầu Makati-Mandaluyong trong giờ giới nghiêm ở Metro Manila, ngày 16/ 3. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg đưa tin Philippines đã cho ngừng mọi giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và ngoại hối tại nước này cho đến khi chính phủ ra thông báo tiếp theo.

Philippines trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa mọi thị trường chứng khoán và tài chính dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán tại nhiều nước thường xuyên lao dốc do nhà đầu tư lo rằng COVID-19 sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Ngày càng có nhiều dự đoán rằng các nước khác có thể sẽ thực hiện biện pháp tương tự như Philippines.

Theo Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia và Hiệp hội Ngân hàng Philippines, quyết định đóng cửa thị trường bắt đầu có hiệu lực từ 17/3.

Trước đó, hôm 16/2, Tổng thống Rodrigo Duterte đã mở rộng lệnh phong tỏa kéo dài một tháng đối với thủ đô Manila tới toàn bộ đảo Luzon – hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất của Philippiness. Ít nhất 57 triệu người đã bị đặt dưới lệnh cách li này.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tại Philippiness, virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho ít nhất 140 người và làm 12 người thiệt mạng.

Philippines trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường chứng khoán vì COVID-19 - Ảnh 2.

Chỉ số Sàn giao dịch Chứng khoán Philippines giảm sâu hơn 31% trong những phiên gần đây.

Tính từ đầu năm, chứng khoán Philippines đã lao dốc hơn 31%, trở thành thị trường sụt giảm sâu nhất tại châu Á.

Chiến lược gia Manny Cruz tại công ty chứng khoán Papa Securities nhận xét: "Lệnh đóng cửa này chặn đứng lối thoát khỏi thị trường chứng khoán. Do đó, những nhà đầu tư không thích dòng tiền của họ bị trói buộc sẽ chẳng vui vẻ gì khi nhận thông tin này".

"Phản ứng của thị trường Philippines một khi hoạt động giao dịch được nối lại phụ thuộc vào tình trạng của thị trường tài chính toàn cầu. Nếu thị trường toàn cầu tiếp tục hoạt động yếu kém thì sẽ xảy ra một đợt bán tháo ồ ạt. Nếu ngược lại, thị trường Philippines có thể sẽ bật tăng mạnh mẽ".

Đóng cửa thị trường là việc rất hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không có tiền lệ. Sau vụ khủng bố 11/9, thị trường chứng khoán Mỹ đã đóng cửa gần một tuần. Hong Kong ngừng hoạt động giao dịch sau sự kiện "Ngày thứ Hai đen tối" năm 1987. Năm 2015, thị trường chứng khoán Hy Lạp đóng cửa trong 5 tuần.

Một số nhà phân tích cho rằng một vài quốc gia, bao gồm Mỹ nên cân nhắc đóng cửa thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các sàn giao dịch và các nhà quản lí thị trường trên thế giới đã thẳng thừng gạt bỏ ý kiến trên.

Các sàn giao dịch tại Hàn Quốc và Indonesia nói rằng họ không có ý định ngừng hoạt động giao dịch. Sàn giao dịch chứng khoán Australia nói rằng tổ chức này và các nhà quản lí thị trường Australia "đã vạch ra nhiều biện pháp, một số trong đó đã được thực hiện, để duy trì sự trật tự và khả năng phục hồi của thị trường".

Hôm 16/3, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ Jay Clayton phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CNBC rằng các thị trường chứng khoán nên tiếp tục hoạt động.

Trên Bloomberg TV, Chủ tịch Nasdaq Adena Friedman chỉ ra nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp, kết luận rằng "tốt nhất là" nên giữ cho thị trường chứng khoán mở cửa. Theo bà Friedman, việc đóng cửa thị trường có thể sẽ khiến cho "nhiều vấn đề tích tụ lại".

Tối 16/3, Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) gửi thông báo rằng mọi thị trường do Tập đoàn NYSE tổ chức và vận hành sẽ tiếp tục "hoạt động bình thường trong ngày hôm sau".

Chiến lược gia Jonathan Ravelas tại ngân hàng BDO Unibank thì nhận xét: "Tôi nghĩ việc Philippines đóng cửa thị trường là một bước đi khôn ngoan vì thị trường chứng khoán hiện đang trong tình cảnh hỗn loạn".

"Đôi khi việc lùi lại một bước sẽ giúp cho nhà đầu tư bình tĩnh, suy nghĩ lại về chiến lược giao dịch và "tiêu hóa" cơn lũ thông tin dồn dập. COVID-19 là khủng hoảng y tế chứ không phải khủng hoảng kinh tế. Có vẻ như phản ứng của thị trường chứng khoán đã bị phóng đại quá mức". 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/da-co-quoc-gia-dau-tien-dong-cua-tat-ca-thi-truong-chung-khoan-tai-chinh-vi-dai-dich-covid-19-20200317114359389.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/