Cựu Bộ trưởng Larry Summers khuyên thị trường đừng quá lạc quan khi lạm phát hạ nhiệt, bởi suy thoái vẫn rình rập

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers lo lắng rằng các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đang trở nên quá lạc quan sau khi lạm phát tháng 12/2022 chững về mức 6,5%.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers. (Ảnh: Getty Images).

Ông Larry Summers - cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - lo ngại rằng các chuyên gia kinh tế và thị trường đang quá lạc quan sau khi lạm phát tháng 12/2022 hạ xuống mức 6,5%.

Chia sẻ với Bloomberg hôm 13/1, ông nói: “Chúng ta phải cẩn thận với những bình minh giả. Nếu đánh giá kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy tin tốt là lạm phát đã lùi về ngưỡng 6%, nhưng con số này vẫn cao khó tưởng so với hai hoặc ba năm trước”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, vị cựu bộ trưởng còn một lần nữa nhấn mạnh rằng ông tin “suy thoái có khả năng sẽ xảy ra trong năm nay”.

Kể từ tháng 3/2022, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất tổng cộng 7 lần với hy vọng có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Trong suốt khoảng thời gian đó, các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích Phố Wall đã không ngừng tranh luận rằng liệu Fed có thành công hay không.

Ông Summer là một nhà kinh tế thuộc “phe bi quan”. Hồi tháng 10, ông nói với Financial Times rằng Mỹ cần “một cuộc suy thoái” và “tỷ lệ thất nghiệp lên mức 6%” để đảm bảo lạm phát biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, hôm 13/1, ông thừa nhận rằng báo cáo lạm phát mới nhất là “tin tốt” và thông tin này xuất hiện ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn chỉ dao động quanh mức 3,5% trong tháng 12.

Ông nói đây có thể là bằng chứng cho thấy tiền lương không tăng quá mạnh, đồng nghĩa rằng Fed có thể sẽ sớm thay đổi chiến thuật.

Vị cựu bộ trưởng cho hay: “Rõ ràng, khi nhìn vào một số xu hướng gần đây, chúng ta phải thấy rằng Fed đã rất gần đến đích. Và tôi tin nền kinh tế đang có triển vọng xán lạn hơn vài tháng trước, dù đây không phải kịch bản cơ sở của tôi”.

Dù thừa nhận dữ liệu lạm phát tháng 12 là “tin tốt”, ông Summers cho rằng Fed nên tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 2 tới vì áp lực tiền lương vẫn chưa biến mất hoàn toàn.

Thu nhập thực trung bình mỗi giờ (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng 0,4% vào tháng trước, nhích nhẹ so với mức tăng 0,3% của tháng 11 và mức giảm 0,1% của tháng 10.

“Tôi nghĩ quan trọng nhất là Fed kiểm soát được lạm phát và giữ được uy tín của mình”, ông Summers nói. “Do đó, tôi nghĩ còn quá sớm để cân nhắc dừng chu kỳ thắt chặt chính sách ngay bây giờ, nhưng chúng ta đang tiến gần hơn đến ngày đó”.

 

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 9 cùng tờ Fortune, ông Summers giải thích rằng việc tăng lãi suất của Fed giống như thuốc kháng sinh cho nền kinh tế. Nếu Mỹ không dùng thuốc đủ lâu, lạm phát có thể trở thành một vấn đề dài hạn.

Ông cho hay: “Hầu hết chúng ta đều biết rằng khi bác sĩ kê thuốc kháng sinh và bạn ngưng thuốc khi cảm thấy đã khoẻ hơn thay vì dùng hết thuốc, bệnh của bạn có thể sẽ tái phát. Và lần sau có thể sẽ khó chữa trị hơn vì vi khuẩn đã trở nên kháng thuốc hơn”.

Hôm 13/1, ông Summer đã đề cập đến Chỉ số Chi phí Việc làm (ECI), đo lường chi phí trung bình cho mỗi giờ làm việc ở Mỹ, dự kiến công bố ngày 31/1. Ông nói đây sẽ là phép thử thực sự cho Fed và nền kinh tế Mỹ. Ông còn gọi chỉ số này là “thước đo tiêu chuẩn vàng cho chi phí lao động và áp lực tiền lương”.

Trong suốt nhiều tháng, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã nhấn mạnh rằng các quan chức Fed phải làm chậm thị trường lao động và kiếm chế tiền lương tăng lên để ghìm cương lạm phát.

Hồi tháng 6 năm ngoái, ông thậm chí còn nói với các phóng viên rằng có thể mất “5 năm để tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trên mức 5%”. Ông tin ECI sẽ là bài kiểm tra hoàn hảo rằng liệu việc tăng lãi suất đã bắt đầu phát huy tác dụng hay chưa.

Song, các chuyên gia lớn khác của Phố Wall, bao gồm trưởng chiến lược gia thị trường toàn cầu David Kelly của JP Morgan Asset Management, tin rằng Fed đã làm đủ để ngăn chặn lạm phát.

Cùng ngày 13/1, ông Kelly cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản từ nay cho đến tháng 5, nhưng ông hy vọng họ sẽ không quyết định làm như vậy.

“Tôi nghĩ Fed cần phải tạm dừng lại”, ông nhấn mạnh với Bloomberg. “Chống lại lạm phát là một cuộc chiến và họ đã thắng cuộc. Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Tôi nghĩ họ đang khiến vấn đề tài khoá trở nên nghiêm trọng hơn, cho nên Fed cần dừng lại”, ông Kelly lập luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuu-bo-truong-larry-summers-khuyen-thi-truong-dung-qua-lac-quan-khi-lam-phat-ha-nhiet-boi-suy-thoai-van-rinh-rap-2023115171644742.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/