Cuộc khủng hoảng giá dầu do chiến sự Ukraine khơi mào có thể sắp kết thúc

Giá dầu thô đã giảm về mức trước khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra. Vì lẽ này, một số nhà phân tích tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng mà thế giới trải qua hồi năm ngoái có thể đã sắp kết thúc.

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ chiến sự Nga-Ukraine đã sắp đến hồi kết. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Quân đội Nga chính thức tấn công Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, sau đó kích hoạt một cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường hàng hoá và tài chính toàn cầu.

Giá dầu và khí đốt từng nhảy vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, giá than tăng gần 70%, giá lúa mì leo thang hơn 60% và giá các kim loại mà Nga xuất khẩu như nickel, palladium và nhôm đều đi lên đáng kể.

Đồng euro giảm xuống dưới mức ngang giá so với đồng USD, lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ do nhà đầu tư lo ngại rằng chiến sự sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn mà cuộc chiến gây ra có thể đã sắp kết thúc.

Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và thực phẩm đều đã lùi về mức trước chiến sự, trong khi đồng euro đã tăng 7% so với USD trong ba tháng qua.

Đã đến hồi kết?

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng vọt lên gần 130 USD/thùng vào tháng 3 năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi Nga tấn công Ukraine.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới và các lệnh trừng phạt mà phương Tây giáng xuống nước này đã siết chặt nguồn cung, đồng thời kéo giá dầu lên cao.

Tuy nhiên, giá dầu đã hạ nhiệt liên tục kể từ tháng 7 và hiện đang giao dịch quanh mức trước chiến sự là gần 80 USD/thùng, oilprice.com ghi nhận.

Chia sẻ với Yahoo News, ông Jorge Leon, chiến lược gia năng lượng tại Rystad Energy, cho hay: “Nhìn chung, giá dầu đã đi xuống trong những tháng gần đây do lo ngại suy thoái kinh tế và lãi suất gia tăng ở nhiều nền kinh tế phát ttieenr.

Tình hình ở Ukraine xấu đi cũng có thể phát tín hiệu tiêu cực cho thị trường, cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu đang chững lại đáng kể”.

 

Chưa kể, một số nhà đầu tư lo lắng rằng giá dầu còn có thể giảm hơn nữa do diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc.

Hoạt động sản xuất của đất nước tỷ dân đã chậm lại tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 12 vừa qua. Điều này làm tăng khả năng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ suy yếu trong những tháng đầu năm 2023.

“Kinh tế Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong năm 2022 do chính sách Zero COVID quá hà khắc”, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho hay trên một chương trình của đài CBS.

“Lần đầu tiên sau 40 năm, tăng trưởng của nước này có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn mức chung toàn cầu. Điều đó chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trong 3, 4, 5 hoặc 6 tháng tới, khi Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch, số ca nhiễm sẽ tăng mạnh”, bà cảnh báo.

Ngân hàng Credit Suisse cho rằng đà bán tháo trên thị trường năng lượng vẫn chưa kết thúc, đồng nghĩa rằng giá dầu có thể sẽ tiếp tục đi xuống.

 “Giá dầu Brent có khả năng sẽ sụt mạnh hơn nữa...xuống mức 63,02 USD/thùng. Chúng tôi tin rằng đây là mức sàn ổn định hơn và có thể tạo đà để giá đi lên trở lại”, các nhà phân tích của Credit Suisse bày tỏ.

Một tín hiệu khác cho thấy có khả năng giá dầu sẽ còn giảm nữa, đó là thị trường dầu thô giao sau đã bước vào giai đoạn “backwardation” (bù hoãn bán), theo oilprice.com.

Bù hoãn bán xảy ra khi giá giao ngay của một tài sản cao hơn giá được giao dịch trên thị trường tương lai.

Giả sử, giá hợp đồng WTI hôm nay là 60 USD/thùng, nhưng giá giao sau 6 tháng nữa là 55 USD/thùng thì thị trường đã rơi vào tình trạng bù hoãn bán.

Nói một cách đơn giản, bù hoãn bán sẽ xảy ra khi thị trường tin rằng giá hàng hoá trong tương lai sẽ thấp hơn giá giao ngay hiện nay.

Như vậy, tình hình lúc này cho thấy các nhà đầu tư đang tin rằng giá dầu Brent sẽ tiếp tục giảm.

Biến số năm 2023

Dù một số chuyên gia nhận định rằng cú sốc trên thị trường năng lượng - chủ yếu do chiến sự Nga-Ukraine gây ra - đã sắp sửa đi đến hồi kết, các dự báo cho năm 2023 vẫn rất phức tạp.

Một số tin rằng nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể tăng tới 4% nếu thế giới có thể từ bỏ hoàn toàn các hạn chế COVID.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ Pierre Andurand nhận định, nhu cầu dầu có thể tăng 3 - 4 triệu thùng/ngày trong năm nay, khi các nước chuyển từ tiêu thụ khí đốt sang dầu mỏ.

Một số khác còn cho rằng những cơn gió ngược đã cản đà tăng của dầu thô trong năm ngoái, như chính sách Zero COVID của Trung Quốc và việc phương Tây phối hợp xả kho dự trữ sẽ không diễn ra trong năm 2023.

Cùng với các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, nhóm các nhà phân tích này dự đoán giá dầu có thể sẽ tăng lên.

Riêng ông Andurand cũng dự đoán rằng ngành năng lượng sẽ tiếp tục vượt trội so với các nhóm ngành khác trên thị trường chứng khoán, do nhu cầu đối với cổ phiếu dầu khí đang rất cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-khung-hoang-gia-dau-do-chien-su-ukraine-khoi-mao-co-the-sap-ket-thuc-202315152321622.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/