Cuộc đua tam mã trong ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam

Sau đại dịch, các chuỗi bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam như An Khang, Pharmacity, Long Châu,... được hưởng lợi nhờ thói quen chi tiêu cũng như sinh hoạt của người dân dần thay đổi.

Trong suốt hai năm đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành tại Việt Nam, số lượng cửa hàng thuốc được mở mới cũng tăng lên.

Theo Asia Nikkei, số lượng hiệu thuốc do ba chuỗi nhà thuốc của Việt Nam điều hành đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019 khi người dân cả nước đã có ý thức hơn về sức khỏe so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Trong một chuyến đi gần đây đến một cửa hàng thuốc Long Châu trên địa bàn TP Hàn Nội, một người phụ nữ được Asia Nikkei khảo sát đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bảng giá thuốc chữa bệnh ho. Người nhân viên văn phòng 35 tuổi này cho biết: “Mức giá của các loại thuốc này giảm một nửa so với mức giá thông thường. Tôi thực sự có thể mua được nó với mức giá rẻ như thế này không?"

Cô cho biết bản thân thường mua thuốc ho tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tại chuỗi nhà thuốc này, nhiều sản phẩm được bán giảm giá, và thậm chí chuỗi này còn áp dụng việc tích điểm khi mua hàng. Người phụ nữ cho biết đó là những lý do sẽ khiến cô quay trở lại chuỗi nhà thuốc này trong tương lai.

Một cửa hàng Long Châu tại Việt Nam. (Ảnh: Asia Nikkei).

Các cửa hàng Mom-and-pop (thuật ngữ để miêu tả một doanh nghiệp nhỏ, độc lập hoặc thuộc sở hữu gia đình) đã từng là địa chỉ mua bán thuốc phổ biến ở Việt Nam, được biết đến với các dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo. Tuy nhiên, họ cũng được biết đến với một hệ thống định giá không rõ ràng, thường buộc người mua phải mua thuốc với các mức giá được “mặc cả” giữa người mua và người bán.

Bên cạnh đó, một số cửa hàng bán thuốc theo hình thức truyền thống này có thể thay đổi nhãn trên các sản phẩm. Những yếu tố này đã dẫn đến mức độ hài lòng của khách hàng đối với các cửa hàng bán lẻ dược phẩm kiểu mới.

Các chuỗi mới có thể tham gia và đưa ra những mức giá nhất quán, cũng như giá thấp hơn khi họ tìm cách cạnh tranh với các đối thủ. Các chuỗi này cũng tích cực tham gia vào thị trường thương mại điện tử bằng các hình thức bán online.

“Tôi có thể yên tâm mua thuốc tại nhà thuốc mà không phải lo lắng về giá cả hay thành phần bao bì”, người nhân viên văn phòng nói thêm.

Hiện có khoảng 2.400 đại lý giữa ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam, bao gồm Pharmacity, Long Châu và An Khang. Trong đó, chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity có số lượng cửa hàng lớn nhất với 1.118 địa điểm, tính đến cuối tháng 6.

“Đến năm 2025, một nửa dân số Việt Nam có thể đến cửa hàng Pharmacity trong vòng 10 phút đi xe máy. Công ty có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 5.000 cửa hàng vào thời điểm đó”, CEOPharmacity Chris Blank cho biết.

Cũng tính tới cuối tháng 6, Long Châu, một thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FPT, có 719 cửa hàng. Trong khi đó, An Khang, đơn vị được mua lại bởi CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, có 523 cửa hàng.

Ngoài ra, các nhà khai thác nước ngoài, chẳng hạn như chuỗi Watsons của Hong Kong và chuỗi Matsumotokiyoshi của Nhật Bản cũng đã thành lập cửa hàng tại TP HCM.

Mức thu nhập tăng và thói quen tiêu dùng thay đổi đang tạo ra những luồng gió tăng trưởng tích cực cho các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam. Điều thay đổi đáng kể đầu tiên cần nhắc tới đó là khách hàng đang chuyển ưu tiên sang mua thực phẩm tươi sống tại các cửa hàng tạp hóa trong nhà hơn là ở các chợ truyền thống ngoài trời.

Hiện nay, các hiệu thuốc ở Việt Nam thường bán dược phẩm và các sản phẩm thực phẩm chức năng. Các cửa hàng thuốc có thể bắt đầu giống với các cửa hàng tiện lợi bằng cách cung cấp các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày khác.

Bức tranh sáng của ngành dược phẩm nửa đầu năm và tham vọng của ba ông lớn

Tháng 3, trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài đã có những chia sẻ về ngành bán lẻ dược phẩm. Cụ thể, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết: “"Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi đã có những phát triển tốt. Nếu như trước đây ngành thuốc cơ bản nói về thuốc chữa bệnh là chính thì sau đợt dịch vừa rồi thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ,… cũng đã tăng trưởng ngon lành.

Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam đang dịch chuyển từ thuốc chữa bệnh - đau đâu chữa đó, sang bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi cho rằng ngành thuốc muốn kiếm lợi nhuận thì đây là giai đoạn phù hợp".

Bức tranh về ngành dược phẩm giai đoạn 2020 - 2022. (Nguồn: VDSC).

Không chỉ ông Nguyễn Đức Tài, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định triển vọng ngành dược phẩm vẫn tươi sáng nhờ sự cộng hưởng từ các tăng trưởng kênh bán hàng, cơ cấu dân số và mức nền thấp.

Cụ thể, doanh thu dược phẩm được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn do mức nền thấp của kênh bệnh viện. Nguyên do là dịch COVID–19 bùng phát tại Việt Nam khiến bệnh nhân bị hạn chế đến khám chữa bệnh tại bệnh viện làm doanh thu kênh ETC bị suy giảm kể từ đầu quý I/2021. Đồng thời, người dẫn lựa chọn mua thuốc điều trị triệu chứng COVID-19 và thực phẩm bổ sung hồi phục sức khỏe tại kênh nhà thuốc dẫn tới sự dịch chuyển trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm.

Trong đó, kênh ETC (kênh bán thuốc qua bệnh viện) đạt 3,9 tỷ USD (giảm 1% so với cùng kỳ) còn kênh OTC (kênh bán lẻ thuốc) là 2,7 tỷ USD (tăng 14%).

Chuyên gia cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu của kênh OTC duy trì ổn định ở mức 10% trong năm 2021 và vẫn tiếp tục cải thiện đến hết quý I/2022. Còn doanh thu của kênh ETC sụt giảm vào nửa cuối năm 2021 và đang có tín hiệu cải thiện vào quý I vừa qua. Nhìn chung, VDSC cho rằng kết quả kinh doanh 2022 ngành dược sẽ tương đối khởi sắc, tăng trưởng tích cực từ mức nền thấp của 2021.

Nhận thấy "chiếc áo" ngành còn rộng, FPT Long Châu đặt mục tiêu nâng số cửa hàng cuối năm nay lên nhiều nhất 800 điểm. Trong khi đó, ngoài tham vọng điểm bán, Pharmacity mong muốn 5 năm tới sẽ đạt được doanh thu hơn 1,5 triệu USD và tạo ra lực lượng lao động với hơn 29.000 nhân viên, tăng từ 4.000 nhân viên vào thời điểm hiện tại.

Pharmacity cũng có kế hoạch củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình. Theo kế hoạch 5 năm, đến 2025, Pharmacity sẽ ra mắt một "siêu ứng dụng" ("super app") nhằm mang lại nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm Dược sĩ và Bác sĩ trực tuyến, đặt xe cấp cứu, và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà hoặc dịch vụ chăm sóc người bệnh.

Trong khi đó, vào tháng 3, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chia sẻ doanh thu mỗi nhà thuốc An Khang đang đạt mức 500 triệu đồng/nhà thuốc/tháng. Theo ông Hiểu Em, như vậy đã hòa vốn nhưng dư địa để tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

"Cần phải hoàn tất cho mô hình An Khang hoàn toàn mới. Trong năm nay sẽ tăng tốc cho An Khang để có thể tham gia cuộc đua trong lĩnh vực này", ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-dua-tam-ma-trong-nganh-ban-le-duoc-pham-tai-viet-nam-202282463643811.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/