Cuộc đua CASA quý I/2022: Ngân hàng nào chiếm thế thượng phong?

Techcombank, MB, MSB là ba ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cuối quý I. Xu hướng mở rộng CASA được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục trong trung hạn khi có sự góp mặt của các ông lớn Big4 vào đường đua.

Cuối quý I, Techcombank đưa tỷ lệ CASA tăng lên mức cao kỷ lục trong hệ thống ngân hàng 50,5%, tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn. 

Tỷ lệ CASA cao đã mang lại nhiều lợi thế cho Techcombank. "Với ưu thế CASA cao, Techcombank có chi phí vốn thấp và kéo theo lãi suất cho vay ra sẽ thấp tương ứng",Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết chi phí vốn của Techcombank chỉ ở mức từ 3 - 4%.

Lợi thế về CASA là động lực khiến các ngân hàng nhập cuộc đua thị phần tiền gửi không kỳ hạn và cả các "ông lớn" quốc doanh cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi bắt đầu triển khai chiến dịch "zero fee" khiến các ngân hàng tư nhân phải dè chừng.

Chứng khoán SSI cho biết trong quý vừa qua, "ông lớn" Vietcombank được cho là đã có động thái giành lại một phần thị phần CASA. Theo đó, thị phần CASA của Vietcombank lần đầu tiên tăng lên sau ba năm.

Việc miễn phí chuyển tiền bắt đầu từ năm 2022 đã giúp lượng tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank tăng thêm 27.000 tỷ đồng (tăng 7,4% so với đầu năm), phần lớn đến từ khách hàng bán lẻ. Tỷ lệ CASA giữa khách hàng cá nhân & SMEs và các doanh nghiệp lớn là 40%/60%.

Tại thời điểm cuối quý I/2022, tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn) của Vietcombank đạt 33% (so với cuối năm 2021 là 32% và mục tiêu của ngân hàng cho năm 2022 là 35%).

Trong số ba NHTM Nhà nước áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản trong năm 2022, Vietcombank thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất. BIDV và VietinBank có tổng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên lần lượt đạt 5.000 tỷ và 10.000 tỷ đồng, với tỷ lệ CASA đều là 20% (tăng nhẹ 0,6% so với cuối năm 2021).

Theo SSI, các ngân hàng quốc doanh được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước (tăng 66.00 tỷ đồng đồng so với đầu năm) và CASA cải thiện. Việc tăng CASA có thể là kết quả ban đầu của các chương trình miễn phí chuyển khoản bắt đầu từ năm 2022 tại các ngân hàng quốc doanh. 

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Một trong những cái tên không thể không nhắc đến trong bảng xếp hạng CASA các ngân hàng cuối quý I là Ngân hàng Quân đội (MB).

Với thế mạnh về đầu tư và ứng dụng công nghệ, số hoá, Chứng khoán VCBS cho rằng MB vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh về CASA, duy trì lợi thế chi phí vốn thấp và biên lãi ròng NIM ở mức cao trong dài hạn.

VCBS cho biết năm 2021, MB đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hạ tầng công nghệ và dự kiến đầu tư thêm 1.800 tỷ đồng trong năm 2022.    

Trong ba tháng đầu năm 2022, tỷ trọng CASA tăng nhẹ trong quý I từ 44,6% lên 45%. Chiến lược hướng trọng tâm tới khách hàng giúp MB ghi nhận tỷ trọng CASA từ khách hàng cá nhân cao hơn trước, cùng lượng tiền gửi dồi dào giúp lãi suất huy động duy trì mức thấp nhất trong khối ngân hàng tư nhân.

Bên cạnh đó, nằm trong top những ngân hàng đứng đầu về tỷ lệ CASA, tỷ lệ CASA của MSB tiếp tục tăng trưởng ấn tượng khi tăng mạnh từ 35,8% vào cuối năm 2021 lên 38,3% trong quý I/2022. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của MSB tính đến hết 31/3/2022 đạt 36.878 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm ngoái, tương đương tăng gần 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2021, MSB đã vượt mặt Vietcombank về tỷ lệ CASA khi chỉ tiêu này của  hàng tăng vọt từ 26,4% lên 36%.

CASA sẽ vẫn tiếp tục tăng

Đẩy mạnh gia tăng huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong nhiều năm gần đây. Nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0 giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả cho vay, tối ưu lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. 

Nhìn chung, tỷ lệ CASA của hầu hết ngân hàng niêm yết trên HOSE đều tăng lên trong quý I/2022, các vị trí cao nhất vẫn thuộc về Techcombank, MB, MSB, Vietcombank và ACB, không thay đổi so với cuối năm ngoái.   

Trong đó, nhiều ngân hàng tư nhân đều có mức tăng cao hơn hai "ông lớn" BIDV và VietinBank, có thể kể đến như ACB, Sacombank hay VPBank.

Song không phải ngân hàng nào cũng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng trưởng trong quý đầu năm. Trong nhóm thống kê, có đến 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với cuối năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là LienVietPostBank với mức giảm là 6,5%.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định xu hướng mở rộng CASA vẫn được duy trì trong trung hạn khi ưu điểm của việc duy trì tỷ lệ CASA cao đã được các ngân hàng quốc doanh ghi nhận. Do đó, các ngân hàng quốc doanh gần đây đã bắt đầu thực hiện các chiến dịch khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cá nhân, cũng như gia tăng khối lượng giao dịch trực tuyến.    

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn các ngân hàng cuối quý I/2022

 Tỷ lệ CASA các ngân hàng trong quý I/2022. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-dua-casa-quy-i2022-ngan-hang-nao-chiem-the-thuong-phong-2022527135747431.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/