Cử tri kiến nghị thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

Tại kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV có nội dung thảo luận trực tuyến liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường, mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính UBND.

Cử tri kiến nghị thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Riêng huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục giữ mô hình chính quyền các cấp, huyện Hoàng Sa vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đà Nẵng kiến nghị sẽ thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Phước, Bí thư Chi bộ khu vực Nại Hiên Đông 3A (Trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, Đà Nẵng đã từng thí điểm xây dựng chính quyền đô thị trong khoảng 8 năm và hiệu quả mang lại cũng rất cao.

Đối với trách nhiệm của một cử tri, ông thấy việc triển khai chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là hữu ích, cần thiết. Bởi Hội đồng nhân dân cấp phường, quận chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin của người dân và ít quyền quyết định về chính sách. 

Đa số cán bộ của Hội đồng nhân dân cấp phường, quận kiêm nhiệm nhiều việc khác, nên rất khó tròn vai, toàn tâm với công việc. Việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn, tối giản bớt bộ máy, giúp người dân hạn chế thủ tục.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng có vị trí địa lý nhỏ gọn, dễ quản lý và đang xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, nên việc áp dụng chính quyền đô thị sẽ giúp Đà Nẵng củng cố chính quyền, tập trung phát triển kinh tế, giảm bớt thủ tục hành chính.

Theo ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), việc áp dụng thực hiện chính quyền đô thị sẽ giúp bộ máy tinh gọn, các cuộc họp được rút gọn, kinh phí ngân sách sẽ giảm bớt, phù hợp với điều kiện hiện có của thành phố Đà Nẵng. 

Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ giám sát và nắm bắt tình hình, nguyện vọng của người dân. Nếu không tổ chức Hội đồng dân nhân cấp phường, quận, việc này sẽ chuyển sang cho mặt trận và mặt trận cũng có thể làm tốt. Hội đồng nhân dân cấp phường, quận ít có chức năng, nhiệm vụ quyết định về chính sách, nhưng lại gây tốn kém không ít kinh phí. 

Bởi để duy trì Hội đồng nhân dân phải có khoảng hơn 20 người với đủ bộ phận, trong đó có một Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách và phải trả tiền phụ cấp cho mỗi người. Mỗi năm Hội đồng nhân cần tổ chức các cuộc họp, cũng tốt khá nhiều kinh phí.

Chị Nguyễn Kim Ánh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng nêu ý kiến, việc triển khai Chính quyền đô thị phù hợp với thực tiễn và điều kiện hiện có của thành phố Đà Nẵng. Điều này sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, giảm ngân sách. 

Với mô hình mới, cơ chế chính quyền sẽ hoạt động theo hướng tập trung và thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải trình cho từng cá nhân, đơn vị. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức sẽ xây dựng tác phong chuyên nghiệp, thực hiện tốt hơn công việc hành chính. 

Ngoài ra, UBND ở cấp phường, quận có chức năng và tránh nhiệm cao, han chế không bị chồng chéo nhiệm vụ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cu-tri-kien-nghi-thi-diem-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-da-nang-20200523151426538.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/