COVID-19, phép thử của bán lẻ hiện đại

Chợ đóng cửa, hàng quán dừng hoạt động,... đặt trách nhiệm cung ứng thực phẩm cho 10 triệu dân lên những nền tảng bán lẻ hiện đại như Co.opmart, Bách Hoá Xanh hay VinMart.

"Bây giờ Sài Gòn không có shipper như Grab, Now hay Ahamove thì mình chết đói. Chết vì không mua được đồ ăn chứ không phải do thiếu tiền", Thi, 25 tuổi, một nhân viên văn phòng tại TP HCM chia sẻ.

Thi kể, từ ngày thành phố áp dụng giãn cách phòng chống dịch bệnh thì việc ngày 5-6 lượt nhận điện thoại của shipper đã trở thành thói quen. Mua hàng online trở thành nếp sống thường nhật, từ mớ rau, cân thịt đến củ hành, củ tỏi cũng thông qua chiếc smartphone.

Cuối tháng 6, Hoà Hưng, Bà Chiểu, Bình Thới... những khu chợ truyền thống đầu tiên tại TP HCM đã lặng lẽ đóng cửa, dừng mọi hoạt động thương mại. Hai tuần sau, hơn 80% chợ truyền thống và đầu mối tại TP HCM đã dừng hoạt động trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Sở Công thương TP HCM cho biết những khu chợ chiếm tới 70% năng lực cung ứng hàng hoá của người dân. Do đó, khi các chợ dừng hoạt động, áp lực sẽ dồn lên các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị/cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử - những kênh bán hàng mà trước đó vài tuần chỉ chiếm chưa tới 30% thị phần.

Có thể nói, dịch bệnh đã đặt ngành bán lẻ hiện đại vào một vị trí chưa từng có tiền lệ, là một phép thử cho mục tiêu soán ngôi bán lẻ truyền thống của kênh mua sắm này.

COVID-19, phép thử của bán lẻ hiện đại - Ảnh 1.

COVID-19 buộc các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại phải thích nghi nhanh để đáp ứng lượng khách hàng khổng lồ. (Ảnh minh hoạ: Thiên Trường).

Trụ cột Co.opmart, Bách Hóa Xanh, VinMart

Lịch sử luôn có những lý lẽ riêng của nó. Các chợ đóng cửa, hàng quán dừng hoạt động,... đặt trách nhiệm cung ứng thực phẩm cho 10 triệu dân lên những trụ cột non trẻ của thành phố như Co.opmart, Bách Hoá Xanh và VinMart.

Ông chủ một hệ thống bán lẻ sở hữu gần 600 siêu thị tại TP HCM chia sẻ rằng chỉ trong vài ngày, lượng hàng hoá bán ra đã đột ngột tăng 4-5 lần: "Thời điểm bình thường, mỗi ngày chúng tôi bán 500 - 600 tấn hàng hoá thì hiện tại đã lên 2.000 - 2.500 tấn hàng hoá/ngày và dự kiến sẽ sớm đạt con số 3.000 tấn."

Chỉ chưa đầy 24h sau khi chợ đầu mối nông sản Thủ Đức ra thông báo đóng cửa, lượng khách dồn tới Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online của các siêu thị này tăng gấp 5 lần.

Những kệ hàng dài trống trơn, hệ thống online quá tải liên tục báo hết hàng hay những đoàn người kiên nhẫn 2 giờ đồng hồ đứng xếp hàng dưới nắng để được vào mua tại một siêu thị trên địa bàn TP Thủ Đức, đã trở thành những hình ảnh lịch sử của ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam. Có lẽ chưa bao giờ kênh phân phối này lại "được" đón nhận lượng khách hàng và sự quan tâm lớn đến thế.

Không chỉ các siêu thị, cửa hàng tiện ích chật kín khách hàng, những sàn thương mại điện tử vốn trước kia chỉ quen bán quần áo, sách vở, đồ gia dụng như Shopee, Tiki, Lazada,... thì nay cũng chuyển hướng bán rau củ.

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy hàng trăm tấn nông sản đã được tiêu thụ qua các chợ online này mỗi ngày. Đơn cử, Voso của Viettel Post đã bán 150 tấn rau củ mỗi ngày, Shopee là 30 tấn và con số này ở Tiki, Lazada là 10 tấn.

Tốc độ chuyển đổi ngoài sức tưởng tượng

Có lẽ nhiều người chưa quên thương vụ Alibaba và nhóm nhà đầu tư đã rót 400 triệu USD vào The CrownX của Masan Group để sở hữu 5,5% cổ phần đơn vị bán lẻ này hồi trung tuần tháng 5.

Thông cáo phát đi Masan cho hay việc hợp tác nhằm tăng cường mảng bán lẻ online. Trong đó thông qua sàn thương mại Lazada thuộc sở hữu của Alibaba, các gian hàng bán đồ thiết yếu như rau củ, thịt cá của Masan sẽ được mở, tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ.

COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

  • Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group

Vào thời điểm ấy, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh cái bắt tay này. Người ta khó hình dung được một sàn như Lazada vốn nổi tiếng với quần áo, mỹ phẩm, đồ khô nay lại có thể bán nông sản và việc mua bán đó sẽ diễn ra như thế nào. Thì nay, câu trả lời đã rõ ràng khi mỗi ngày 10 tấn nông sản và hơn 100.000 đơn hàng hoá thiết yếu được giao dịch qua Lazada.

Nói về tác động của dịch bệnh tạo ra cho hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group phải thốt lên rằng "ngoài sức tưởng tượng".

"COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta", ông Quang cho hay.

Báo của VNDirect chỉ ra rằng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam có thể chạm mốc 350 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp 1,6 lần so với hiện tại. Tuy nhiên, thực tế là miếng bánh thị phần lại nằm chủ yếu ở các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá).

Số liệu của SK Group cho hay bán lẻ hiện đại chiếm 8% thị phần. Lạc quan hơn, nhưng số liệu của Kantar Worldpanel Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích chỉ ở mức 15%.

Tập đoàn Hàn Quốc dự báo kênh bán lẻ hiện đại có thể chiếm 50% thị phần, tuy nhiên lại không thể đưa ra được mốc thời gian cụ thể. Có lẽ, để đạt được mốc đó ngành bán lẻ hiện đại nói riêng cần phải đi một quãng đường dài.

Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát đã có thể giúp những Bách Hoá Xanh, VinMart rút ngắn được quãng đường này, tăng cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn và phần nào có thể mường tượng ra quy mô 50% như dự báo.

Thế khó của chuỗi cung ứng

Không chỉ giúp các chuỗi bán lẻ nhìn ra bức tranh thị trường khi quy mô đạt 50% thị phần, dịch bệnh còn là phép thử để các đơn vị như VinMart, Tops Market hay Bách Hoá Xanh nhận biết được mức độ sẵn sàng phục vụ một lượng khách hàng khổng lồ như vậy hay chưa.

Trở lại câu chuyện của TP HCM những ngày đầu bùng dịch. Lượng khách hàng tăng đột biến, Saigon Co.op đã ngay lập tức bổ sung 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang bán hàng online, tăng trữ lượng hàng hoá lên 3-5 lần ngày thường, sử dụng 25 kho vệ tinh lưu động khắp thành phố.

Tops Market tăng mặt hàng thịt tươi lên gấp 7 lần, cung ứng 100 tấn rau củ quả mỗi ngày, trữ mặt hàng FMCG trong kho đủ phục vụ 30 ngày với 1.800 tấn hàng hoá. Lần lượt Bách Hoá Xanh rồi VinMart thông báo đã tăng trữ lượng hàng hoá 4-5 lần mức bình thường, tự tin có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân thành phố.

COVID-19, phép thử của bán lẻ hiện đại - Ảnh 3.

Một quầy thanh toán trong một siêu thị tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Thiên Trường).

Vậy nhưng thực tế đã đánh đổ mọi tính toán lý thuyết của những chiến lược gia kỳ cựu nhất trong làng bán lẻ. Tình trạng thiếu hàng cục bộ vẫn diễn ra thường xuyên và dù căng mình hoạt động - theo cách dùng từ của ông chủ Bách Hoá Xanh, thì những trụ cột trên vẫn không thể nào thoả mãn sức mua của 10 triệu dân thành phố. Lãnh đạo TP HCM đã phải thừa nhận rằng không thể giao khoán toàn bộ cho các hệ thống bán lẻ và cần phải tổ chức lại mạng lưới phân phối.

Lượng khách hàng tăng đột biến đã đè nặng lên chuỗi cung ứng. Mặc dù được chuẩn bị, trữ hàng gấp nhiều lần bình thường thì các chuỗi bán lẻ vẫn hụt hơi, bị động và thậm chí chuệch choạc trong những ngày đầu.

Điển hình khi một chuỗi siêu thị bắt đầu tăng giá, trong bối cảnh sức mua tăng và việc tiếp cận nguồn cung gặp khó khăn đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân. Trước đó không lâu, đơn vị này cho biết gần 200 siêu thị của họ đứng trước nguy cơ thiếu hàng khi đoàn xe trở hàng bị kẹt tại các trạm kiểm soát dịch bệnh.

Việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong một khoảng thời gian ngắn cũng là một trở ngại khiến các chuỗi bán lẻ khó lòng phục vụ "tròn vai" trước nhu cầu mua sắm tăng cao của khách hàng. Một doanh nghiệp đã phải điều động 3.000 nhân viên đang hoạt động trong các mảng khác ra đứng bán hàng, thái rau củ thịt cá, đồng thời gấp rút tuyển dụng thêm hàng chục ngàn việc làm giữa mùa dịch.

Do đó, có thể thấy người tiêu dùng đang thích nghi rất nhanh với các phương thức bán lẻ hiện đại, tuy nhiên các hệ thống này lại đang lỡ một nhịp so với khách hàng. Và nhiệm vụ của những Bách Hoá Xanh, Saigon Co.op hay VinMart là phải kiểm soát được nguồn cung, chi phí đầu vào, gia tăng các điểm phân phối, nhân lực,... để có thể nhanh chóng làm chủ cuộc chơi khi cơ hội đến.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/covid-19-phep-thu-cua-ban-le-hien-dai-20210728234211715.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/