Công ty cung cấp khung gầm xe điện VinFast: Biên lợi nhuận cao gấp đôi trung bình ngành, chiếm 35% thị phần pin EV toàn cầu

Được hưởng trợ cấp từ chính phủ và một thị trường nội địa rộng lớn đã giúp CATL từ một công ty nhỏ nơi làng chài ven biển Phúc Kiến cất cánh.

 

 Trụ sởCATL. (Ảnh: The New York Times).

Khi viết về công ty này, tờ The New York Times bình luận rằng cùng với Tesla, CATL đã nổi lên như một trong những người chiến thắng lớn nhất trong sự bùng nổ xe điện. Vậy nhưng trong khi Tesla và ông chủ của nó là Elon Musk trở thành biểu tượng trong ngành xe điện, thì CATL - tên pháp lý bằng tiếng Anh là Contemporary Amperex Technology Company Limited (Ninh Đức Thời Đại) - lại chìm trong bóng tối và ít được công chúng biết tới.

Khởi nguồn ở một làng chài ven biển Phúc Kiến

Người sáng lập kiêm Chủ tịch CATL, ông Zeng Yuqun, là một trong những người đàn ông giàu có nhất châu Á, với khối tài sản ròng khoảng 60 tỷ USD. Trụ sở chính cao chót vót của CATL, có hình dạng giống như một cục pin lithium ngoại cỡ. 

Một số nhà máy lớn nhất của CATL nằm ở quê hương vị chủ tịch, Ninh Đức tỉnh Phúc Kiến - nơi đây vốn là một làng chài và là căn cứ quân sự cũ của Trung Quốc. Ông Zeng, 53 tuổi, đã thiết lập bộ máy quản lý cấp cao của CATL gồm những thành viên lâu năm, nhiều người trong số họ lớn lên ở Ninh Đức.

Trong các ngày lễ, CATL thường gửi tặng nhân viên vải thiều, quả mướp,… những nông sản được trồng tại ngoại ô Ninh Đức. Điều thú vị là ông Tập Cận Bình từng có thời gian làm Bí thư tại Ninh Đức trong giai đoạn từ 1988 tới 1990, theo The New York Times.

Sau khi học xong kỹ sư hàng hải tại một trường đại học Thượng Hải, ông Zeng đã đến làm việc về hóa pin cho TDK, một công ty Nhật Bản, có chi nhánh tại Trung Quốc. Năm 1999, ông cùng các chuyên gia hóa học về pin thành lập công ty riêng cung cấp pin lithium-coban cho điện thoại di động, máy quay phim và các thiết bị điện tử gia dụng cầm tay khác. Nhóm nghiên cứu đã bán công ty cho TDK vào năm 2005 với giá 100 triệu USD và tiếp tục điều hành nó như một công ty con.

Chính phủ Trung Quốc, từ lâu đã xác định pin là một ngành công nghiệp chiến lược. Ngay từ năm 2011, Trung Quốc đã triển khai một số kế hoạch để phát triển ngành công nghiệp pin nội địa bằng cách yêu cầu các hãng xe nước ngoài muốn bán xe điện tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ quan trọng cho một công ty địa phương. Chỉ khi đó, Bắc Kinh mới trợ cấp cho việc bán xe của họ, số tiền có thể lên tới 19.300 USD/xe điện/người mua.

Cuối năm 2011, một số nhà đầu tư mà dẫn đầu là ông Zeng đã mua 85% cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh pin xe điện của TDK. Công ty được đổi tên thành CATL và BMW là khách hàng đầu tiên, sau khi hãng xe Đức chấm dứt hợp đồng với một nhà cung cấp pin tại Massachusetts và Michigan (Mỹ).

Bốn năm sau đó, một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc khác đã mua 15% cổ phần còn lại từ tay TDK. Các điều khoản tài chính của việc mua bán không rõ ràng, nhưng theo The New York Times ông Zeng và các đối tác đã gặt hái được thành công khi TDK hiện có giá trị vốn hóa thị trường là 16 tỷ USD trong khi con số này ở CATL là gần 240 tỷ USD.

Đến sự hậu thuẫn của chính phủ

Sau này, các chính sách từ Bắc Kinh đã giúp CATL cất cánh. Pin của CATL đòi hỏi nguồn cung cấp nguyên liệu là lithium và coban phải luôn sẵn sàng. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã ngay lập tức tìm đến Congo, nơi có nhiều mỏ quặng và từng được các công ty Mỹ khai thác.

Năm 2021, CATL đã mua lại 1/4 khu dự trữ coban Kisanfu - một trong những khu dự trữ giàu khoáng sản nhất thế giới ở Congo với giá 137,5 triệu USD. Hồ sơ của công ty cũng cho thấy trong vòng một năm kể từ khi thành lập CATL, ông Zeng đã mở một công ty con ở tỉnh Thanh Hải, miền tây Trung Quốc. Thanh Hải có một thứ mà ông Zeng cần: lòng hồ muối khô với nước muối ngầm dày đặc chứa đầy liti. 

 Một nhà máy của CATL đang được xây dựng tại Trung Quốc. (Ảnh: The New York Times).

Năm 2015, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch Made in China 2025, là một hướng dẫn để đạt được sự độc lập ở các ngành công nghiệp chính trong tương lai, bao gồm cả ô tô điện, trong một thập kỷ.

Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc đã tiến hành cho các dự án được chính phủ bảo lãnh vay nợ. Các tài liệu cho thấy các dự án của CATL tại Thanh Hải đã nhận được khoản hỗ trợ 100 triệu USD từ các ngân hàng này. Chính quyền Thanh Hải cũng cung cấp khoản tín dụng 33 triệu USD trong giai đoạn 2015 - 2017, theo hồ sơ của CATL. 

Chính sách yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nội địa chỉ được sử dụng pin sản xuất trong nước cũng đã giúp CATL được hưởng lợi rất nhiều. Chính phủ Trung Quốc nói rằng người mua ô tô điện sẽ chỉ nhận được trợ cấp nếu pin chiếc xe đấy do một công ty Trung Quốc sản xuất.

GM đã không biết điều này. Công ty bắt đầu xuất xưởng chiếc ô tô điện Buick Velite vào năm 2016 với viên pin do LG sản xuất. Người tiêu dùng Trung Quốc đã giận dữ khi giới chức địa phương từ chối trợ cấp mua xe cho họ. Từ đó, GM đã chuyển hẳn sang sử dụng các đơn hàng do CATL cung cấp.

Với các khoản trợ cấp và thị trường nội địa được bảo vệ, CATL trở nên cực kỳ có lãi. Ngành công nghiệp ô tô coi tỷ suất lợi nhuận sau thuế ít nhất 5% doanh thu là một thành công. Ở đây, năm ngoái, biên lợi nhuận của CATL là 11,1%. 

Bấp chấp việc đạt lợi nhuận cao, CATL vẫn tiếp tục nhận trợ cấp từ chính phủ, theo The New York Times, khoản trợ cấp này bằng 1/5 thu nhập ròng hàng năm của công ty. 

Những nỗ lực kể trên với những tập đoàn như CATL đã đưa Trung Quốc trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực pin ô tô điện. Theo Benchmark Mineral Intelligence, một công ty tư vấn ở London, Trung Quốc có công suất sản xuất pin ô tô điện gấp 14 lần Mỹ. Công ty này dự báo rằng Trung Quốc sẽ giữ vị trí dẫn đầu ngay cả sau khi Mỹ tăng tốc, nếu tính cả dự án được Toyota công bố vào tháng 12 năm ngoái, đặt tại Bắc Carolina.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cong-ty-cung-cap-khung-gam-xe-dien-vinfast-bien-loi-nhuan-cao-gap-doi-trung-binh-nganh-chiem-35-thi-phan-pin-ev-toan-cau-202211116820.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/