'Cổ phiếu thuỷ điện sẽ tăng trưởng mạnh năm 2021'

VDSC nhận định năm 2021 sẽ là năm thịnh vượng của các doanh nghiệp thủy điện khi dự báo xác suất xảy ra La Nina cao so với El Nino và trung lập.

Tiêu thụ điện tăng trở lại cùng với sự hồi phục kinh tế

Tăng trưởng tiêu thụ điện thấp kỷ lục năm 2020 và được dự báo sẽ bật tăng trở lại trong năm 2021, theo báo cáo chiến lược năm 2021 của Chứng khoán VDSC.

Nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, các hoạt động công nghiệp và dịch vụ sẽ phần nào được hồi phục, thậm chí có thể tăng trưởng khả quan do các chính sách thúc đẩy của Chính phủ để bù đắp cho thiếu hụt nguồn thu do lệnh cấm bay quốc tế.

Nhu cầu điện cho tiêu dùng có thể tăng trưởng bền vững, đặc biệt nhu cầu điện của khối sản xuất công nghiệp sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các dự án nguồn điện mang tính ổn định.

Cơ sở cho dự báo trên là việc Quốc hội thông qua kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6%, VDSC dự báo đạt 7%. Ngoài ra, IMF dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng 7% vào năm 2021 đến từ sự hỗ trợ chính sách nới rộng tiền tệ. 

Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo nhu cầu tiêu thụ điện sẽ hồi phục và tăng trưởng với tốc độ 8 – 10%. Theo Trung tâm điều tiết điện quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267,9 tỷ kWh, tăng 7,15% so với năm 2020. 

Do đó, nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện.

'Cổ phiếu thuỷ điện sẽ tăng trưởng mạnh năm 2021' - Ảnh 1.

Năm 2021 sẽ là năm La Nina, đồng nghĩa với cơ hội tăng trưởng cho các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, điện mặt trời và điện gió sẽ thiết lập kỷ lục mới về công suất nhờ thời hạn đóng điện để hưởng FiT 1 vào cuối năm 2021. 

Do đó, các nhà máy nhiệt điện sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức lợi nhuận do giá điện trên thị trường cạnh tranh và sản lượng được dự báo sẽ giảm. Mặc dù giá than và giá khí thế giới đang có xu hướng giảm, các tổ máy nhiệt điện vẫn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tính chu kỳ của thủy văn.

2021 là thời kỳ hoàng kim của các nhà máy thủy điện

VDSC cho biết kể từ quý II/2020 lượng mưa tăng mạnh do hiện tượng La Nina quay trở lại trong chu kỳ ENSO. Do đó, năm 2021 sẽ là năm thịnh vượng của các doanh nghiệp thủy điện khi dự báo xác suất xảy ra La Nina cao so với El Nino và trung lập. 

'Cổ phiếu thuỷ điện sẽ tăng trưởng mạnh năm 2021' - Ảnh 2.

Tính tới thời điểm hiện tại đáy của La Nina khá sâu nên theo báo cáo của VDSC thì năm 2021 được dự báo sẽ có lượng mưa nhiều đáng kể, tạo ra nhiều lợi nhuận cho các nhà máy thủy điện nhỏ và lớn. Do đó, "các mã cổ phiếu sở hữu nhà máy thủy điện được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh", VDSC nhận định.

Theo kế hoạch EVN, trong năm nay, thủy điện sẽ chỉ mở rộng tăng 3% so với năm trước, chiếm 12% trong tổng tăng thêm nguồn điện truyền thống, cho thấy tăng trưởng công suất thủy điện thấp. 

Về mức huy động, thủy điện luôn là nguồn được ưu tiên hàng đầu, nhất là các nhà máy thủy điện nhỏ, nên sản lượng thủy điện năm 2021 được VDSC dự báo sẽ tăng mạnh.

Điện mặt trời ổn định, điện gió bùng nổ công suất 

Báo cáo của VDSC cho biết điện mặt trời và điện gió sẽ tiếp tục mở rộng và hưởng cơ chế ưu đãi của EVN nhờ chính sách tập trung nguồn năng lượng xanh trong quy hoạch điện VIII.

'Cổ phiếu thuỷ điện sẽ tăng trưởng mạnh năm 2021' - Ảnh 3.

Mảng năng lượng tái tạo sẽ có một lợi thế về nguồn vốn vay, dòng tiền và nguồn thu khá ổn định nên được cơ chế ưu đãi từ những ngân hàng lớn và nước ngoài cho vay với lãi suất thấp. Do đó IRR đầu tư, lợi nhuận từ những nhà máy điện mặt trời và điện gió khá hấp dẫn, VDSC nhận định.

Năm 2021, công suất điện mặt trời và điện gió sẽ gia tăng và chạm mức 20.198 MW, gấp đôi so với hiện tại. 

Về điện mặt trời, VDSC cho hay đấu thầu cạnh tranh sẽ bắt đầu từ năm 2021, chỉ có những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời với suất đầu tư thấp, vị trí gần với đường truyền tải mới có thể thể cạnh tranh trong giai đoạn này. 

Ngoài ra, điện mặt trời sẽ bị ảnh hưởng nhẹ khi La Nina trở lại, tuy nhiên không đáng kể. 

Về điện gió, hiện có rất nhiều đề xuất dời hạn đóng điện hưởng giá FiT, tuy nhiên vẫn chưa có công văn chính thức nào thay đổi thời hạn trước tháng 11/2021. 

Tựu trung lại, những doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng nhà máy nhanh chóng cùng với khả năng xây dựng hiệu quả với suất đầu tư thấp sẽ hưởng được những ưu đãi của cơ chế ngành, báo cáo cho biết.

Nhiệt điện khó cạnh tranh trong chu kỳ thủy văn bất lợi

Nhiệt điện được dự báo sẽ kém khả quan trong năm 2021 do La Nina quay trở lại sau khi có một năm tăng trưởng vào 2020 nhờ vào hiện tượng El Nino. 

Giá điện trên thị trường điện cạnh tranh năm 2021 được dự báo sẽ thấp hơn 15% so với năm trước do sản lượng thủy điện sẽ tăng mạnh. 

VDSC cho rằng điều này có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm sẽ hưởng lợi nhờ duy trì được sản lượng Qc cao, có thể đảm bảo được phần lớn lợi nhuận.

Ngược lại, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ không hứa hẹn nhiều lợi nhuận, thậm chí giá thị trường sẽ thấp hơn giá vốn trong những tháng cao điểm của thủy điện. 

Báo cáo cho biết như đã quan sát trong những tháng mưa nhiều trong năm 2020, giá điện thị trường giảm về mức thấp kỷ lục khiến nhiều tổ máy lựa chọn dừng phát điện kết hợp trung tu/đại tu. 

Về nguồn cung, mặc dù nhìn chung giá các nguyên liệu (than, khí) đang trong đà giảm ngắn và trung hạn, tăng trưởng lợi nhuận vẫn sẽ phụ thuộc phần nhiều vào thủy văn.

Phía VDSC cũng đưa ra một số rủi ro đối với các doanh nghiệp trong ngành như việc gia tăng nhanh chóng về công suất năng lượng tái tạo sẽ dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn công suất, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận cũng như IRR dự án điện mặt trời và điện gió. 

Bên cạnh đó, chính sách về cơ chế đấu thầu cũng như giá FiT năng lượng tái tạo hiện vẫn đang chờ công văn chính thức. 

Một số nhà máy đang trong quá trình đàm phán lại hợp đồng mua bán điện, trong đó có PPC, NT2, VSH. Do đó, giá mua bán điện sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận trong phần đời còn lại của các tổ máy, VDSC nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-thuy-dien-se-tang-truong-manh-nam-2021-20210219173857508.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/