Cổ phiếu PVD giảm sàn sau thông tin khách hàng nợ trăm tỷ xin phá sản

Tính đến ngày 31/3/2021, PVD đang có khoản phải thu hơn 107 tỷ đồng liên quan tới KrisEnergy, chiếm gần 13% tổng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.

Cổ phiếu PVD "lau sàn" khi đối tác đệ đơn xin phá sản

Ngày 4/6, Công ty KrisEnergy có trụ sở tại Singapore đã đệ đơn lên tòa án xin phá sản vì không có khả năng thanh toán các khoản nợ dựa trên các khoản nợ thực tế/nợ tiềm tàng. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tiến hành thanh lý tài sản để trả nợ.

Đáng lưu ý, KrisEnergy lại đang là khách hàng của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD).

Tính đến ngày 31/3/2021, PVD đang có khoản phải thu hơn 107 tỷ đồng liên quan tới KrisEnergy, chiếm gần 13% tổng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.

Trước đó, tháng 10/2020, PVD đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan PV Drilling III cho KrisEnergy để khai thác ngoài khơi Campuchia.

Trong vòng 4 tháng đầu, giàn PV Drilling III đã hoàn thành 6 giếng khoan phát triển cho KrisEnergy. Đây đồng thời cũng là lần đầu PVD cung cấp dịch vụ tại Campuchia.

Sau thông tin trên, giá cổ phiếu PVD đã giảm 6,92% xuống còn 22.200 đồng/cp với thanh khoản hơn 18 triệu đơn vị.

Giá cổ phiếu PVD giảm sau thông tin khách hàng đứng trước nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu PVD một tháng qua. (Nguồn: Tradingview).

Gặp khó năm 2021

Về triển vọng kinh doanh năm nay, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định PVD sẽ gặp khó trong năm 2021 do những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. 

VCSC ước tính lợi nhuận sau thuế năm nay của PVD vẫn ở mức thấp do lợi nhuận thấp từ mảng giàn khoan tự nâng (JU) và giếng khoan dù có thêm sự đóng góp từ giàn TAD trong quý IV.

Tuy nhiên, bộ phận phân tích của VCSC kỳ vọng vào sự phục hồi của PVD trong năm 2022 với mức lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số là 23 triệu USD nhờ mức phục hồi 8,1% giá thuê ngày giàn JU so với năm 2021, hiệu suất hoạt động cải thiện lên 95%, đóng góp cả năm của giàn TAD và sự phục hồi của mảng dịch vụ giếng khoan.

Theo Bloomberg, giá thuê ngày giàn khoan JU tại khu vực Đông Nam Á đã giảm còn dưới 50.000 USD tính đến hiện tại.

Giá thuê ngày giàn khoan JU của PVD cũng chịu áp lực từ phía khách hàng, qua đó dẫn đến giá thuê trung bình giảm 9% so với cùng kỳ, đạt mức 54.700 USD/ngày trong quý I, theo VCSC.

Bộ phân phân tích của VCSC ước tính giá thuê có thể tiếp tục chịu áp lực trong các quý tiếp theo do dự báo giá thuê ngày giàn khoan JU giảm 6,9% còn 58.600 USD.

VCSC giảm dự báo hiệu suất hoạt động năm 2021 của giàn khoan JU từ 83% xuống 75%. Hiện tại, các giàn khoan JU PVD II và VI đang làm việc cho VietsovPetro và Eni Vietnam B.V. tại Việt Nam đến cuối năm 2021. Giàn khoan PVD III có thể sẽ làm việc cho Repsol tại Malaysia từ quý IV/2021 sau khi khoan cho JPVC tại Việt Nam trong quý III. 

Tuy nhiên, VCSC nhận thấy hạn chế về cơ hội ký hợp đồng mới cho PVD I sau hợp đồng khoan với Cửu Long JOC trong quý II/2021. Do đó, VCSC cho rằng PVD I sẽ không hoạt động trong quý III trước khi nhận được hợp đồng mới vào cuối năm 2021. 

PVD hiện đang xây dựng một bộ thiết bị khoan (DES) tại Singapore để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của ngành dầu trong hợp đồng mới sau 5 năm dừng hoạt động, theo VCSC.

Ngày 9/5, PVD đã gửi giàn khoan TAD sang Singapore để tích hợp với DES. Giàn khoan này sẽ bắt đầu khoan dầu cho Shell tại Brunei từ quý III. VCSC dự báo TAD sẽ bắt đầu khoan từ quý IV và đóng góp khoảng 10% và 16% cho EBITDA của PVD lần lượt trong năm 2021 và giai đoạn 2022 – 2025.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-pvd-giam-san-sau-thong-tin-khach-hang-no-tram-ty-xin-pha-san-20210610171058758.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/