Cơ hội để Fed 'hạ cánh mềm' nền kinh tế thu hẹp hơn sau báo cáo việc làm tháng 11

Để khống chế lạm phát, Fed muốn thị trường lao động trở nên nguội lạnh hơn. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 11 đã cản trở mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.

Bản báo cáo khiến Fed thêm khó nhọc

Theo các nhà phân tích, báo cáo việc làm tháng 11 không phải là điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tìm kiếm.

Số liệu việc làm và tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến của Phố Wall chỉ cho thấy Fed đang bước đi khó nhọc như thế nào.

Giữa lúc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ để khống chế lạm phát, một thị trường việc làm vững mạnh và tiền lương của người lao động tăng cao là vấn đề đáng ngại.

Trong một bài phân tích về báo cáo việc làm mới, bà Aneta Markowska, kinh tế trưởng của ngân hàng Jefferies, nhận định: “Fed không thể ngơi tay ở thời điểm hiện tại, họ sợ kỳ vọng lạm phát sẽ lên cao hơn”.

“Tăng trưởng tiền lương hiện nay tương quan với lạm phát gần mức 4%. Điều đó chứng tỏ Fed vẫn còn nhiều việc cần làm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong tháng 11, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 263.000 việc làm mới, vượt xa ước tính 200.000 của Dow Jones.

Thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0,6% so với tháng liền trước - cao gấp đôi ước tính, và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước - vượt mức dự báo là 4,6%.

Bản báo cáo cho thấy Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất, dù với quy mô nhỏ hơn một chút so với 4 lần tăng 75 điểm cơ bản (bps) liên tiếp kể từ tháng 6, tờ CNBC cho hay.

 

Chính sách tiền tệ chưa phát huy tác dụng

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất tổng cộng 375 bps. Số liệu việc làm tháng 11 cho thấy các động thái chính sách vừa qua không tạo nhiều tác động đến thị trường lao động.

Bà Elizabeth Crofoot, nhà kinh tế cấp cao tại hãng phân tích Lightcast, cho hay: “Chúng tôi thực sự chưa thấy tác động của chính sách tiền tệ đến thị trường lao động và điều đó thật đáng ngại nếu Fed xem tăng trưởng việc làm như một thước đo quan trọng cho những nỗ lực của họ”.

Sau khi báo cáo việc làm được công bố, phần lớn các phân tích của Phố Wall đều có cân nhắc đến bình luận hôm 30/12 của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ông Powell đã vạch ra một loạt tiêu chí để đánh giá thời điểm lạm phát đi xuống.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng, tăng trưởng trên thị trường nhà ở và chi phí lao động, đặc biệt là tiền lương, là các chỉ báo mà “thuyền trưởng” Fed đang theo dõi sát sao.

Ông cũng bắt đầu đưa ra những nhận định sớm về một số vấn đề. Chẳng hạn, ông cho rằng lạm phát dịch vụ (không tính chi phí nhà ở) có thể tự giảm xuống vào năm sau, theo CNBC.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Trong bài phát biểu tại Viện Brookings, ông Powell kỳ vọng Fed có thể sẽ cắt giảm quy mô các đợt tăng lãi suất sắp tới.

Song, ông lưu ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ phải kéo lãi suất lên cao hơn so với dự đoán trước đây của các nhà hoạch định chính và duy trì chúng ở đó trong một thời gian dài.

Ông Joseph LaVorgna, kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại SMBC Nikko Securities, nhận xét: “Báo cáo việc làm tháng 11 chính là điều mà Chủ tịch Powell cảm thấy lo lắng nhất, như những gì ông đã nói với chúng ta hồi đầu tuần này”.

“Tiền lương đang tăng cao hơn năng suất do nguồn cung lao động tiếp tục giảm. Để khôi phục cung cầu lao động, chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn và duy trì như vậy trong một thời gian dài hơn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Còn hy vọng

Dẫu vậy, hy vọng cho nền kinh tế Mỹ vẫn chưa biến mất hoàn toàn.

Chủ tịch Powell nói Fed vẫn có thể thực hiện một cú “hạ cánh mềm”. Trong kịch bản này, Mỹ có thể không suy thoái hoặc chỉ suy thoái nông, tuy nhiên vẫn đi kèm với một giai đoạn tăng trưởng dưới xu hướng dài hạn và tỷ lệ thất nghiệp có thể đi lên một chút.

Song, để nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ cánh mềm, các nhà hoạch định cần các yếu tố gồm: nhu cầu lao động sụt giảm nhưng không xảy ra hiện tượng sa thải hàng loạt, các nút thắt chuỗi cung ứng tiếp tục nới lỏng, chiến sự tại Ukraine chấm dứt, và giá nhà ở đảo chiều đi xuống.

Xét riêng đối với thị trường lao động, mức tăng việc làm hàng tháng phải hạ xuống 175.000 để đáp ứng yêu cầu nói trên. Tính trung bình năm 2022, Mỹ hiện tạo ra khoảng 392.000 việc làm mới mỗi tháng.

 

Theo các nhà kinh tế, có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang hạ nhiệt và sẽ sớm suy yếu như mong muốn của Fed.

Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho hay: “Điều đáng thất vọng nhất là tăng trưởng tiền lương quá cao. Kể từ đầu năm, chỉ số này vẫn loanh quanh mức 5%.... Tiền lương là điều chúng ta cần lo lắng nhất”.

Tuy nhiên, ông Zandi không chắc Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ quá buồn bã về những số liệu việc làm mới.

“Triển vọng lạm phát, dù còn rất khó đoán, vẫn phù hợp với kịch bản Goldilocks. 263.000 việc làm mới so với 200.000 việc làm mà Phố Wall dự báo cũng không khác biệt nhiều”, ông bày tỏ.

Trong kịch bản Goldilocks, nền kinh tế sẽ tăng trưởng vừa phải, không quá nóng và cũng không quá nguội lạnh. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-hoi-de-fed-ha-canh-mem-nen-kinh-te-thu-hep-hon-sau-bao-cao-viec-lam-thang-11-20221231757655.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/