Có hiện tượng doanh nghiệp lớn âm dòng tiền nhiều năm do đầu cơ dự án

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều tập đoàn lớn bị âm dòng tiền nhiều năm nay nhưng không hề lo lắng bởi mục đích của họ là đầu cơ dự án. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau.

Có hiện tượng doanh nghiệp lớn âm dòng tiền nhiều năm do đầu cơ dự án - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản gần hai năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế chưa thể hồi phục, thị trường bất động sản vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhiều nhận định cho rằng, thị trường lúc này đang rất cần những trợ lực, mà cụ thể là cần tháo gỡ những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay.

Tại hội thảo "Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay" diễn ra sáng nay (25/11), TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, ngành bất động sản hiện nay chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Do đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng cần phải nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế tương tự như các doanh nghiệp ngành nghề khác, tránh phân biệt với các ngành nghề khác.

"Đây cũng là thời điểm chúng ta cần đánh giá lại rủi ro của tín dụng bất động sản. Thời gian vừa qua chúng ta liên tục nhấn mạnh tín dụng bất động sản nhiều rủi ro, tín dụng sốt nóng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần thay đổi cách nhìn để tín dụng có thể giúp ổn định thị trường", vị này nói. 

Phân tích thêm, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, gần đây, các doanh nghiệp bất động sản cũng đi đầu và chiếm tỷ trọng lớn trong phát hành trái phiếu. Thực tế, khi chưa có quỹ phát triển bất động sản thì phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn tốt nhất. 

Đặc biệt với doanh nghiệp lớn có uy tín, họ phát hành trái phiếu để huy động vốn và để giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó cần có quy định về trái phiếu để doanh nghiệp phát triển ổn định.

"Với vấn đề thuế, cần xem xét rà soát lại hệ thống thuế nhưng cần tránh cụ thể bởi thị trường đang đối mặt với nhiều vấn đề nhạy cảm thì các công cụ chính sách thuế có thể sẽ là vấn đề tiêu cực gây sụp đổ thị trường", TS. Vũ Đình Ánh cho hay.

Có hiện tượng doanh nghiệp BĐS âm dòng tiền nhiều năm do đầu cơ dự án - Ảnh 1.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Reatimes).

Còn theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguồn cung bất động sản hiện nay khan hiếm rất nghiêm trọng, ngoài vấn đề liên quan đến pháp lý còn nguyên nhân khác là có rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng mua gom và đầu cơ dự án. 

"Thậm chí còn có hiện tượng nhiều doanh nghiệp lớn thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau", vị này nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thực trạng này đã dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn bị âm dòng tiền nhiều năm nhưng họ không hề lo lắng vì mục đích của họ là đầu cơ dự án. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do thể chế, pháp lý không minh bạch, rõ ràng.

"Hậu quả là tiếng kêu về giá bất động sản trong nhiều năm trở lại đây rất nhiều. Nhiều người trẻ nghĩ 1,5 tỷ đồng có thể mua được một căn chung cư ngoài vành đai, cách xa trung tâm, nhưng giá thực tế có thể đã lên đến 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng nên chăng thành lập một bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất trong thành phố để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh", ông Nghĩa đề xuất.

Vấn đề thứ 2 theo vị chuyên gia này là tín dụng dành cho bất động sản. Ông kiến nghị nên có sự phân biệt với các dự án bất động sản để những doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển dự án tốt nhận được sự ưu đãi phát triển dễ dàng. Ngoài ra, cần tìm cách giải ngân vốn cho bất động sản hợp lý hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-hien-tuong-doanh-nghiep-lon-am-dong-tien-nhieu-nam-do-dau-co-du-an-20211125150849065.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/