Có đối thủ chung là Mỹ, Huawei và Nga thắt chặt hợp tác với nhau

Sau khi bị chính phủ Mỹ và nhiều nước châu Âu đưa vào danh sách đen, Huawei Technologies đang thắt chặt mối quan hệ với Nga. Nikkei dẫn lời một số nhà phân tích nhận định đây là một động thái có ý nghĩa rất lớn đối với cả hai bên.

1-reuters

Huawei tăng cường hợp tác với Nga sau khi bị Mỹ và đồng minh châu Âu liệt vào danh sách đen. (Ảnh: Reuters)

Huawei và Nga hợp tác vì đều đối mặt với cấm vận từ phương Tây

"Huawei là công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, mà Trung Quốc lại là bạn của Nga, vì vậy cũng dễ hiểu khi Huawei đi đầu trong mối quan hệ hữu hảo này", ông Vladimir Rubanov, Giám đốc quản lí công ty CNTT Nga Rosplatforma.

Trong năm qua, Huawei đã đạt được nhiều bước tiến lớn ở Nga. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nổi lên như một doanh nghiệp tiên phong trong nhiều lĩnh vực như phát triển mạng 5G, kinh doanh điện thoại thông minh.

Huawei còn đang trong quá trình mở rộng đáng kể hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Nga và thành lập quan hệ đối tác với các trường đại học địa phương.

Giống như Huawei, Nga cũng đang phải đối mặt với thái độ gay gắt từ phương Tây và mối quan hệ giữa Moscow và Washington đang xấu đi. Trong bối cảnh đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang rót vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Nga và giúp các chuyên gia công nghệ nước này tiếp thu kĩ năng mới, ông Rubanov nói.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới St.Peterburg hồi tháng 6, Huawei đã kí kết một thỏa thuận với MTS - công ty viễn thông hàng đầu nước Nga nhằm phát triển mạng 5G ở nước này. Hai công ty mới ra mắt khu thử nghiệm 5G đầu tiên tại Moscow vào tháng trước.

Vào ngày 8/10, Phó Chủ tịch Huawei Ken Hu tuyên bố rằng công ty sẽ tăng cường phát triển mạng 5G ở Nga bằng cách đầu tư 500 triệu rúp (tương đương 7,8 triệu USD) để đào tạo 10.000 chuyên gia trong vòng 5 năm tới.

Huawei đã trở thành một "tay chơi" chiếm ưu thế trên thị trường điện thoại thông minh Nga. Theo nhóm nghiên cứu M.Video-Eldorado, Huawei và thương hiệu Honor đã vượt mặt Samsung Electronics về doanh số điện thoại thông minh trong quí III/2018.

Một nghiên cứu khác của M.Video-Eldorado vào tháng 8 cho thấy Huawei và Honor hiện cùng nhau kiểm soát 37% thị phần điện thoại thông minh Nga.

Ông Eldar Murtazin, Tổng biên tập tờ Mobile Review, cho biết thành công của Huawei trên thị trường điện thoại thông minh Nga phần lớn là nhờ vào khoản đầu tư lớn vào thương hiệu Honor.

Ông Murtazin nhận định Honor chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Nga thông qua việc cung cấp các dòng điện thoại chất lượng tương đối cao với mức giá thấp hơn các đối thủ.

"Dĩ nhiên, không ai tích cực cạnh tranh với Huawei trong khoản hạ giá sản phẩm hào phóng chưa từng thấy này bởi vì khi doanh số ban đầu âm, doanh nghiệp khó có thể tiếp tục hoạt động", Tổng biên tập tờ Mobile Review cho biết.

Nga không quan tâm đến cáo buộc làm gián điệp của Huawei

Trong khi Huawei gặp trở ngại ở Mỹ và châu Âu với cáo buộc rằng sản phẩm của hãng có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp của chính phủ Trung Quốc, ông Murtazin nhận định cáo buộc như vậy không có ý nghĩa ở Moscow.

2-reuters

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới St.Peterburg hồi tháng 6, Huawei đã kí kết một thỏa thuận với MTS - công ty viễn thông hàng đầu nước Nga nhằm phát triển mạng 5G ở nước này. (Ảnh: Reuters)

"Tại Nga, Huawei được xem là một công ty tuân thủ pháp luật, không tham gia vào các việc làm như vậy bởi không ai đưa ra bất kì bằng chứng nào", ông nói.

Hơn nữa, toàn bộ chuyên gia người Nga mà Nikkei Asian Review phỏng vấn đều nhất trí rằng dữ liệu cá nhân vốn rất dễ bị tấn công và không có lí do gì để tin chỉ duy nhất người dùng của Huawei đang gặp rủi ro bảo mật.

Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng trong vấn đề đột nhập đánh cắp thông tin người dùng Nga, chính quyền điện Kremlin lo ngại Mỹ sẽ làm vậy nhiều hơn là Trung Quốc - đối tác chiến lược thân thiết của Nga.

"Các chuyên gia công nghệ Nga còn đùa rằng: Nếu bạn dùng Apple, Washington sẽ nghe lén cuộc gọi của bạn. Nếu bạn dùng Huawei, Bắc Kinh cũng sẽ nghe được cuộc gọi. Nhưng cái nào thì tốt hơn?", ông Rubanov nói.

Đội ngũ kĩ sư, lập trình viên tài năng của Nga là "mỏ vàng" của Huawei trong tương lai

Nikkei dẫn lời một số chuyên gia cho biết căng thẳng gia tăng với Washington cũng thúc đẩy Huawei tìm đến Nga như một nguồn sáng tạo tiềm năng.

Hồi tháng 8, Huawei tuyên bố họ sẽ tăng gấp ba lần nhân viên R&D ở Nga trong 6 năm tới và mở thêm ba trung tâm R&D ở đây vào cuối năm 2019, từ đó biến Nga trở thành tổ hợp R&D lớn thứ ba của Huawei bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Huawei cũng đang tăng cường hợp tác với các trường đại học công nghệ và tổ chức nghiên cứu hàng đầu nước Nga thông qua mời họ tham gia vào các dự án chung và hỗ trợ tài chính cho những nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực công ty quan tâm, tờ Izvestia đưa tin.

Ông Dmitry Komissarov, CEO của New Cloud Technologies, cho biết lực lượng lao động lành nghề của Nga giúp Huawei duy trì lợi thế sáng tạo bất chấp áp lực từ phương Tây.

"Không nhiều quốc gia có nguồn lập trình viên và kĩ sư dồi dào", ông nói. "Nga không phải là đất nước duy nhất có thể cung cấp người lao động lành nghề trong lĩnh vực này, nhưng Nga chắc chắn là một lựa chọn".

Với nguồn tài chính khổng lồ, Huawei có nhiều lợi thế trong thu hút nhân lực tài năng tại Nga. Ông Komisssarov cho hay Huawei đã tuyển nhiều người quen của ông trong ngành CNTT bằng cách tăng lương gấp đôi.

Từ góc độ của Moscow, mối quan hệ với Huawei có nhiều lợi ích. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc rót vốn đầu tư vào nền kinh tế Nga, thứ mà nước Nga đang rất cần, và giúp chuyên gia công nghệ trong nước học hỏi kĩ năng mới, ông Rubanov nói.

"Về bản chất, Huawei đang sử dụng tiền của chính mình để hướng dẫn công dân Nga sử dụng công nghệ tiên tiến và trao cho họ cơ hội thử sức để phát triển sản phẩm mới ở qui mô toàn cầu", ông này nhận định.

CEO Komissarov cũng đồng ý với quan điểm trên, đồng thời nói thêm rằng nhiều chuyên gia được đào tạo tại các trung tâm R&D của Huawei cuối cùng sẽ thành lập công ty riêng, từ đó thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong ngành CNTT về lâu dài.

Khi Huawei tăng cường mức độ hiện diện ở Nga, thành công trong tương lai của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể sẽ khiến nhiều đối thủ Mỹ thua thiệt, ông Murtazin cho hay.

"Chiến lược toàn cầu của Huawei khá đơn giản. Cánh cửa thị trường Mỹ đã đóng sập lại với Huawei nhưng họ còn có thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia trung thành mà Huawei có cơ hội mở rộng ảnh hưởng ở đó. Nga là một trong những nước như vậy".

"Vì lí do này, Huawei sẽ đầu tư mạnh tay vào thị trường Nga và từ đó hạ gục các công ty cơ sở hạ tầng mạng của Mỹ ở Nga", ông Murtazin nói thêm. "Thông qua việc cung cấp các điều kiện và hợp đồng tốt hơn, đây là một nỗ lực toàn diện nhằm loại bỏ đối thủ, ít mang tính chính trị mà chủ yếu bằng marketing và thương mại".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-doi-thu-chung-la-my-huawei-va-nga-that-chat-hop-tac-voi-nhau-20191028124125385.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/