Có 10 tỉ USD tiền mặt, Uniqlo mở thêm cửa hàng và đẩy mạnh bán online

Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo - tích lũy tới 1.120 tỷ yen (10,1 tỉ USD) tiền mặt. Tổng dự trữ tiền mặt của tập đoàn Nhật Bản tăng vọt 3 lần trong 5 năm qua.

Theo Nikkei Asian Review, tháng trước Fast Retailing xác nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh cả năm tính đến tháng 8 sẽ giảm 5%. Đây là một bước đi lùi, trái với dự báo tăng trưởng trước đó. Đồng thời, công ty đã bổ sung 28,5 tỷ yen vốn bằng tiền trong quý I vào tháng 11 năm ngoái, nâng tổng số vốn vượt mốc 1.000 tỷ yen.

Nikkei dẫn lời nhà phân tích Hidehiko Aoki của Nomura Securities nhận định: “Công ty có thể sử dụng tiền mặt cho các mục tiêu đầu tư trong tương lai, nhưng giữ lại cũng sẽ là một lựa chọn không tệ".

Giới phân tích cho biết việc Fast Retailing tích lũy nhiều tiền mặt xuất phát từ những khó khăn trong thời kỳ đầu hoạt động. Sau khi mở cửa hàng đầu tiên, Uniqlo phát triển rất nhanh, tuy nhiên thường xuyên chật vật với tình trạng thiếu vốn.

"Chúng tôi kinh doanh có lãi nhưng luôn thiếu vốn", Chủ tịch kiêm CEO Tadashi Yanai kể lại. Sau đó, Uniqlo thành công lớn, đưa Fast Retailing trở thành doanh nghiệp 20 tỷ USD như hiện nay.

Có 10 tỉ USD tiền mặt, Uniqlo mở thêm cửa hàng và đẩy mạnh bán online - Ảnh 1.

Tập đoàn Fast Retailing là công ty mẹ của hãng thời trang Uniqlo. Ảnh: Tsuyoshi Tamehiro

Trong thập niên 2000, Fast Retailing từng ồ ạt mua lại nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Một số kinh doanh bết bát, không đạt mục tiêu tăng trưởng. Thương hiệu thời trang Pháp Comptoir des Cotonniers thua lỗ nặng nề trong nhiều năm qua.

Hãng denim cao cấp J Brand Holdings (Mỹ) - được Fast Retailing mua lại năm 2012 - là thương vụ sáp nhập quy mô lớn cuối cùng của hãng tính đến nay.

Tập đoàn thời trang Nhật Bản hiện tập trung nguồn lực vào công nghệ để đẩy doanh số online lên mức chiếm 30% tổng doanh thu. Tuy nhiên, CEO Yanai cho biết Fast Retailing không có ý định mua lại các hãng bán lẻ online.

"Chúng tôi muốn tăng trưởng mà không cần chi tiền cho các thương vụ sáp nhập", CEO Yanai nhấn mạnh. Giới phân tích nhận định Fast Retailing sẽ tiếp tục tập trung vào chiến lược mở cửa các cửa hàng bán lẻ mới.

Tập đoàn Nhật Bản có kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng mới mỗi năm tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Thị trường Đông Nam Á cũng được chú trọng phát triển. Theo CEO Yanai, các thị trường mới sẽ là chìa khóa để công ty đạt được mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ yen (89 tỷ USD).

Có 10 tỉ USD tiền mặt, Uniqlo mở thêm cửa hàng và đẩy mạnh bán online - Ảnh 2.

Cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mua hàng qua mạng đang trở nên phổ biến tại các thị trường mới. Ngoài ra, dich virus corona bùng phát buộc Uniqlo tạm thời đóng cửa một nửa trong số 750 cửa hàng ở Trung Quốc.

Thị trường 1,4 tỷ dân là nơi có mạng lưới hệ thống Uniqlo lớn nhất ngoài Nhật Bản, do đó dịch virus corona kéo dài sẽ gây tổn thất đáng kể cho Fast Retailing.

Cũng phải kể đến sự xuất hiện ồ ạt của các công ty khởi nghiệp thời trang khai thác dữ liệu người dùng trên mạng xã hội và điều chỉnh sản phẩm theo khẩu vị từng khách hàng. Tuy vậy, CEO Fast Retailing không xem đây là mối đe dọa lớn.

"Không dễ để tạo ra những thứ mà khách hàng muốn", ông Yanai nói.

Ngoài chiến lược phát triển kinh doanh, các công ty lớn thường cần giải pháp bất ngờ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và Fast Retailing cũng không ngoại lệ. Tháng 8 năm ngoái, tập đoàn đã ra mắt tạp chí LifeWear để thu hút lượng lớn người tiêu dùng quan tâm đến thời trang bền vững.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-10-ti-usd-tien-mat-uniqlo-mo-them-cua-hang-va-day-manh-ban-online-20200220202353345.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/