Chuyện ngập lụt kỷ lục ở Phú Quốc và báo động tình trạng ồ ạt bê tông hóa bãi biển

Từ Quảng Ninh, Đà Nẵng đến Nha Trang, Phú Quốc, tình trạng bê tông hóa bãi biển đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, gây ra nhiều hệ lụy. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc ngập lụt kỉ lục ở Phú Quốc vừa qua có một phần nguyên nhân từ quá trình đô thị hóa, chủ yếu là vấn đề bê tông hóa mặt đất, thiếu diện tích để điều hòa thoát nước.

Anh_1_gui_zing0247

Cao ốc 'bóp nghẹt' bờ biển Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Zing news.

"Ồ ạt" bê tông hóa bãi biển

Bộ Xây dựng dẫn số liệu báo cáo của 16 tỉnh, thành phố ven biển có dự án du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn cho biết, tính đến tháng 7/2017, đã có 77 dự án với 16.437 phòng khách sạn, 11.174 căn biệt thự, 12.056 căn hộ khách sạn (condotel) đã và đang được đầu tư xây dựng.

Từ năm 2015 đến tháng 9/2017, cả nước đã có 71 dự án condotel, officetel được cấp phép với tổng số 25.639 căn.

Riêng tại Đảo ngọc, theo số liệu từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc, tính đến đầu năm 2019, hòn đảo có 304 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Trong đó, có 262 dự án được cấp giấy chứng nhận và quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn lên đến 305.400 tỉ đồng.

Thực tế, tình trạng bãi biển bị bê tông hóa, không gian biển bị che chắn, người dân không còn lối đi ra biển đang diễn ra phổ biến ở nhiều đô thị ven biển trên khắp cả nước.

Năm 2018, tình trạng bê tông hóa ồ ạt bán đảo Sơn Trà, nơi được coi là 'lá phổi xanh' của Đà Nẵng cũng được dư luận quan tâm và đồng loạt lên tiếng.

Hàng loạt công trình kiên cố bê tông mọc từ chân lên đến đỉnh núi như Dự án Bai But Bay Resort, Mercure Sơn Trà Resort, Sơn Trà Resort, InterContinental Danang....

Trước đó, chính quyền TP Đà Nẵng đã phê duyệt cho xây dựng nhiều resort ven biển, che kín lối đi xuống biển của người dân địa phương. Sau đó, người dân Đà Nẵng đã phải lên tiếng phản đối để "giành" lại bãi biển. Để sửa sai, chính quyền TP Đà Nẵng đã có động thái yêu cầu một số chủ đầu tư mở lại lối xuống biển cho người dân.

Gần đây nhất, dư luận lại xôn xao trước tin sông Hàn đang bị bồi lấn để phân lô bán nền. Theo đó, dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex đang san ủi, làm kè đổ đất lấn bờ sông xây biệt thự để bán,… Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý.

Bờ biển Nha Trang (Khánh Hòa) cũng là minh chứng rõ nét của quá trình "bê tông hóa" quá mức. Nhiều năm qua, vì muốn tạo ra các điểm nhấn phát triển đô thị mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép doanh nghiệp liên tục xây cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng dày đặc. Hậu quả là cảnh quan tự nhiên bờ biển Nha Trang đang bị bao vây bởi "bức tường cao ốc".

Hay như vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long, những năm gần đây cũng bị "bê tông hóa" chóng mặt bởi các hoạt động xây dựng trái phép.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này đã nêu ra hàng loạt công trình trái phép đã và đang xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh,...

Bài học từ câu chuyện ngập lụt ở Phú Quốc

Những ngày gần đây, người dân Phú Quốc đang phải sống chung với cơn "đại hồng thủy" sau đợt mưa lớn và kéo dài nhất trong vòng 100 năm qua. Chính quyền Phú Quốc thông tin nơi đây ngập do mưa lớn, rác thải và hệ thống cống lạc hậu.

Tuy nhiên còn một nguyên nhân nữa mà các chuyên gia chỉ ra là đảo ngọc ngập vì phát triển quá nóng, bờ biển bị bê tông hóa. Đây cũng là một hồi chuông báo động cho thực trạng ồ ạt cấp phép xây dựng các công trình ven biển hiện nay.

ly-giai-nguyen-nhan-mua-lon-bat-thuong-o-tay-nguyen-phu-quoc

Các tuyến đường ở Phú Quốc ngập nặng trong nước. (Ảnh: Vietnamnet)

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, tình trạng ngập lụt ở Phú Quốc những ngày gần đây phải xem xét đồng bộ các nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lượng mưa lớn trong tuần vừa qua, không chỉ ở Phú Quốc mà cả các tỉnh Nam Bộ và một số tỉnh ở miền Bắc cũng đều bị ảnh hưởng. Ngay ở như ở Hà Nội, tình trạng ngập lụt gần đây cũng có mức độ khác biệt hơn.

Nguyên nhân thứ hai phải đề cập đến chính là thách thức của quá trình đô thị hóa, chủ yếu là vấn đề bê tông hóa diện tích mặt đất, thiếu diện tích để điều hòa thoát nước.

phu quoc2

Hàng trăm dự án bất động sản đang được triển khai xây dựng tại Phú Quốc. Ảnh: Zing news.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phú Quốc có quá trình đô thị hóa rất nhanh. Trong khi đó, để đô thị hóa thì một trong những thách thức lớn nhất chính là mật độ xây dựng. Bởi vì việc thoát nước bề mặt không những phụ thuộc vào hệ thống thoát nước đã được định hình mà còn phụ thuộc vào độ thấm nước một cách tự nhiên thể hiện qua mật độ xây dựng.

Vị chuyên gia này phân tích, Phú Quốc trước kia tỉ lệ xanh hóa rất nhiều, thời gian vừa qua tốc độ xây dựng nhanh đã tác động làm giảm diện tích thoát nước bề mặt, dẫn tới hiện tượng ách tắc. Thoát nước bề mặt không chỉ ở Phú Quốc mà ngay TP HCM hay Hà Nội và các đô thị như Lào Cai, Sa Pa cũng bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân thứ ba mà KTS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra đó là vấn đề gia tăng mật độ xây dựng và gia tăng dân số. Dân số gia tăng cộng với qui hoạch chưa lường trước được thách thức sẽ ảnh hưởng đến vấn đề thoát nước. Việc bê tông hóa không phải chỉ xây dựng công trình mà cần xây dựng cả hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông,…

Liên quan đến thực trạng cấp phép xây dựng cao ốc, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển thời gian qua, vị chuyên gia này cho biết, đây cũng là vấn đề cần phải xem xét.

"Phải khẳng định, vấn đề khai thác một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề cần phải chú trọng hơn nữa. Đừng vì phát triển nóng về kinh tế để đạt được chỉ tiêu nhất định mà ảnh hưởng đến vấn đề bền vững của môi trường, điển hình là vấn đề qui hoạch", ông Nghiêm nhận định.

Ông phân tích thêm, để Việt Nam phát huy được lợi thế địa hình do tiếp giáp với biển thì cần phải có một qui hoạch hoàn chỉnh gắn liền với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, phải lấy vai trò của con người, của cộng đồng làm trọng tâm để phát triển. Đừng vì lợi ích kinh tế mà chuyển giao bờ biển cho các doanh nghiệp, sẽ rất dễ làm hỏng việc khai thác cảnh quan.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nếu tình trạng ồ ạt cấp phép cho các dự án ven biển không có sự kiểm soát thì rất dễ xảy ra tình trạng các dự án sẽ tư hữu hóa các bãi biển và các chủ đầu tư biến bãi biển thành của riêng.

"Thực tế vừa qua đã có một số tỉnh như Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra tình trạng này và đã phải thu hồi các dự án ở ven biển, thậm chí chấp nhận đền bù để thu hồi", KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, nhiều nước trên thế giới cũng đã có các qui hoạch đô thị ven biển nhưng họ phát huy được hiệu quả rất lớn, ví dụ như Malaysia,… Vấn đề ở đây là phải đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của vùng lên trước, sau đó là phải có tầm nhìn qui hoạch dài hạn.

"Quốc hội vừa ban hành Luật Qui hoạch mới, trong đó tích hợp tất cả các loại qui hoạch. Đây là một bước chuyển mình nhưng phải sau năm 2022 thì mới có thể có những qui hoạch tích hợp. Vì vậy, trong giai đoạn quá độ từ nay đến năm 2025 để có những qui hoạch tích hợp được các tiêu chí thì cần phải rà soát lại các dự án, thậm chí phải trả lại những dự án không hợp lý", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-ngap-lut-ky-luc-o-phu-quoc-va-bao-dong-tinh-trang-o-at-be-tong-hoa-bai-bien-20190813164546333.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/