Chuyên gia VinaCapital: Sản lượng xuất khẩu hàng may mặc, da giày giảm sẽ kéo tụt tăng trưởng GDP Việt Nam

Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital đã có những nhận định sơ bộ về ảnh hưởng kinh tế khi TP HCM siết chặt giãn cách, đồng thời cảnh báo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị cản trở trong bối cảnh các doanh nghiệp may mặc, da giày phía Nam gặp khó khi duy trì sản xuất.

Nhiều KCN ở ngoại thành TP HCM vẫn hoạt động dù công suất giảm

Trong nhận định mới nhất về tác động kinh tế khi TP HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam siết chặt giãn cách, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng "đầu tàu" TP HCM không đóng cửa hoàn toàn.

TP vẫn có hơn 3.000 siêu thị hoạt động. Hàng hóa cũng được lấp đầy trên các kệ hàng sau khi trống trơn vào cuối tuần trước khi người dân đổ xô tích trữ thực phẩm trước giờ siết chặt giãn cách.

Chuyên gia của VinaCapital cho rằng mặc dù TP HCM siết chặt giãn cách nhưng nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp ở ngoại thành vẫn đang hoạt động, dù công suất giảm. 

Theo quan sát, từ đầu tháng 7, vẫn có nhiều xe buýt, bao gồm cả của doanh nghiệp lớn như Panasonic, Sanyo và Samsung đưa đón công nhân từ trung tâm TP HCM đến các khu công nghiệp ở ngoại thành. Trong tuần này, lượng xe buýt đưa đón công nhân không ghi nhận sự sụt giảm đáng kể nào.

Trước tháng 7, công suất phòng của các khách sạn khá thấp. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7, công suất của các khách sạn tăng lên khoảng 20% do nhiều doanh nghiệp thuê phòng cho nhân viên cấp quản lý trong thời gian thành phố giãn cách.

Ông Michael Kokalari cho hay Intel đã phải bỏ ra 6 triệu USD/tháng để chi trả tiền nhà cho công nhân cũng như các chi phí phòng chống dịch COVID-19 khác. Trong tuần này, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn đã tăng lên hơn 70% do các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội tại TP HCM.

Chuyên gia VinaCapital: Sản lượng xuất khẩu hàng may mặc, da giày giảm sẽ kéo tụt tăng trưởng GDP Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital lưu ý xuất khẩu hàng may mặc, da giày giảm sẽ cản trở đà tăng trưởng GDP Việt Nam. (Ảnh minh họa: VNA).

Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại

Theo nhận định của Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, các công ty FDI có thể đủ khả năng trả chi phí thuê khách sạn, nơi lưu trú cho nhân viên hay các chi phí liên quan phòng chống dịch COVID-19 khác. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng may mặc, da giày và các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đã giảm trong tháng 8.

Sự sụt giảm này sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cũng giống như sự suy giảm trong di chuyển cá nhân ở TP HCM xuống mức thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên vào tháng 4/2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng trong nước.

Theo dữ liệu của Google, chỉ số di chuyển đến địa điểm làm việc trong tuần này có thể sẽ giảm xuống -90% so với mức trước dịch COVID-19. Ở làn sóng dịch đầu tiên, chỉ số này giảm đến -40%.

Với những lý do trên, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay điều chỉnh xuống 4,5% từ mức 6% trong dự báo trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã giảm dự báo xuống còn 4,8%. 

Ngoài ra, chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng kỳ vọng tăng trưởng EPS (lãi ròng trên mỗi cổ phiếu) của toàn thị trường chứng khoán đạt 38% vào năm nay là khó khả thi. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ tăng mạnh trong năm tới, vì vậy các nhà đầu tư không nên quá tin tưởng vào chiến lược “chọn đúng thời điểm thị trường” và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này, hay cố gắng tính toán thời điểm quay trở lại thị trường.

Chính phủ đặt mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch COVID-19 tại TP HCM. Theo ông Michael Kokalari, điều này có nghĩa cần phải giảm 20% số ca tử vong hằng ngày; giảm 20% số bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tình trạng nguy kịch và số ca nhập viện hàng ngày ít hơn số bệnh nhân xuất viện mỗi ngày.

Việt Nam cũng đang tiến hành chương trình thử nghiệm vắc xin COVID-19 và đặt mục tiêu 70% dân số trưởng thành của TP HCM hoàn thành liều vắc xin đầu tiên vào ngày 15/9. Chính phủ đang ưu tiên việc tiêm chủng cho người dân khu vực TP HCM. Hiện thành phố cùng ba tỉnh công nghiệp lân cận gồm Bình Dương, Đồng Nai và Long An đang chiếm hơn 1/3 GDP của quốc gia.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-vinacapital-san-luong-xuat-khau-hang-may-mac-da-giay-giam-se-keo-tut-tang-truong-gdp-viet-nam-20210827082607339.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/