Chuyên gia: Nhiều yếu tố thuận lợi giúp giải ngân đầu tư công năm nay đạt hơn 500.000 tỷ đồng

Năm 2023, kế hoạch đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng. Theo CEO WiGroup, đầu tư công năm nay có nhiều thuận lợi và giải ngân 70-80% là hoàn toàn khả thi.

Chia sẻ trên kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup nhận định lạc quan về triển vọng đầu tư công năm nay.   

Đại diện WiGroup nhắc đến ba dự báo cơ bản trong năm nay gồm tăng trưởng kinh tế nhìn chung khá khó khăn, lạm phát dưới mức mục tiêu 4,5% và tỷ giá ổn định. Ba dự báo này hàm ý chính sách tiền tệ năm nay sẽ mở rộng ở mức vừa phải, không thắt chặt nhưng không kỳ vọng mở rộng mạnh do Việt Nam vẫn chịu áp lực từ chính sách tiền tệ toàn cầu.

Theo ông Trần Ngọc Báu, chính sách tài khóa 2022 để lại dấu ấn về cắt giảm thuế, như VAT, thuế xăng dầu, tuy nhiên sang năm 2023, Việt Nam cần một công cụ tác động mạnh hơn là đầu tư công.  

 Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup. (Ảnh: DNVN).

Nói về thực trạng giải ngân đầu tư công năm vừa qua, năm 2020 là năm bứt tốc về đầu tư công khi giải ngân đạt gần 83%. Năm 2021, giải ngân đầu tư công cũng khá tích cực dù giãn cách xã hội vào quý III. Với năm 2022, dù là năm xuất hiện nhiều vấn đề ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công thì vốn thực hiện cũng khoảng 400.000 tỷ đồng.

Năm 2023, kế hoạch đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng. Theo CEO WiGroup, đầu tư công năm nay có nhiều thuận lợi và giải ngân 70-80% là hoàn toàn khả thi.

Yếu tố đầu tiên là giá hàng hóa, đặc biệt là giá thép từng tăng mạnh hai năm 2021, 2022 làm cho đầu tư công trở nên khó khăn thì hiện đã về vùng trũng. Đây là tiền đề để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công khi mà giá thép chiếm trọng số lớn trong chi phí xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.

Một số thuận lợi khác phải kể đến việc thay đổi chính sách đấu thầu hay chính sách cung cấp nguyên vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án.

“Như vậy năm nay có thể giải ngân khoảng 80% vốn đầu tư công, tương đương khoảng 560.000 tỷ đồng”, ông Báu dự báo.

 

Đồng quan điểm, ông Long Phan, CEO & Founder AFA Group cho rằng đầu tư công là động lực chính trong bối cảnh doanh nghiệp dịch vụ sản xuất gặp khó do lãi suất nhu cầu tiêu dùng yếu bất chấp Tết Nguyên đán, tuy nhiên cần lưu ý đến vấn đề tỷ lệ giải ngân đầu tư công.   

Cũng nhận định về đầu tư công, trong báo cáo mới công bố, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhấn mạnh trong bối cảnh môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dưới áp lực của lạm phát và môi trường lãi suất cao, đầu tư công được xem là “chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia tại đây dự báo giải ngân vốn NSNN ước tính đạt từ 554.000 tỷ đồng đến 673.000 tỷ đồng, tương với tốc độ tăng trưởng từ 8,4-31,7%.

BSC dự tính hai kịch bản cho tình trạng giải ngân kế hoạch của vốn NSNN. Kịch bản 1 diễn ra khi giải ngân đầu tư công chủ yếu tập trung vào kế hoạch tuyến đường Bắc – Nam với kế hoạch giải ngân thường niên ở mức thấp. Kịch bản 2 diễn ra với tiến độ giải ngân được chú trọng ở cả hai kế hoạch.

Dự báo về một số khó khăn, BSC cho rằng tình trạng đầu tư công có thể chậm lại nếu xảy ra tình trạng đội vốn đầu tư tại một số dự án lớn, và thủ tục quy hoạch còn chậm. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-nhieu-yeu-to-thuan-loi-giup-giai-ngan-dau-tu-cong-nam-nay-dat-hon-500000-ty-dong-202329161940753.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/