Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 6,8% trong 3 năm tới bất chấp xuất khẩu giảm

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, mặc dù lạm phát có thể đạt đỉnh 7% vào cuối năm nay nhưng Việt Nam vẫn sẽ kiểm soát được lạm phát 4% như mục tiêu do cách tính lạm phát bình quân. Trong kịch bản kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam vẫn còn trụ cột có thể kéo tăng trưởng kinh tế đạt mức bình quân khoảng 6,8% mỗi năm trong vòng 3 năm tới.

Lạm phát Việt Nam dự báo đạt đỉnh cuối năm, chính sách tiền tệ vẫn đang thận trong 

Vừa mới phục hồi sau đại dịch, kinh tế Việt Nam đang phải tìm giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với những áp lực từ bên ngoài, bao gồm các vấn đề địa chính trị, lạm phát leo thang và các chính sách thắt chặt tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Giới kinh doanh trong nước đang lo ngại  lạm phát leo thang có thể khiến các nhà làm chính sách điều hành theo hướng thắt chặt. gây khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp, các dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ phải hoãn lại chờ quan sát.

Hiện NHNN đã đưa rõ mục tiêu điều hành chính sách thận trọng, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% đồng thời chặt chẽ với các chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng nhằm đảm bảo lạm phát trên hai con số của giai đoạn 2011 không tái lập lại. Trong khi đó, tính đến hết tháng 6, nhiều ngân hàng đã cho vay gần chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng  được cấp. 

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành – giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright với chủ đề Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Xua tan mây mù lạm phát tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam. (Ảnh: H.N).

Theo phân tích của chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, có những yếu tố cho thấy Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát bình quân 4% như mục tiêu, làm tiền đề để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.

Ông Thành cho rằng hiện các nước đang ở vùng đỏ với mức lạm phát 8,6-9,6% như Mỹ và châu Âu hoặc "vùng cam" từ 7-7,7% gồm Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc đều đang có những dấu hiệu đạt đỉnh trong quý II-III/2022 theo báo cáo mới đây của IMF.

Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam dù đang được xếp vào "vùng xanh" nhưng chưa có dấu hiệu đạt đỉnh do có độ trễ. Lạm phát những tháng qua là do chi phí đẩy, chủ yếu là tác động trực tiếp từ giá năng lượng. Ông Thành dự đoán, từ tháng 7-12, ảnh hưởng của giá dầu không còn nhiều nhưng ảnh hưởng giá lương thực thực phẩm sẽ tăng. 

Chuyên gia cho rằng con số CPI 3,4% có thể gây nghi ngờ với người dân và doanh nghiệp khi hàng ngày đi chợ hay mua nguyên vật liệu đều tăng từ 12-18%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào rổ hàng hóa có thể giải thích được do lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng hơn 30% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng giá gạo và thịt heo không tăng mạnh. Ngược lại, giá xăng dầu, gas đã tăng hơn 50% nhưng lại chỉ chiếm 8%.

Vị chuyên gia dự báo lạm phát trong ngắn hạn vẫn sẽ tăng và sẽ đạt đỉnh vào cuối năm, khoảng 7%.  Dù vậy, ông Thành cho rằng khả năng lạm phát bình quân của Việt Nam chỉ khoảng 3,8% trong năm nay, dưới mục tiêu 4%. Nguyên nhân là do mục tiêu lạm phát của Việt Nam được lấy từ mức bình quân 12 tháng thay vì so với cùng kỳ. Do vậy, Chính phủ có thể sẽ không cần thắt chặt tiền tệ thêm để kiểm soát lạm phát. 

Điểm thuận lợi theo ông Thành là áp lực tăng giá dầu từ nay đến cuối năm sẽ nhẹ nhàng hơn khi các con số dự trữ dầu của Mỹ ở mức cao trong khi nhu cầu có xu hướng giảm do lo ngại kinh tế suy thoái. Kể cả chiến sự tại Ukraine có căng thẳng hơn, nếu giá dầu vẫn dưới ngưỡng 120 USD một thùng thì khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam vẫn khả quan.

Kịch bản xấu nhất là giá dầu vượt 120 USD thì việc kiểm soát lạm phát dưới 4% sẽ rất khó khăn. Khi ấy, hy vọng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ không còn.

Do vậy, chuyên gia cho rằng, dù nguy cơ lạm phát tăng ngoài mức kiểm soát đã suy yếu, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn, nếu giá dầu thế giới lại bùng lên và nền kinh tế thế giới sẽ có những tháng suy thoái vào năm sau.  

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,8% trong 3-5 năm tới

Theo phân tích của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, GDP năm 2022 có thể tăng 7,3-7,6% nhờ tiêu dùng phục hồi, đóng góp lớn ở vực xuất khẩu và đầu tư tư nhân. Nhưng thực tế mức cao này không có nghĩa là nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ mà chỉ có nghĩa là bù đắp cho mất mát tăng trưởng của 2 năm trước đó. 

Dư địa chính sách tài khóa và đầu tư công được dự báo sẽ dẫn dắt kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% giai đoạn 2023-2025. (Ảnh: H.N)

Điểm thuận lợi là trong khi chính sách tiền tệ thận trọng theo mục tiêu ổn định lạm phát, chính sách tài khóa lại đang có nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách đang vượt kế hoạch , dư địa ngân sách cho đầu tư lớn. Ngoài ra, ngân sách cũng đang dư nguồn lực để thực hiện cắt giảm thuế, phí  giúp kiểm soát giá.

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, trong ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bao gồm tiêu dùng dân cư, đầu tư tư nhân và FDI, xuất khẩu đang cùng phát huy vai trò tạo động lực tăng trưởng trong năm 2022. 

Nửa đầu năm 2022, doanh số xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, so với những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng 2 tháng gần đây đã chậm lại .

Mặc dù khu vực xuất khẩu có thể chậm lại nhưng theo ông Thành,  nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng bình quân 6,8% trong  trung hạn 2023-2025. "Mức tăng trưởng này là khả thi dù không có cải cách sâu rộng. Trong đó, trụ cột chính dẫn dắt tăng trưởng là đầu tư công, tiếp đến là đầu tư tư nhân và FDI", chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành dự báo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-nguyen-xuan-thanh-viet-nam-co-the-dat-muc-tang-truong-binh-quan-68-trong-3-nam-toi-bat-chap-xuat-khau-giam-20228514401798.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/