Chuyên gia cảnh báo hậu quả khôn lường khi EU định đánh thuế công ty điện

Châu Âu đang có kế hoạch đánh thuế vào những nhà sản xuất điện hưởng lợi từ giá cao. Tuy nhiên, kế hoạch này còn nhiều lỗ hổng khi chưa tính đến doanh nghiệp điện than hay nguồn cung trong dài hạn.

Trong một bản dự thảo mà Financial Times có được, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị các chính phủ đánh thuế lên phần doanh thu của những nhà sản xuất điện không sử dụng khí đốt khi giá điện trên thị trường vượt quá ngưỡng 200 euro/megawatt giờ (EUR/MWh).

Giá điện giao ngay ở Đức, tiêu chuẩn cho thị trường châu Âu, hiện đang trên 450 EUR/MWh. Khoản thuế thu về sẽ được sử dụng để giúp đỡ các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Giá điện tại hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã tăng mạnh trong một năm trở lại đây.

Giá bán buôn điện đã tăng vọt bởi chúng được gắn với giá khí đốt, kể cả khi điện năng không được sản xuất từ nhiên liệu này. Giá khí đốt hiện đang gấp 10 lần so với mức trung bình của thập kỷ qua, phần nhiều do việc Nga cắt nguồn cung khí đốt để trả đũa sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine.

Vào hôm 7/9, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết các nhà sản xuất năng lượng phát thải ít carbon như gió, điện mặt trời và hạt nhân đang thu được khoản “doanh thu khổng lồ, doanh thu chưa bao giờ được tính đến, doanh thu chưa bao giờ dám mơ ước và doanh thu chưa thể tái đầu tư nhanh chóng”.

Những khoản “lợi nhuận bất ngờ” nên được các nước thành viên sử dụng để hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp, bà nói.

Thuế trên lợi nhuận vượt mức là một trong 5 giải pháp được EC đề xuất vào hôm 7/9 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng lan rộng.

Những đề xuất khác của EC bao gồm giảm nhu cầu tiêu thụ bắt buộc trong giờ cao điểm, áp giá trần khí đốt Nga, thay đổi quy tắc ký quỹ của doanh nghiệp điện lực và điều chỉnh các quy định hỗ trợ nhằm giúp chính phủ có thể cứu những công ty đang trên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, ngưỡng đánh thuế 200 EUR/MWh nhanh chóng nhận về chỉ trích từ Tây Ban Nha, một nhà sản xuất điện gió và mặt trời lớn. Bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường của Madrid cho biết: “[Mức thuế trên] không tương xứng với chi phí thực sự và không hỗ trợ quá trình điện khí hóa cũng như triển khai năng lượng tái tạo”.

Tài liệu chính thức được công bố vào hôm 7/9 không đưa ra số liệu cụ thể về mức thuế. Một quan chức cao cấp của EU cho biết khối sẽ thảo luận về vấn đề trên trong một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng vào hôm 9/9.

Dự thảo sơ bộ cũng đề xuất cắt giảm tiêu thụ điện bắt buộc ở mức 5% vào giờ cao điểm. Kế hoạch này tương tự như đề xuất tiết kiệm khí đốt 15% trước đây. Tuy nhiên, các thành viên EU đã quyết định rằng các giải pháp hạn chế sử dụng khí đốt chỉ mang tính chất tự nguyện.

Trước đó, vào ngày 5/9, Điện Kremlin cảnh báo dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 sẽ bị ngừng vô thời hạn cho tới khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tỷ trọng khí đốt nhập khẩu từ Nga của EU đã giảm từ 40% vào năm ngoái xuống chỉ còn 9%.

 

Ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng và khí hậu tại Eurasia Group, cho biết mức giới hạn 200 EUR/MWh với nhà máy điện không sử dụng khí đốt “là vừa đủ để giảm mức tiêu thụ điện tại châu Âu trong mùa đông này, đồng thời mang lại cho ngành công nghiệp và người tiêu dùng nhỏ sự đảm bảo rằng chi phí sẽ không tăng thêm nữa”.

Một vài nhà ngoại giao EU và nhà phân tích cho rằng mức thuế chung với tất cả những doanh nghiệp sản xuất điện không sử dụng khí đốt đã không tính đến các nhà máy điện than. Chi phí điện than hiện đang đắt hơn nhiều so với điện gió hay mặt trời, đồng thời EU đang sử dụng than để bù đắp cho lượng khí đốt thiếu hụt.

Brussels đồng thời cũng đề xuất về một “khoản đóng góp đoàn kết” đến từ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, được tính toán trên phạm vi quốc gia dựa vào mức lợi nhuận của các tập đoàn năng lượng lớn.

Ủy ban đã tránh gọi những giải pháp trên là thuế bởi việc áp dụng luật thuế trên toàn EU sẽ yêu cầu sự đồng ý của tất cả các nước thành viên.

Bà von der Leyen cho biết EU đã phải đối mặt với “thời kỳ khó khăn và sẽ không thể kết thúc sớm”, đồng thời bất kỳ giải pháp nào cũng cần được thực hiện “càng nhanh càng tốt”.

Hậu quả khó lường

Các thành viên EU nhìn chung ủng hộ các kế hoạch khuyến khích cắt giảm nhu cầu sử dụng điện nhưng lại chia rẽ về cách giải quyết giá năng lượng đang tăng vọt.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết kế hoạch của Ủy ban đã được các nước thành viên “đồng thuận cao” nhưng có sự khác biệt đáng kể về các chi tiết. Một số, bao gồm Ba Lan, Hy Lạp và Italy, phản đối giá trần đối với khí đốt của Nga do lo ngại Moscow sẽ cắt giảm nguồn cung hơn nữa.

Các quốc gia khác như Tây Ban Nha và Áo đã kêu gọi tách thị trường khí đốt và điện, vấn đề mà Ủy ban châu Âu cho biết đã nghiên cứu từ lâu.

Giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu khí ConocoPhillips cho rằng châu Âu đang "chật vật trong việc đưa ra một chính sách đúng" nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng. 

Việc đánh thuế vào "lợi nhuận dư thừa sẽ có hậu quả khó lường là giảm nguồn cung trong dài hạn", ông Ryan Lance, CEO của ConocoPhillips trả lời phỏng vấn của Bloomberg. "Giải pháp không phải là thuế", ông nói. Kế hoạch mà EU đang xem xét sẽ chỉ mang lại kết quả là "nguồn cung giảm đi và nhu cầu tăng lên". 

Theo The Economist, việc điều chỉnh giá năng lượng sẽ chỉ khiến nhu cầu tăng thêm, trong khi không giải quyết được vấn đề cốt lõi là thiếu nguồn cung nhiên liệu hóa thạch.

Thay vào đó, các chính phủ nên để cơ chế thị thị trường điều chỉnh nhu cầu, hỗ trợ những gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn nhất. Đồng thời, châu Âu cần tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các khu vực khác như châu Phi hay trong nội khối bằng cách xây dựng hệ thống truyền tải khí đốt hiệu quả hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-canh-bao-hau-qua-khon-luong-khi-eu-dinh-danh-thue-cong-ty-dien-20229811221652.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/