Chủ nhãn hiệu cám Bio-zeem lỗ nặng sau khi chuyển nhượng 5 công ty con cho Masan MeatLife

Tình hình thị trường chăn nuôi heo khó khăn, chi phí tài chính cao do nợ vay lớn, cộng thêm không còn nguồn cổ tức dồi dào từ các công ty con đẩy Anco đến thua lỗ.

f0155efa415f3085c066f3b3f1b89284

Anco là doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm - thành viên thuộc Masan MeatLife

Anco lỗ ròng 139 tỉ đồng nửa đầu năm 2019

Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm qui mô hàng đầu tại thị trường Việt Nam với nhãn hiệu Bio-zeem vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2019. 

Báo cáo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của đơn vị thành viên của Masan MeatLife đã giảm 18% so với cùng kỳ, đạt mức 833 tỉ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh từ 15,6% xuống còn 5,3%. 

Theo giải trình, Anco cho biết năm 2019 tiếp tục là năm khó khăn với ngành chăn nuôi heo Việt Nam. Sau khủng hoảng giá heo liên tục qua các năm, bắt đầu từ cuối 2016, ngành chăn nuôi lại phải đối mặt với thiệt hại từ "dịch tả heo Châu Phi", hiện vẫn đang chưa có dấu hiệu kết thúc. 

Doanh thu tài chính giảm mạnh 244 tỉ đồng xuống còn 3 tỉ đồng do có 5 công ty con trong năm 2018 đã chuyển nhượng sang Công ty Masan MeatLife, Anco không còn các khoản cổ tức được chia từ các công ty này. 

Theo tìm hiểu, các đơn vị được chuyển nhượng bao gồm: ANCO Vĩnh Long, ANCO Bình Định, ANCO Tiền Giang, ANCO Thái Nguyên, ANCO Hậu Giang.  

Các công ty con của Anco từng chia cổ tức cho doanh nghiệp này lên tới 600 - 700 tỉ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2016. Nhưng sang đến năm 2017, Anco lại không ghi nhận đồng cổ tức nào, trước khi nhận lại khoảng 185 tỉ đồng trong năm 2018.

Các công ty con hiệu quả của Anco được chuyển nhượng sang Masan MeatLife - công ty đang có kế hoạch đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM giai đoạn cuối năm 2019. Mục tiêu dài hơi hơn, Masan MeatLife có kế hoạch niêm yết trên HOSE vào giai đoạn 2022 – 2023.

Cộng thêm việc chi phí tài chính dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, gần 120 tỉ đồng (chủ yếu là lãi vay) khiến cho Anco lỗ ròng khoảng 139 tỉ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty thức ăn chăn nuôi này lãi ròng 141 tỉ đồng. 

Tổng tài sản của Anco đã tăng 1.124 tỉ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 23% đạt 6.037 tỉ đồng, do Anco đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản thêm 800 tỉ đồng, ngoài ra tăng các khoản trả trước người bán thêm 250 tỉ đồng. 

Để tài trợ cho lượng tài sản tăng nói trên, Anco tăng cường sử dụng nợ vay, trong đó vay ngắn hạn tăng 325% lên 727 tỉ đồng; các khoản vay dài hạn và vay trái phiếu tăng 16% lên 2.945 tỉ đồng. 

Ngoài ra, trong nửa đầu năm, Anco tiến hành tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, thông qua việc phát hành cho cổ đông hiện hữu. 

Theo cập nhật của người viết, trong quí III, Anco tiếp tục thực hiện thêm hai lần tăng vốn lần lượt thêm 60 tỉ đồng và 240 tỉ đồng cho cổ đông hiện hữu để nâng vốn điều lệ như thời điểm hiện tại lên 800 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ Masan MeatLife gần như sở hữu toàn bộ cổ phần Anco. 

Được biết, Anco lại đang sở hữu 24,94% cổ phần CTCP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), với giá trị ghi sổ 2.135 tỉ đồng.

Nợ vay tăng mạnh 

Từ năm 2015, Masan Nutri Science (tiền thân của Masan MeatLife) đã mua lại 70% cổ phần của Anco, rồi dần thâu tóm lại toàn bộ cổ phần như thời điểm hiện tại. 

Ngay sau thời điểm về tay Masan, doanh thu của Anco năm liền kề tăng trưởng 54% đạt mức 3.388 tỉ đồng. Nhưng doanh thu của công ty này năm 2017 đã bắt đầu chững lại đạt 3.239 tỉ đồng, và sụt giảm 38% trong năm gần nhất. 

anco 1

BM tổng hợp

Cũng kể từ năm 2016, chi phí tài chính của Anco mỗi năm bắt đầu tăng mạnh. Trong năm đầu tiên thuộc Masan MeatLife, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi phải chịu 139 tỉ đồng chi phí tài chính, trong đó 74 tỉ đồng lãi vay và 63 tỉ đồng lãi và phí phát hành trái phiếu. Nợ vay ngắn hạn tại thời điểm cuối năm  2016 khoảng 572 tỉ đồng và các khoản vay trái phiếu dài hạn lên tới 2.829 tỉ đồng, so với năm trước đó không đáng kể. 

Các khoản vay này phần lớn được Anco tài trợ cho việc mua cổ phần Vissan và cho vay dài hạn đối với bên liên quan, cùng thuộc CTCP Tập đoàn Masan. 

Năm 2017, chi phí tài chính tăng vọt lên 397 tỉ đồng với cơ cấu chia đều cho lãi vay và lãi, chi phí phát hành trái phiếu. Đến năm 2018, lãi vay của Anco bắt đầu giảm, nhưng chi phí cho các khoản nợ trái phiếu vẫn ở mức cao; tổng chi phí tài chính trong năm này hơn 266 tỉ đồng. 

anco 2

BM tổng hợp

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chu-nhan-hieu-cam-bio-zeem-lo-nang-sau-khi-chuyen-nhuong-5-cong-ty-con-cho-masan-meatlife-20191022161100831.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/