Chờ 'đầu bài' để biến rác thành tài nguyên

Tại buổi tiếp doanh nghiệp nghe đề xuất giải pháp xử lí bãi chôn rác lâu năm, xử lí ô nghiễm môi trường và tạo quĩ đất phát triển đô thị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP HCM, cho hay môi trường là vấn đề được người dân thành phố và các nhà đầu tư rất quan tâm.

Chờ 'đầu bài' để biến rác thành tài nguyên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM trao đổi với doanh nghiệp tại buổi làm việc đề xuất giải pháp xử lý bãi chôn rác lâu năm của TP. Ảnh: Châu Nguyễn

Thực tế, mỗi ngày thành phố thải ra trung bình khoảng 9.000 tấn rác, do vậy, vừa qua UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo phấn đấu tháng 9, 10 sẽ khởi công hai nhà máy biến rác thành điện với công suất của mỗi bãi rác là 1.000 tấn, và với việc hình thành hai nhà máy này, mục tiêu đến năm 2025, biến rác thải (chủ yếu rác thải sinh hoạt) thành điện cơ bản có thể xử lý được khoảng 70% - 80%.

Tuy nhiên, vấn đề cần nói ngay lúc này, là hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn có những bãi rác với hàng ngàn tấn rác đã được chôn nhưng chưa được xử lý và cũng chưa đưa trực tiếp vào nhiệm vụ xử lý, các bãi rác này thấm ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường đất, không khí… gây lãng phí quỹ đất phát triển công viên, cây xanh…

Chính vì thế, ông Nhân cho rằng cần cấp thiết nghiên cứu, trong 3 tháng phải ra được “đầu bài” đấu thầu xử lý rác, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cần trao đổi nhiều hơn với các doanh nghiệp từng đề xuất tham gia dự án này để chọn lựa phương án phù hợp với từng điều kiện.

Bên cạnh đó, thành phồ cũng rất muốn lắng nghe ý kiến về những sáng kiến của doanh nghiệp và người dân, Sở Khoa học và Công nghệ với vai trò phản biện, cần làm rõ các sáng kiến đó để thúc đẩy vấn đề.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, để khai thác thì các bãi rác chôn lấp phải đảm bảo đủ thời gian tối thiểu sau khi đã chôn lấp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phồ có 2 bãi rác chôn lấp lớn, đã đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát rộng 25 ha (quận Bình Tân) và bãi rác Đông Thạnh rộng 40 ha (huyện Hóc Môn), đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo bãi rác để sử dụng quỹ đất đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện sở này đã tiếp xúc với 1 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi rác Đông Thạnh. Theo chủ trương của TPHCM, việc lựa chọn các nhà đầu tư phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, đề nghị được tham gia khảo sát, lập phương án, giải pháp công nghệ để xử lý vấn đề ô nhiễm tại bãi chôn lấp Gò Cát, vì thấy phương án của công ty phù hợp với dự án này.

Ông Hồng đưa ra ví dụ đã từng xử lý thành công bãi rác Soi Nam (TP Hải Dương), đây là một điểm đen gây ô nhiễm nghiêm trọng được nêu trong quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ từ năm 2010, bãi rác này có diện tích 6,7 ha, khối lượng chôn lấp là 1.243.000 m3 và đã được đóng cửa vào năm 2011.

Cái khó trong việc xử lý bãi rác Soi Nam là về giải pháp công nghệ, do tính chất rác đã chôn lấp, hữu cơ đã phân huỷ thành mùn đất, công với lượng đất phủ bãi, tỉ lệ lên tới 40-45%. Các ô dưới cốt âm từ 5-6m, có những chỗ rác chìm sâu trong nước nên công nghệ đốt tất cả các thành phần trong rác là không thể.

Bên cạnh đó, nếu vận chuyển rác đến địa điểm mới để xử lý thì sẽ phát sinh ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận chuyển, gia tăng chi phí trong đơn giá xử lý, vấp phải sự phản đối của người dân địa phương nơi tiếp nhận mới.

"Quan điểm của công ty là điểm phát sinh gây ô nhiễm ở đâu thì sẽ xử lý tại đó, xử lý triệt để, loại bỏ rác khỏi mặt bằng chiếm giữ, tái sử dụng quỹ đất để xây dựng phát triển khu đô thị xanh, đặc biệt coi rác là tài nguyên để tận thu tối đa các phụ phẩm từ rác", ông Hồng cho hay.

Cụ thể, sau khi mở bãi rác, phun vi sinh, khử mùi, diệt vi khuẩn, phân loại mùn… và các bước cơ bản phân loại khác, sẽ tái chế nhựa; xử lý nước rỉ rác phù hợp với tiêu chuẩn; hay đốt rác (với khối lượng 40%) ở nhiệt độ trên 1.000 độ C bằng công nghệ lò của Nhật Bản có cải tiến phù hợp với rác Việt Nam, phần tro xỉ sau đốt (10%) sẽ tận thu đưa vào sản xuất gạch xây dựng hoặc sản xuất phân vi sinh…

Do vậy ông Hồng rất tự tin với dự án bãi chôn lấp Gò Cát. Ông cho hay: “Nếu đấu thầu thành công và được chọn, chúng tôi có thể tự tin trong khoảng 2 năm xử lý xong bãi rác Gò Cát và trong khoảng 3 năm sẽ phát triển thành khu đô thị”.

Qua trao đổi, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao đề xuất của doanh nghiệp và cho biết, ngoài xử lý bãi rác, TPHCM còn kết hợp chỉnh trang đô thị, do vậy ông Hoan cho biết thành phồ sẽ ra chỉ tiêu quy hoạch trước mắt là 1/2.000 và mong muốn doanh nghiệp sẽ tập trung vào công tác xử lý rác, còn nếu doanh nghiệp thiếu hụt về bài toán kinh tế, thành phố sẽ cân đối lại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cho-dau-bai-de-bien-rac-thanh-tai-nguyen-20190811144033853.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/